Bài cảm nhận sau buổi 2 - Tìm hiểu chứng kiến

Mình đang băn khoăn không biết là nên viết cảm nhận trước, làm bài tập sau hay là ngược lại. Cuối cùng mình chọn viết cảm nhận trước để sắp xếp lại một đống hỗn độn bên trong mình, mình nghĩ sau đó mình sẽ làm bài tập dễ dàng hơn.

Nếu buổi 1 như giúp mình lên 1 tầm cao mới, nhìn mọi thứ sáng rõ hơn, thì buổi 2 mình được khám phá sâu và rộng hơn về chứng kiến để biết cách hơn trong cuộc sống của mình. Mình nhớ sau buổi học nào mình cũng cảm thấy rất sung sướng, đã, người cứ lâng lâng…. Mình cảm thấy chắc mình được ông bà gia tiên bảo vệ, dẫn đường chỉ lối nên mới gặp đúng khóa học phù hợp và đúng thời điểm đến như vậy. Lúc này mình cũng đặt câu hỏi, vậy mình có chứng kiến ông bà bảo vệ và mở đường chỉ lối cho mình không? Mình thấy là không, mình không thể thấy được, nhưng mình cảm thấy rõ ràng lắm, à mình chứng kiến mình có một niềm tin là mình có sự bảo vệ, dẫn đường chỉ lối của ông bà gia tiên. Tiếp theo mình chứng kiến mình có nhận thức: Đây là niềm tin có lợi cho mình, giúp mình cảm thấy vững vàng và ấm áp hơn nên mình vẫn sẽ giữ niềm tin này ^^…

Trong buổi học mình thấy nhiều điều hay lắm nhưng với trí nhớ hạn hẹp, mình chỉ còn lưu lại được vài điều. Tuy nhiên với mình có lẽ như vậy đã là quá đủ trong thời điểm này, bởi quan trọng là mình sống như thế nào, chứ nhớ cho nhiều vào mà vẫn sống vậy, không thay đổi thì cũng không được gì…. Hơ hơ… tại sao mình lại có nhận được này ta, nếu nhớ nhiều thì cũng hơn là nhớ ít mà, nhưng mình đã nhớ ít rồi thì xem đó là cơ hội để mình khám phá thêm vậy, cũng nhớ được mấy điểm mấu chốt mà… Mình đang thấy là mình viết cảm nhận sau buổi học hơi xa nên mình không nhớ nhiều để viết và cũng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Để nhanh gọn lẹ mình sẽ viết luôn về thực tế của mình trong những ngày sau khóa học. Có những lúc mình sống trong chứng kiến, thấy mọi thứ sáng trong, đơn giản, đưa mình đến một cảm giác tự tại, nhẹ nhàng nhưng những khoảng thời gian này không nhiều. Phần lớn thời gian mình vẫn sống theo thói quen, luôn tìm mọi cách, mọi lý do để đau khổ, như là nghiền đau khổ vậy á, và mình luôn phải nhìn lại bản thân mình để đưa mình thoát ra.

Ví dụ như lúc mình dạy đàn cho học trò, học trò nói: “Cô đàn cho con nghe”, ờ thì mình là cô giáo, học sinh nói mình đàn thì mình đàn, mình vui vẻ đàn cho học sinh nghe nhưng bên trong mình thì rất nhanh đã lóe lên 1 suy nghĩ là: Học sinh nói mình đàn để đánh giá mình đàn hay hay dở, rồi sau đó khi có thời gian mình lại tiếp tục suy nghĩ, nếu mình đàn hay thì không sao, còn nếu mình đàn chưa hay học sinh sẽ nói lại với phụ huynh là mình đàn không hay, bài đó khó, làm sao mình địch lại với những người chuyên nghiệp từ nhạc viện ra…. Cứ thế, đến khi ra về mình vẫn cứ suy nghĩ vẩn vơ như vậy, còn xem những suy nghĩ này của mình là đúng, là hiển nhiên…. Rồi mình đặt câu hỏi, mình có chứng kiến học sinh của mình suy nghĩ vậy và sẽ làm vậy không? Mình không chứng kiến. Mình chứng kiến điều gì từ học sinh? Mình chứng kiến học sinh nói mình đàn, rồi học sinh tập đàn, mình ra về thì học sinh chào mình, biểu hiện bên ngoài của học sinh vẫn bình thường như mọi ngày, không có dấu hiệu gì của việc không tôn trọng cô hết…. Mình nhìn lại thì không thấy có vấn đề gì hết, vấn đề là từ mình, mình đã tự vẽ ra cho mình, là do mình không sống trong chứng kiến, không tôn trọng điều mình chứng kiến, mình chỉ chứng kiến 1 câu nói của học sinh: “Cô đàn cho con nghe” mà mình tự suy diễn lung tung, nếu tôn trọng điều mình chứng kiến thì nghe: “Cô đàn cho con nghe” chỉ đơn giản là “Cô đàn cho con nghe” thôi.

Và có 1 hôm mình nói chuyện với mẹ mình, mẹ nói mình ngu ngốc và người khác lợi dụng sự ngu ngốc của mình…. Mình lắng nghe và vẫn vui vẻ trả lời lại mẹ, mình thấy lúc này mình sống trong chứng kiến vì rất lắng nghe mẹ và nhẹ nhàng trả lời lại mẹ, mình không bị tác động bởi câu nói của mẹ, không cảm thấy là mình đang bị mẹ la hay mẹ đang chê mình…. Nhưng sau đó mình đã không tha cho mình, mình đã tự hỏi tại sao mẹ mình la mình như vậy, chửi mình như vậy, chê mình như vậy mà mình lại không buồn ta? Hay là mình đã lên level rồi, không phải như vậy, mình phải buồn, phải đau khổ mới đúng chứ, vậy là mình nhanh chóng chìm vào đau khổ, bế tắc, rồi mình nhắn tin cho Thảo Koro than thở về vấn đề của mình, Thảo nói nếu mình học nghiêm túc và sống trong chứng kiến thì mình sẽ biết cách giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Nghe vậy mình đã tự đặt câu hỏi, lúc này mình đang chứng kiến điều gì? Mình đang chứng kiến thấy mình buồn, lo lắng, đau khổ, mình tự hỏi, những cảm xúc này từ đâu ra? Thì thấy câu trả lời: Mẹ đang thấy mình ngu ngốc, mẹ đang rất lo cho mình, vậy tại sao mình lại không đau khổ được. Mình có chứng kiến mẹ thấy mình ngu ngốc không? Và mình có chứng kiến thấy mẹ đang rất lo cho mình không ? Mình không chứng kiến…. Đó vậy là vấn đề được giải quyết, mình phơi phới trở lại và cũng có kinh nghiệm hơn trong việc dùng tấm gương “chứng kiến” soi chiếu lại mình. Cách của mình là liên tục nhìn lại mình, nhất là lúc cảm thấy mình không ổn.

Có một buổi chiều tự nhiên mình cảm thấy hờn dỗi với cả thế giới, mình chán đời đến không còn sức lực gì luôn, mình thấy tất cả mọi thứ đều không như ý của mình. Mình biết mình có vấn đề rồi đây, mình nằm xuống xích đu vừa để nghỉ mệt vừa để nhìn lại mình, lúc này mình chứng kiến cảm giác chán nản bên trong mình, chán và mệt mỏi đến nỗi không muốn sống nữa luôn. Mình tự đặt câu hỏi, mình có đang tôn trọng thực tế không? Và thấy hiện lên câu trả lời: Tất nhiên là không tôn trọng rồi, tôn trọng thì đâu có như vầy. Tại sao lại không tôn trọng? Thấy nhiều việc phải làm, mệt quá nên không muốn tôn trọng. Nhiều việc phải làm là những việc gì? Như việc lau nhà nè, nhà đã dơ rồi mà chưa lau, rồi còn việc abc nữa. Việc nào quan trọng, cấp bách, cần ưu tiên làm trước? Là việc lau nhà, không quan trọng lắm nhưng dơ rồi thì cần làm. Nhưng mình không muốn lau nhà đúng không, nếu mình thấy mệt chưa muốn lau thì mình có thể nằm nghỉ một chút tầm 30p rồi lau nhà cũng được mà, đâu có sao. Ừ ha, đúng rồi, mình sẽ nghỉ tầm 30p rồi lau, còn một số việc khác thì ngày mai làm cũng được mà. Vậy vấn đề chỉ là mình lười, chưa muốn lau nhà thôi nhưng mình lăn ra ăn vạ và hờn dỗi cả thế giới. Khi nhận ra, bên trong mình cũng nhẹ nhàng, có năng lượng trở lại và sau 1 lúc chơi điện thoại mình cũng dậy đi lau nhà trong vui vẻ.

Vào trưa và chiều + tối nay thì mình chứng kiến có một sự đông đặc ở vùng ngực của mình và đến giờ ăn mình chứng kiến cảm giác đói, rỗng bên trong dạ dày nhưng cũng chứng kiến cảm giác dạ dày đầy hơi, không muốn ăn, chứng kiến cả cơn mệt, rất mệt bên trong mình. Có những khoảng thời gian mình làm việc hay nói chuyện với một người khác thì mình tập trung vào công việc, cuộc nói chuyện nên những chứng kiến mình kể trên giảm xuống, hoặc là mình không chú ý đến, nhưng khi một mình mình thì vẫn chứng kiến cảm giác tức tức, đông đặc ở phần ngực và mệt mỏi. Qua 11h đêm mình mới lên giường đi ngủ nhưng nằm mãi vẫn không ngủ được, mình thấy những suy nghĩ diễn ra trong đầu mình thì ổn, nhưng sao phần ngực lại có cảm giác đông đặc, nghẹn nghẹn, tức tức và không ngủ được? Mình cần nhìn lại, ngầm sâu bên trong mình là gì? Và mình thấy hiện lên sự chê trách bản thân mình, lần này sự chê trách tinh vi hơn, đã không còn hiện diện trên suy nghĩ để mình nhanh chóng tóm cổ mà lại ngầm bên trong mình, khi mình lôi nó ra, vùng ngực của mình như thoát được 1 cục đá tảng, nhẹ hẳn đi nên mình biết từ cái thằng chê trách bản thân, nó chê mình sao lại làm sai, tệ, nếu mất việc thì sao, mình là đồ vô dụng, không biết kiếm tiền, không làm ra được tiền và không làm được gì…. Mình suy xét thì thấy nó nói vậy không đúng, mình làm sai thì mình sửa, tiếp tục công việc hay không đó là lựa chọn của mình mà, lựa chọn của mình thì sao lại trách mình, không làm việc này thì làm việc khác…. Qua đây mình cũng thấy mình không tôn trọng thực tế luôn, nếu tôn trọng thực tế thì mình đâu có như vậy. Tôn trọng thực tế thì có vấn đề mình nhìn thẳng vào vấn đề, tập trung và giải quyết vấn đề thôi. Đằng này, mình không tập trung giải quyết vấn đề mà cứ luôn đi suy nghĩ, vẽ vời, đánh giá lung tung. Nếu mình sống trong chứng kiến, thì nói thẳng ra, hiện tại mình không có vấn đề gì hết, nhưng rảnh quá hay sao á hoặc là nghiền sống khổ nên vẽ chuyện ra rồi ở trong đó, càng mệt thì càng đã, bởi vậy nên người cứ mệt mỏi, đâu còn sức lực để làm gì đâu. Mình nhớ lúc trưa mình nói chuyện với Đ, trước 1 câu hỏi của Đ, bên trong mình hiện lên: Là sao ta? Sao mình lại không trả lời được ta? Làm sao để trả lời đây ta? Chết rồi, mình không trả lời được thì mình làm sao đây? Sao mình lại tệ vầy ta?.. Đó, đứng trước 1 câu hỏi, mình không tập trung tìm câu trả lời mà lại cật lực đưa ra một lô 1 lốc câu hỏi cho mình vậy thì mình đâu có muốn trả lời câu hỏi của Đ, mình đi trốn vậy thì đâu có tôn trọng điều mình chứng kiến.

Mình thấy việc tìm mọi cách để khổ của mình dày đặc quá. Cùng với việc thường xuyên/ liên tục nhìn lại mình thì mình cần có những quyết định cho phép mình được sống vui, hạnh phúc bằng cả trái tim yêu thương bản thân để hạn chế bớt những việc làm có hại cho mình.

(Mình lười đọc lại để chỉnh sửa câu cú, chính tả, có gì bạn đọc thông cảm cho mình nha).

  1. Như thế nào là sống trong chứng kiến?
  2. Có mấy lần bạn nói “nếu tôn trọng thực tế thì đâu có như vậy” → vậy tôn trọng thực tế thì sẽ như thế nào? bạn có thể kể một tình huống mà bạn đã tôn trọng thực tế không?
  3. “Cần có những quyết định cho phép mình được sống vui…” ==> vậy đã quyết định chưa? nếu quyết rồi thì dấu hiệu nào cho thấy bạn đã quyết định? nếu chưa thì vì sao chưa?
  1. Vì lúc nào mình cũng chứng kiến nên sống trong chứng kiến là viết tắt của sống trong ý thức về cái mình chứng kiến.

  2. Nếu “tôn trọng thực tế thì đâu có như vậy” → Tôn trọng thực tế thì mình không đưa cái ý vào, nhìn rõ vấn đề như nó đang có nên biết cách giải quyết vấn đề (nếu cần giải quyết) và mình ko bị những cảm xúc khó. Vd như mình thi làm bài được có 1 điểm, ko tôn trọng thực tế là mình chê mình yếu kém, làm bài có 1 điểm, hoặc mình lơ kết quả của mình, xem như không có gì. Tôn trọng thực tế là: 1 điểm thì là 1 điểm, muốn có điểm cao hơn thì lo học hành chăm chỉ nghiêm túc hơn thôi. À còn vd mà bản thân mình đang có luôn, có lúc mình làm việc với 1 lỗi sai mình thấy vô cùng xấu hổ luôn vì hầu như ko ai lại ko biết cái này cả, nhưng tôn trọng thực tế thì uhm mình đã sai vậy, nó là như vậy, ko có gì tốt hay xấu để mình đánh giá cả, nên sai thì sửa, cũng ko xấu hổ.

  3. Cũng có những lúc mình quyết định rồi, đây giống như 1 sự lựa chọn, ví dụ mình lựa chọn mình được sống vui, hp thì mình sống vui, hạnh phúc, dấu hiệu: mình quyết định sống vui, hạnh phúc và mình sống vui hp luôn, còn chưa là khi mình nói mình quyết định sống vui, hp nhưng vẫn còn gì đó chưa được thoải mái kiểu như gượng gạo, ép mình.

  1. Như thế nào là sống trong ý thức về cái mình chứng kiến?
  2. Vì sao những phản ứng như vậy lại là không tôn trọng thực tế? Đưa cái ý vào mà nó đúng với thực tế thì sao? Ví dụ như thi có 1 điểm thì rõ ràng mình yếu kém là đúng rồi, thực tế bạn yếu kém nên mới làm bài được có một điểm mà?
    → Đặc điểm của tôn trọng thực tế là gì?
  3. Cũng có những lúc rốt cuộc là có hay chưa bạn? hoặc bạn có thể giải thích là vì sao có trường hợp bạn quyết định có trường hợp bạn chưa?
  • Khi bạn ra quyết định rồi bạn sẽ vui ngay phải không?
  1. Sống trong ý thức về cái mình chứng kiến là mình biết mình đang chứng kiến cái gì, không chứng kiến cái gì.

  2. Vì thực tế như vậy thì đơn giản chỉ như vậy thôi, mình đưa cái ý của mình vào thì mình biết đó là cái ý của mình và thực tế mình có ý như vậy.
    Vd: Mình thi được 1 điểm, từ đây mình suy ra mình yếu kém thì thực tế điều mình chứng kiến là mình thi được 1 điểm, và mình có 1 đánh giá mình yếu kém sau khi nhận điểm 1. Mình yếu kém là đánh giá của mình, không phải là thực tế về mình.
    → Đặc điểm tôn trọng thực tế là: Thực tế như vậy thì là như vậy, thực tế không phải là sự thật, nhưng thực tế tồn tại độc lập và không có ý mình chen vào, ko có thực tế tốt hay thực tế xấu.

  3. Thường thì mình để thả trôi cảm xúc, hoặc là nhìn lại xem nguồn gốc cảm xúc từ đâu để hóa giải, khi nhìn lại rồi mà chưa thấy rõ ràng gốc rễ để hóa giải, mơ hồ chưa biết cảm xúc từ đâu, lúc này mình mới quyết định, lựa chọn, cho phép mình được vui, hạnh phúc. Có lúc quyết định, lựa chọn rồi mình vui ngay, có lúc thì không vui ngay - lúc này mình tiếp tục tìm xem cảm xúc này từ đâu ra vì không muốn mình tắt chuông cảm xúc.

  1. Sống trong ý thức về cái mình chứng kiến là mình biết mình đang chứng kiến cái gì, không chứng kiến cái gì —> bạn cho ví dụ được không?
  2. Thực tế về mình nghĩa là gì? ví dụ?
  • Thực tế không phải là sự thật nghĩa là sao? như thế nào là sự thật? ntn là thực tế?
  1. Bạn có thể chia sẻ một trải nghiệm của bạn về trường hợp vui ngay và không vui ngay không?
  1. Vd lúc này đây, mình chứng kiến câu hỏi của bạn, chứng kiến suy nghĩ của mình, không chứng kiến bạn cố tình hỏi để làm khó mình, không chứng kiến bạn cố tình hỏi để giúp mình sáng rõ vấn đề, mình đoán bạn hỏi để rõ hơn nội dung mình nói, mình đoán bạn chăm chỉ học tập lắm vì bạn hỏi mình nhiều, mình tưởng tưởng trên trời có rất nhiều ngôi sao sáng lấp lánh, xinh đẹp.

  2. Thực tế về mình là những gì mình chứng kiến được về mình. Vd: Mình chứng kiến mình đang trả lời câu hỏi của bạn, mình chứng kiến da mình đen, mình chứng kiến mình đang no bụng.

Thực tế không phải là sự thật vì thực tế là những gì mình chứng kiến được qua các giác quan, mà cái mình chứng kiến không phải là sự thật nên thực tế không phải là sự thật. Mình không biết sự thật là gì, mình luôn luôn hướng đến sự thật.

  1. Mình có 1 trải nghiệm cảm xúc như nhớ về bạn trai cũ của mình như vầy nè: Khi mình tin người ấy không yêu mình → Mình buồn. Khi mình cố tìm những lý lẽ để tin người ấy yêu mình → Mình cũng buồn luôn. Khi mình nhận thức lại, mình không chứng kiến được tình cảm của người ấy dành cho mình, mình chỉ chứng kiến được những gì người ấy biểu hiện bên ngoài. Mình đoán người ấy không yêu mình, nhưng người ấy cũng có tình cảm với mình và đoán thì có thể đúng / sai. Khi nhìn nhận như vậy thì bên trong mình chuyển ngay từ buồn sang vui nhẹ.

Còn trải nghiệm về việc lựa chọn mình sẽ sống vui, hạnh phúc, mình thấy gốc là lựa chọn chân thành với bản thân, yêu thương bản thân. Khi mình quyết định yêu thương mình, tự nhiên mình cũng vui nhẹ nhẹ, ấm áp, hạnh phúc, thấy cuộc sống ý nghĩa, thấy mình sướng nữa, tự nhiên cũng hoàn cảnh như vậy mà thấy mình sướng hơn tiên luôn vì có những cái rất đời thường, nhưng cũng đôi lúc buồn chảy nước mắt vì trong mình còn nhiều tổn thương. Nhờ câu hỏi của bạn nên mình nhớ mình đã có những trải nghiệm như vậy á.

  • Cái mình chứng kiến không phải là sự thật → bạn không thể chứng kiến được sự thật phải không?
  • Mình không biết sự thật là gì → Bống là con của bạn. Đây có phải là sự thật không?
  • Như thế nào là chân thành với bản thân? như thế nào là yêu thương bản thân?
  • Đúng là mình không biết mình có chứng kiến được sự thật hay không.
  • Bống là con của mình - đây là một thực tế. Còn sự thật ? Mình nghe thầy tâm linh của mình nói: Bống ở trên trời xuống để giúp cho mình phát triển. Mình thấy mình tin điều này. Trước khi Bống vào bụng mình thì mình không biết Bống là gì của mình đó bạn, nên mình không biết sự thật.
  • Theo cái hiểu và cảm của mình thì chân thành với bản thân là thấu hiểu và thật lòng với chính mình, không tự lừa dối mình.
  • Yêu thương bản thân là nâng niu, trân trọng bản thân mình, tận hưởng cả những điểm mạnh và điểm yếu của mình, không làm điều có hại cho mình.
  • Cái mình chứng kiến không phải là sự thật → bạn không thể chứng kiến được sự thật phải không? → Đúng là mình không biết mình có chứng kiến được sự thật hay không → đây là câu trả lời cho câu nào vậy bạn?
  • Bống là con của bạn. Đây có phải là sự thật không? → bạn có thể trả lời ngắn gọn là phải hay không được không?
  • Theo cái hiểu và cảm của mình thì chân thành với bản thân là thấu hiểu và thật lòng với chính mình, không tự lừa dối mình → như thế nào là thấu hiểu? ntn là thật lòng? ntn là không lừa dối mình?
  • Yêu thương bản thân là nâng niu, trân trọng bản thân mình, tận hưởng cả những điểm mạnh và điểm yếu của mình, không làm điều có hại cho mình. → tận hưởng cả những điểm mạnh và điểm yếu nghĩa là sao?
  • “bạn không thể chứng kiến được sự thật phải không?” → Mình chưa trả lời được câu này nhé bạn.
  • Phải - vào thời điểm này.
  • thấu hiểu là có hiểu biết về cảm xúc, mong muốn, nhu cầu… của bản thân.
  • Thật lòng là thừa nhận, chấp nhận những gì mình có, không chối bỏ.
  • Không lừa dối mình là vừa thấu hiểu vừa thật lòng á.
  • Tận hưởng cả những điểm mạnh và điểm yếu là mình yêu cả những điểm mạnh và điểm yếu của mình.
  • “Cái mình chứng kiến không phải là sự thật” —> câu này bạn chốt chưa?
  • Phải - vào thời điểm này. —> nghĩa là có thể vào thời điểm khác thì Bống không phải là con của bạn phải không?
  • thấu hiểu là có hiểu biết về cảm xúc, mong muốn, nhu cầu… của bản thân. —> như thế nào là có hiểu biết về cảm xúc, mong muốn, nhu cầu… của bản thân?
  • Thật lòng là thừa nhận, chấp nhận những gì mình có, không chối bỏ.—> ví dụ?
  • Không lừa dối mình là vừa thấu hiểu vừa thật lòng á. —> Không lừa dối thì liên quan gì đến thấu hiểu?
  • Tận hưởng cả những điểm mạnh và điểm yếu là mình yêu cả những điểm mạnh và điểm yếu của mình.—> vậy có thể thay từ “tận hưởng” thành từ “yêu” đúng không?
  • “Cái mình chứng kiến không phải là sự thật” —> chốt.
  • Vào thời điểm khác thì mình không biết Bống có phải là con của mình không.
  • Như thế nào là có hiểu biết về cảm xúc, mong muốn, nhu cầu… của bản thân? → Mình suy nghĩ trả lời bạn sau nha.
  • Vd: Thấy mình sai, xấu xí thì cũng thừa nhận, không trốn tránh, chối bỏ.
  • Không lừa dối thì liên quan gì đến thấu hiểu? Vì nhiều khi mình thấy mình lừa dối mình vì mình không hiểu mình hoặc là cố tình không muốn hiểu. Vd: Mình đi học nhưng trong lòng không muốn học. Hoặc cũng nhiều lúc mình lừa dối mình vì mình tưởng như vậy tốt cho mình. → Vậy nên để không lừa dối mình cần thật lòng và thấu hiểu.
  • Đúng: Có thể thay từ “tận hưởng” thành từ “yêu”.
  • “Cái mình chứng kiến không phải là sự thật” —> chốt. —> vậy nó là cái gì?
  • Vào thời điểm khác thì mình không biết Bống có phải là con của mình không. —> lúc bạn trả lời đến giờ đã là một thời điểm khác. Vậy bây giờ thì bạn không biết Bống có phải là con của bạn đúng không?
  • Như thế nào là có hiểu biết về cảm xúc, mong muốn, nhu cầu… của bản thân? → Mình suy nghĩ trả lời bạn sau nha. —> bạn nghĩ xong chưa?
  • Vd: Thấy mình sai, xấu xí thì cũng thừa nhận, không trốn tránh, chối bỏ. —> dấu hiệu của thừa nhận, không trốn tránh, chối bỏ là gì?
  • Không lừa dối thì liên quan gì đến thấu hiểu? Vì nhiều khi mình thấy mình lừa dối mình vì mình không hiểu mình hoặc là cố tình không muốn hiểu —> nghĩa là khi mình thật lòng và thấu hiểu thì mình sẽ không lừa dối mình nữa phải không?
  • Đúng: Có thể thay từ “tận hưởng” thành từ “yêu”. —> Hồng yêu Bống & Hồng tận hưởng Bống. Hai câu này nghĩa như nhau đúng không?
  • Cái mình chứng kiến là thực tế tại thời điểm đó.
  • Bây giờ thì mình biết Bống là con của mình.
  • hihi… xoắn não quá, mình chưa nghĩ xong luôn.
  • Dấu hiệu của thừa nhận, không trốn tránh, chối bỏ là: Mình thấy vấn đề của mình, có sự thay đổi, phát triển.
  • Đúng: Mình thấy thấu hiểu và thật lòng thì sẽ không lừa dối mình.
  • Hồng yêu Bống & Hồng tận hưởng Bống. → 2 câu này nghĩa không như nhau. Mình không hiểu “Hồng tận hưởng Bống” là sao luôn á, thấy mình chỉ tận hưởng mình.
  • Cái mình chứng kiến là thực tế tại thời điểm đó.—> nghĩa là sao?
  • Bây giờ thì mình biết Bống là con của mình —> đây có phải là sự thật không?
  • hihi… xoắn não quá, mình chưa nghĩ xong luôn —> bạn có thể dùng công cụ chứng kiến để trả lời không?
  • Dấu hiệu của thừa nhận, không trốn tránh, chối bỏ là: Mình thấy vấn đề của mình, có sự thay đổi, phát triển.—> bạn có thể cho ví dụ cụ thể và phân tích trên đó không?
  • Đúng: Mình thấy thấu hiểu và thật lòng thì sẽ không lừa dối mình —> vì sao thấu hiểu và thật lòng thì sẽ không lừa dối mình nữa?
  • Hồng yêu Bống & Hồng tận hưởng Bống. → 2 câu này nghĩa không như nhau. Mình không hiểu “Hồng tận hưởng Bống” là sao luôn á, thấy mình chỉ tận hưởng mình.—> bạn nói có thể thay từ “tận hưởng” bằng từ “yêu” mà? như vậy về mặt nghĩa nó phải giống nhau chứ?