Mình hôm nay muốn viết cảm nhận về việc làm bài tập nhóm tuần vừa rồi với bạn Lợi về câu chuyện của anh Nghĩa. Cảm giác sau 2 buổi thảo luận nhóm vừa rồi thì mình thấy phấn khởi sau khi mình phá được một quan điểm của bạn chơi và bạn chơi cũng thừa nhận với mình về quan điểm đó có mâu thuẫn. Mình thấy cái buổi đó mình đã có 2 phần. Phần thứ nhất là mình tiến hành làm rõ các quan điểm của bạn Lợi. Mình lấy ví dụ trong phần phản biện lại “ĐỒNG Ý” bạn đưa ra quan điểm 1 là “hoàn cảnh thay đổi”. Mình có cảm nhận có gì đó không ăn khớp về mặt logic giữa quan điểm của Nghĩa là “Nghĩa luôn cảm thấy bức xúc, bất mãn…” vì hoàn cảnh thay đổi. Lúc đó có một điều khiến mình cảm thấy cần phải làm rõ là tại sao hoàn cảnh thay đổi lại khiến nghĩa bức xúc, bất mãn, có phải khi hoàn cảnh thay đổi nào anh ta cũng bị như vậy không. Và mình đặt ra một câu hỏi lựa chọn cho bạn Lợi là có phải em cho rằng: “ Nghĩa muốn sống cuộc sống như với bà ngoại trước kia nên khi hoàn cảnh thay đổi trái với ý muốn đó thì dẫn đến Nghĩa như vậy không?” Bạn Lợi xác nhận “Đúng”. Sở dĩ mình đặt câu hỏi như vậy là trong đầu mình có một dự đoán rằng đằng sau cái cảm xúc của Nghĩa là một mong muốn thường trực, còn hoàn cảnh xảy đến là một điều gì đó khiến mong muốn đó bị chặn và nảy sinh cảm xúc. Vậy là việc xác định phán đoán của mình là đúng. Cái gốc của vấn đề của Nghĩa trong quan điểm của bạn Lợi là ý muốn bị chặn lại khi hoàn cảnh thay đổi. Mình nhớ lại chi tiết này trong cuộc đối thoại với bạn Lợi vì nếu không làm rõ cái quan điểm đó là ý muốn của Nghĩa thì chỉ dựa vào hoàn cảnh thay đổi mà để dẫn đến cảm xúc như vậy thì sẽ thiếu logic. Vậy là bước 1 đã xong. Mình đến bước 2 là phản biện. Để phản biện được quan điểm của bạn Lợi thì mình hoàn toàn phải bám sát vào những chi tiết ở trong câu chuyện của anh Nghĩa. Những chi tiết này khi đọc câu chuyện xong mình đã chuẩn bị khá chi tiết và in ra để khi đối thoại với bạn Lợi mình có thể dễ dàng nhìn ra và truy cập những chi tiết đó một cách nhanh nhất. Mình thấy đây là một sự chuẩn bị dễ dàng có chủ ý. Nếu đọc xong câu chuyện của Nghĩa mình không lưu ý những chi tiết quan trọng không in ra để đọc thì mình thấy nhiều khi thông tin của câu chuyện bị rối và mình không thể truy cập được những thông tin cần thiết một cách nhanh nhất. Bước chuẩn bị này cũng là một điều quan trọng khiến mình thấy là mình đã thành công. Quá trình phản biện mình hoàn toàn dựa vào quan điểm của bạn Lợi và những chi tiết có trong câu chuyện của anh Nghĩa để đặt câu hỏi. Đã có lúc mình đưa ra quan điểm của bản thân nhưng thấy rằng không hiệu quả nên mình quay trở lại ngay bằng việc bám sát quan điểm của bạn Lợi và các chi tiết trong câu chuyện. Mình dựa vào ba chi tiết của câu chuyện: Thứ nhất, Nghĩa đủ khả năng tự khẳng định mình và phân biệt rõ ràng đâu là ý muốn thật sự. Thứ hai, Nghĩa chọn theo nếp sống của gia đình bên nội là mong muốn thật sự của chính mình, không theo quán tính đạo đức. Thứ ba, không có một sức ép vô hình nào khiến anh phải chọn “tuân theo” khi trong lòng không muốn. Câu hỏi mình đặt cho bạn Lợi là: “Tại sao Nghĩa lựa chọn theo ý muốn thật sự của chính mình và có khả năng nhận biết ý muốn thật sự của chính mình mà lại còn bức xúc, bất mãn?”, bạn Lợi trả lời vì tiềm thức trỗi dậy, Nghĩa có một ý muốn trong tiềm thức là muốn sống như trước kia với bà ngoại. Vậy là trong Nghĩa có 2 mong muốn một mong muốn trong tiềm thức là muốn sống cuộc sống như trước kia với bà ngoại và một mong muốn mà nghĩa ý thức được là Nghĩa muốn sống theo nếp sống của gia đình bên nội. Câu hỏi tiếp theo của mình là: Tại thời điểm mong muốn trong tiềm thức trỗi dậy, Nghĩa có ý thức được mong muốn đó không? Ở đây là nhận biết rõ ràng? Bạn Lợi trả lời là “Có”. Câu hỏi tiếp theo của mình là: Khi ý muốn trong tiềm thức trỗi dậy và Nghĩa nhận biết được thì Nghĩa có lựa chọn tuân theo ý muốn đó của mình không? Bạn Lợi trả lời là “Có”, Nghĩa sẽ theo ý muốn đó. Vậy là mình xâu chuỗi lại câu trả lời của bạn Lợi là: Nghĩa có một ý muốn trong tiềm thức là muốn sống cuộc sống như trước kia với bà ngoại và Nghĩa hoàn toàn ý thức được ý muốn đó. Khi ý muốn đó nổi lên và trỗi dậy thì Nghĩa sẽ theo ý muốn đó. Câu hỏi tiếp theo của mình là: Nếu Nghĩa tuân theo ý muốn đó thì Nghĩa có cảm thấy bức xúc, bất mãn như vậy không? Bạn Lợi trả lời là “KHÔNG”. Quan điểm mình đưa ra là: nhưng thực tế trong câu chuyện thì Nghĩa lại bức xúc khó chịu như thể cha đang ép buộc mình. Vậy em giải thích gì về điều này. Liệu Nghĩa có thực sự nhận biết được ý muốn trong tiềm thức của mình không? Em có thấy quan điểm của mình có sự mâu thuẫn không? Bạn Lợi trả lời là “Có” và thừa nhận rằng Nghĩa không ý thức rõ được mong muốn ở sâu trong tiềm thức của mình là muốn sống cuộc sống trước kia với bà ngoại. Và đến đây là điểm mà cả hai người trong nhóm mình cảm thấy thú vị và mới mẻ khi nhận ra điều này sau một chuỗi làm rõ quan điểm bằng cách đặt câu hỏi, dựa vào các chi tiết trong câu chuyện để làm rõ nữa. Buổi trước mình cũng thảo luận với bạn Lợi nhưng vì nhóm mình giới hạn thời gian thảo luận chỉ là 10 phút cho mỗi phần khiến cho việc truy vấn không đi đến được tận cùng. Hôm nay mình truy vấn đến tận cùng gốc rễ của vấn đề mất gần 1 tiếng đồng hồ mới phá được 1 quan điểm. Dù sao cũng tự động viên mình là mình đã khám phá được một điều mới mẻ. Một điều nữa có lẽ là kết quả từ buổi trước là mình có một câu hỏi ở trong mình cần phải đi làm rõ là “CẦN ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN khiến anh Nghĩa bức xúc khó chịu” và kết quả của quá trình đặt câu hỏi và khám phá cùng bạn Lợi là một quá trình truy vấn nguyên nhân gây nên cảm xúc của anh Lợi. Một điều nhỏ nữa nhưng không kém phần quan trọng là mình đã có sự trao đổi với Minh Đăng về thời gian của phần phản biện. Trước khi trao đổi thì mình hoàn toàn mặc định trong đầu là trao đổi mỗi người chỉ có 10 phút thôi. Và khi Minh Đăng bảo tối thiểu 10 phút thì mình cảm thấy như được gỡ ra điều mà mình có định kiến. Vậy tóm tắt lại thì để làm việc hiệu quả trong phần làm việc nhóm này thì mình thấy cần làm rõ yêu cầu của bài tập, nắm rõ nội dung chi tiết của câu chuyện, dành thời gian chuẩn bị, làm rõ những nội dung, chi tiết mình cảm thấy mơ hồ không hiểu về bài tập, quan điểm của bạn chơi, rồi nguyên nhân của những cảm xúc của nhân vật Nghĩa trong câu chuyện. Nếu chốt lại một câu qua bài tập tuần này thì mình thấy tất cả là một quá trình chuẩn bị để làm rõ, bằng cách đặt câu hỏi cho giảng viên, cho bạn cùng nhóm, và cho cả chính mình. Chứ thực sự trước khi động vào bài tập kiểu này, rồi làm việc nhóm nữa mình cảm thấy choáng, ngại lắm vì mơ hồ, không rõ. Thấy học ở thiền Việt Nam là một quá trình đi làm rõ để sáng tỏ cái không biết nữa.