https://suckhoedoisong.vn/cach-chua-benh-tinh-chi-cua-dong-y-16989934.htm
SKĐS - Theo danh y Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh: “Bệnh tình chí là do tình hướng vào cái gì đó, chí hướng vào một cái gì đó mà sinh bệnh.
Trong đời sống công nghiệp hóa hiện nay, sự tác động của môi trường, xã hội và những mối quan hệ phức tạp, căng thẳng, đã làm cho con người càng ngày càng phải đương đầu với những căn bệnh tâm thần. Đó là những căn bệnh mà y học phương Đông gọi là bệnh tình chí bị rối loạn. Và từ thuở xưa, các nhà y học đã đề ra những phương cách trị liệu rất độc đáo.
Những loại bệnh tâm căn (maladies psychogennès), tức bệnh có nguyên nhân do tâm lý như: suy nhược thần kinh, ám ảnh lo âu, rối loạn thần kinh tim, hysteria… với các triệu chứng dai dẳng làm đau khổ cho cả thể xác lẫn tinh thần người bệnh, gây tốn kém, khó khăn cho việc chữa trị.
Gần đây, một số bệnh có nguyên nhân tâm lý được gọi là các bệnh tâm thể (maladies psychosomatiques), không phải chỉ gây rối loạn chức năng mà còn dẫn đến những tổn thương nặng nề cho nhiều bộ phận cơ thể, có thể gây tử vong, như: loét dạ dày tá tràng, xơ mỡ động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, hen suyễn, đột quỵ do xuất huyết não, thậm chí còn gây ra ung thư…
Quan niệm chữa bệnh tình chí xưa và nay
Y học phương Tây từ thời Hyppocrates (460 - 377 trước Công nguyên) đã quan tâm đến mối quan hệ mật thiết giữa tinh thần và thể chất của người bệnh. Hyppocrates là người đầu tiên sáng tạo ra nguyên lý: “Không phải chỉ chữa bệnh mà chữa người bệnh”. Theo ông, nghệ thuật y học không phải chỉ tác động đến bệnh tật, mà là chữa bệnh cho người ốm, như một tập hợp các đặc tính tâm hồn và thân thể. Ông đã đưa ra luận điểm quan trọng về những đặc tính tinh thần và thể chất điển hình của các mẫu người tương ứng với tình trạng hoạt động sinh lý và bệnh tật của họ. Việc phân biệt này có ý nghĩa về mặt lý luận và có ý nghĩa lớn về thực tiễn: xác định thể loại có liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
Về sau, các thầy thuốc đã đặc biệt chú trọng đến y học toàn thể, như là một đáp ứng cần thiết của công tác bảo vệ sức khỏe con người trong thời đại công nghiệp phát triển.
Trong một bài đăng trên tạp chí của Hội y khoa Mỹ (16/4/1955), bác sĩ Fraceland viết: “Mặc dù có thể bị chỉ trích, khoa y học tâm thể là một phương pháp rất tốt để trị bệnh. Vì không thể nào trị lành bệnh cho một người mà không để ý đến tâm thần của người đó. Con người không chỉ có phần sinh lý mà còn có phần tâm lý chịu ảnh hưởng của xã hội, kinh tế…”.
Các nhà y học hiện đại đã nhìn nhận người bệnh là một sự toàn vẹn về tâm thần - thể chất, một sự thống nhất sinh tồn giữa các tổ chức (mô), hệ thống dịch thể với nhận thức của họ. Trên cơ sở đó người ta cho rằng: một nền y học chân chính phải là một khoa học bao quát mọi mặt. “Đó là một nền y học về cơ thể con người tập hợp tất cả những biểu hiện và các mối liên hệ của nó, xem xét những biểu hiện tâm lý hữu cơ và môi trường xung quanh nó trong một sự thống nhất” (F. Delore - 1961).
Mùa thu năm 1978, tại hội nghị Alma - Ata, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về sức khỏe như sau: “Sức khỏe không phải chỉ là không có bệnh tật, hay khuyết tật mà là một sự thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội”. Qua đó nói lên rằng yếu tố tinh thần và xã hội có vai trò quan trọng trong việc tạo lập sức khỏe của chúng ta.
Tuy nhiên, điều đáng nói là vấn đề này đã được y học phương Đông đặc biệt chú trọng cách đây hơn 4.000 năm.
Sách Hoàng Đế nội kinh, một tác phẩm kinh điển hàng đầu của y học phương Đông viết: “Giữ lòng điềm đạm, vô tư, ít thị dục thì chân khí được sung túc, tinh thần được vững chãi ở bên trong thì bệnh tật là sao mà phạm đến được” (Điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ,bệnh an tòng lai? - Tố Vấn/Thượng cổ thiên chân luận).
Bộ sách y học này còn chỉ ra rằng:
Con người muốn bệnh tật không xâm phạm, có sức khỏe vững bền, muốn sống lâu thì phải biết thích nghi với sự nóng lạnh của thời tiết, tâm tính phải an hòa trong cách cư xử với mọi người, làm việc nghỉ ngơi phải chừng mực, đúng phép, đúng thời hợp với quy luật âm dương. (Thuận tứ thời nhi thích hàn thử, hòa hỉ nộ nhi an cư xử, tiết âm dương nhi điều cương như. Như thị tắc tịch tà bất chí, trường sinh cửu thị - Hoàng Đế nội kinh / Linh Khu).
Về sau, các nhà y học như: Văn Chí, Hoa Đà, Trương Tử Hòa, Chu Đan khê, Tuệ Tĩnh, Viêm Thể Am… là người nổi danh về nghệ thuật chữa bệnh tình chí.
Đông y quan niệm rằng: những chức năng hoạt động của ngũ tạng (Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận) cùng với ngũ chí tương ứng (Nộ, Hỉ, Tư, Ưu, Khủng) tuân theo các quy luật tương sinh, tương khắc và chế hóa của ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy). Do đó, khi chữa bệnh do thất tình bị rối loạn, nếu biết khéo vận dụng các quy luật đó, sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Sách Hoàng Đế Nội Kinh đã viết: “Giận quá sẽ làm tổn hại tạng Can, nhưng sự bi ai có thể ức chế cái giận… Mừng vui quá sẽ làm tổn hại tạng Tâm, nhưng sự sợ hãi ức chế được cái vui mừng… Lo âu tư lự quá sẽ làm tổn hại tạng Tỳ, nhưng sự giận dữ thì ức chế được sự lo âu… Ưu sầu bi ai quá sẽ làm tổn hại tạng Phế, nhưng sự vui mừng có thể làm tan biến nỗi bi ai… Sợ hãi quá sẽ làm tổn thương tạng Thận, nhưng sự lo âu, tư lự sẽ ức chế được nỗi sợ hãi”. (Nộ thương Can, bi thắng nộ… Hỉ thương Tâm, khủng thắng hỉ… Tư thương Tỳ, nộ thắng tư… Ưu thương Thế, hỉ thắng ưu… Khủng thương Thận, tư thắng khủng…- Tố vấn/ Âm Dương ứng tượng đại luận.)
Vận dụng quy luật tương sinh, tương khắc và chế hóa của ngũ hành để chữa bệnh tình chí
Theo danh y Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh: “Bệnh tình chí là do tình hướng vào cái gì đó, chí hướng vào một cái gì đó mà sinh bệnh. Người ta vì thất tình: mừng, buồn, giận, vui, lo, nghĩ, sợ, bị thương tổn mà biến ra mọi bệnh thì căn bản là bệnh ăn sâu, không phải châm cứu hay thuốc thang mà chữa trị được.
Người xưa chữa bệnh có nhiều cách như: chính trị, tòng trị và nghịch trị. Nay dùng tình chí để chữa bệnh tình chí tức là tòng trị vậy”. (Nam dược thần hiệu - Quyển VIII).
Những câu chuyện chữa bệnh tình chí
Sau đây là một số câu chuyện nói về cách chữa bệnh tình chí của các nhà y học thời trước:
Thời Xuân Thu, vua nước Tề vì quá lo nghĩ mà lâm bệnh, uống đủ thứ thuốc không giảm. Nghe nói có một thầy thuốc giỏi tên là Văn Chí, bèn cho người mời đến. Sau khi khám bệnh cho vua xong, ông liền nói với Thái tử:
- Làm cho vua tức giận thì sẽ lành bệnh. Nếu đức vua có giết tôi thì nhờ Thái tử hết lòng cứu giúp cho.
Thái tử chấp nhận lời yêu cầu của Văn Chí, nói:
- Không can gì, xin thầy cứ mạnh dạn chữa trị.
Văn Chí xin vào yết kiến nhà vua. Ông đi ngang tàng, bước xéo bừa lên cả long sàng. Quả nhiên, vua đùng đùng nổi giận, hét to sai thủ hạ bắt ông đem xử trảm. Thái tử liền tới bên vua bày tỏ can ngăn. Không bao lâu sau, nhà vua khỏi bệnh.
Đó là thuật của thầy thuốc Văn Chí: lấy giận để chữa bệnh do quá lo nghĩ của vua Tề: Tư thương tỳ, nộ thắng tư.
Thần y Hoa Đà (141 ?-206) chữa một phú ông vì quá lo nghĩ mà lâm bệnh bằng cách viết đơn thuốc bằng những lời lẽ nhục mạ thậm tệ khiến cho bệnh nhân tức giận cực độ, mặt mày tái xanh, tay chân bủn rủn rồi sau đó bệnh tình thuyên giảm. Đó là thuật mà Hoa Đà học được ở cách của Văn Chí chữa bệnh cho vua Tề.
Ở tỉnh Thái Nguyên có ông Triệu Tri Tắc, từ lúc đậu tiến sĩ rồi vì quá vui mừng mà sinh bệnh, không ngồi dậy được. Gia đình mời danh y là Sào Thị đến xem mạch để chữa trị. Vừa xem mạch xong, Sào Thị không nói không rằng, chỉ chép miệng lắc đầu, tỏ vẻ bất lực, rồi rủ áo ra về, không kịp chào từ biệt. Triệu Tri Tắc thấy vậy lo sợ quá, khóc rống lên rồi gọi con cái đến bảo rằng:
- Thầy thuốc giỏi như Sào Thị mà không chữa nổi thì mạng của ta nguy quá rồi!
Chẳng ngờ mấy giờ sau đó, bệnh tình giảm dần rồi hết hẳn.
Đó là thuật của danh y Sào Thị: lấy sự sợ hãi để chữa bệnh do quá vui mừng của ông Triệu Tri Tắc: Hỷ thương tâm, khủng thắng hỷ.
Đời Kim-Nguyên, danh y Trương Tùng Chính, tức Trương Tử Hòa (1156 - 1226), đã chữa cho viên quan Tư hầu ở Tức Thành lâm bệnh nặng sau khi nghe tin cha bị giặc giết, khóc thương quá độ đến nỗi ngất đi. Bệnh hơn một tháng, uống thuốc gì cũng không khỏi. Khi Trương Tử Hòa đến khám bệnh, biết rõ sự tình nên đã tìm cách làm cho Tư hầu phải cười phá lên. Qua trận cười đó, bệnh giảm dần và 3 ngày sau thì hết bệnh, chẳng cần thuốc thang nào cả. Đó là thuật Hỉ thắng Ưu (Bi) của ông Tử Hòa.
Ông Chu Đan Khê, tức Chu Chấn Hanh (1281 - 1358), chữa cho một thiếu phụ vì thương nhớ chồng đi xa 2 năm chưa về mà ngã bệnh. Nằm li bì suốt ngày, không ăn uống nói năng gì. Ông bàn với gia đình tìm cách quở mắng thậm tệ rồi lại tát cho mấy cái, để lấy sự giận giải được cái uất kết trong lòng do lo nghĩ, nhớ nhung của thiếu phụ. Sau đó lại làm cho nàng vui mừng, và nhờ đó mà khỏi bệnh.
Đời nhà Minh, có một người học trò thi đậu cử nhân, mừng quá mà phá lên cười và cứ cười hoài suốt đêm ngày, bỏ ăn bỏ ngủ, không sao cầm lại được. Người nhà đưa đến nhờ danh y Viên Thể Am chữa trị. Thể Am tìm cách làm cho người bệnh sợ hãi, bảo rằng bệnh nguy không chữa được, chỉ còn mươi ngày nữa là chết. Quả nhiên, sau đó một thời gian,người bệnh đã hồi phục. Đó là cách trị theo thuật khủng thắng hỷ.
Đông y quan niệm: những chức năng hoạt động của ngũ tạng (Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận) cùng với ngũ chí tương ứng (Nộ, Hỉ, Tư, Ưu, Khủng) tuân theo các quy luật tương sinh, tương khắc và chế hóa của ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy). Do đó, khi chữa bệnh do thất tình bị rối loạn, nếu biết khéo vận dụng các quy luật đó, sẽ đem lại hiệu quả.
Lương y ĐINH CÔNG BẢY