Công cụ chứng kiến giúp gì cho mình?
Phân biệt được đâu là điều mình chứng kiến, đâu là điều mình lập luận
Mình nhìn lại cả quá trình học ptbt của mình (tạm gọi là thế), có những câu hỏi mình có thể trả lời vanh vách, mình còn có thể dùng hệ thống câu hỏi đó để hỏi lại người khác, giúp họ nhận ra vấn đề. Nhưng có một điều là với bản thân mình, trả lời được câu hỏi không dẫn đến việc làm cho cuộc sống mình thay đổi. Bên trong mình vẫn là một chiếc hộp đen tối hù. Có giai đoạn mình vô cùng mệt mỏi với cái kiểu chạy ra câu trả lời tự động như thế nhưng lại chẳng dính dáng gì đến thực tế của mình cả. Mình không nhìn thấy một sự kết nối nào với chính mình. Cảm giác rối rắm và bất lực vô cùng.
Đây không phải là lần đầu mình nghe từ “chứng kiến" nhưng có lẽ là lần đầu mình thực sự để tâm đến nó và tìm hiểu về nó một cách nghiêm túc. Với sự hiểu biết hiện tại của mình về nó, nó giúp cho mình phân biệt được đâu là điều mình chứng kiến, đâu là không bằng cảm nhận rất rõ ràng. Có thể nói, bên trong mình hiện tại vẫn là một khối khổng lồ đen ngòm mà nhìn vào chỉ muốn bỏ chạy. Mỗi khi nó nổi lên nó như một cơn lũ cuồn cuộn, mình không làm gì được ngoài chịu trận. Mình không còn tỉnh táo để làm bất cứ một việc gì hết và mình đã làm những hành động nông nổi. Chính xác là lúc đó mình không còn làm chủ được cơn cuồng nộ quá lớn đó. Và rồi mình vừa tham gia khóa học chứng kiến này, mình có phần chấp nhận mình hơn, có nghĩa là mình biết bên trong mình còn những vấn đề đó, mình chưa thể giải quyết được lúc này, mình tạm để đó. Tuy nhiên đôi lúc có những tác động khiến cho cái cục đen đó nổi lên thì mình đành chịu. mình rơi vào đó rồi thì không thấy được sự sáng để mà đi ra đâu. Ngoài những lúc phải chịu đó, mình bắt đầu nhìn lại từ những thứ nhỏ nhất, những việc nhỏ nhất, mình muốn hiểu rõ hơn về chứng kiến. Mình bắt đầu để ý lại từng hoạt động của mình trong cuộc sống. Có vẻ như mình đã nhạy hơn trong việc quan sát bản thân, ít nhất là hơn lúc trước nhìn đâu cũng tối hù. Một cái ý thức tự cài cắm trong mình là những gì mình kết luận, mình có chứng kiến hay không. Dĩ nhiên là có những vấn đề xảy đến, tạm gọi là mình không tôn trọng điều mình chứng kiến. Giống như mình không muốn chấp nhận đó là sự thật vậy. Bình thường, khi chuyện này xảy ra, mình cảm thấy ức chế vô cùng, nôm na là câu chuyện muôn thuở của lý trí và con tim. Và một thực tế mình thấy là mình đang rất rối, mình đang rất đau. Giờ thì mình nghĩ, đó là một thực tế của mình, mình đang tối chỗ đó, mình chỉ ghi nhận lại như thế, đây là khu vực mình chưa xử lý được thay vì trước đó, bản thân mình không thật sự thấy cho dù lý trí đã rõ mười mươi, nhưng như mình đã nói, nó không có sự liên kết gì với mình cả. Phản ứng trước đó của mình là đau khổ chồng đau khổ, đem cái thấy của lý trí ra vạch tội, oán trách bản thân. Kiểu như mình không chấp nhận thực tế của mình đang là như vậy, nó đang không thấy như vậy thì sao mình lại ép mình phải thấy?
Việc chấp nhận bản thân mình, dù xấu dù tốt thì cũng làm cho mình nhẹ nhàng hơn là đem một thứ lý thuyết mình chưa thấy nó là của mình để dày vò bản thân. cũng là từ những việc nhỏ nhất mình nhìn thấy, ok trong mình đang đau thì cứ đau đi, đừng ngăn chặn nó, vốn dĩ nó đã có trong mình, chỉ là chặn hay không chặn mà thôi. Đó là một thực tế về mình trong thời điểm xảy ra sự kiện, vậy thôi. Nói vậy chứ thật sự cũng không dễ dàng, không phải lúc nào mình cũng làm được như vậy. Cái hệ thống phòng thủ trong mình nó rất tinh vi, gỡ được một lớp thì lớp trong lại tinh vi hơn. Giống như khi mình có ý định viết một cái gì đó, hoặc là có ý định tìm hiểu vấn đề bản thân mình nhưng khi tiến hành thì mình lại ngồi đực mặt ra, không có một dữ kiện gì để mình nhìn. Mình chưa nói đến vấn đề muốn thật sự hay không mà mình chỉ đang nhìn lại và ghi nhận lại những thực tế đang diễn ra trong mình mà mình có thể nhìn thấy được sự vận hành của nó. Mình thấy là mọi thứ không diễn ra theo ý của mình về mặt ý thức nên mình cũng chẳng làm gì được. Và rồi mình lại tìm cách, mình nhớ đến khóa học “đột phá giới hạn bản thân" mình bắt đầu rà lại ở chỗ nào thì mình có thể tự do nhất, ở chỗ nào thì cái hệ thống phòng thủ trong mình dễ ngủ quên nhất. Nơi đó lòng mình dễ mở nhất. Mình sẽ bắt đầu từ chỗ đó. Mình không muốn đem bất cứ một lý thuyết nào áp dụng để ép bản thân mình lúc đó, vì rõ ràng mình đã làm và nó không hiệu quả. Mình chấp nhận luôn việc là mở ra thì mình sẽ đau. Không phải lúc nào cũng thuận lợi đâu, có những lúc cũng là địa điểm đó nhưng mình gọi cảm xúc như gọi hồn, mình rơi vào trạng thái đơ. Chỉ thấy trong lòng lúc đó rối rắm, khó chịu nhưng để gọi tên cụ thể từng thứ một thì không được.
Một cách nữa là khi chạy xe ngoài đường, có lẽ lúc đó là tâm hồn mình dễ thả ra nhất so với những môi trường khác. có những thứ nó nổi lên thì mình dừng xe ghi lại để về mình tìm hiểu. Vì như mình đã nói, không phải lúc nào nó cũng nổi lên cho mình nhìn đâu.
Dạo gần đây mình có cảm nhận mình sống với chiếc camera trong mình nhiều hơn, mình thấy mình giống như là người thư ký, chỉ có nhận thông tin và ghi chép lại. Mình lại cảm nhận như mọi thứ bên trong mình nó tự giải quyết, mình đừng chen vào, mình để ý mỗi một lần mình chen vào là việc đã rối càng rối hơn và nó khiến mình vô cùng mệt mỏi.
Lúc đầu mình có xem thường khóa học này vì mình nghĩ rằng mình đã biết, mình không rảnh để đi học mấy khóa ABC như thế này. Nhưng giờ chính bản thân mình lại chọn làm những điều ABC vì mình muốn hiểu được bản chất của vấn đề, đi học thì mới biết ngay cả cái gọi là ABC mình cũng còn mập mờ. Bảo cho một ví dụ đơn giản mình cũng phải nghĩ ngợi rất lâu. Quan trọng là mình đã không liên kết được cái việc học khóa học này với lợi ích bản thân mình. Vì kiến thức mình thấy mình biết rồi mà! Sau ngày học đầu tiên, với những ví dụ đơn giản nhất mà mình cũng phải vắt óc ra nghĩ thì mình thấy mình có một cái đầu thật phức tạp. Mình không chịu làm học sinh mẫu giáo, mình không đi học với tinh thần của một đứa trẻ. Mình cảm thấy như vậy là tự xem thường bản thân mình quá. Và mình cũng không ý thức được là mình có những suy nghĩ này đâu. Sau khi học và nhìn lại mình mới thấy. Hóa ra chính sự phức tạp của mình nó làm cho mình mệt mỏi.
Một điều mình thấy sau khóa học này nữa là: hãy ứng xử trong chứng kiến! mình thấy rằng trong mọi vấn đề của cuộc sống, điều trước tiên cần làm đó là học cách nhìn đúng sự thật, chỉ khi mình nhìn đúng sự thật thì mình mới giải quyết vấn đề trên chính cái sự thật đó. Trước giờ mình học quá trời học nhưng lại không xem trọng điều quan trọng nhất này nên đa phần là mình ứng xử dựa trên những kết luận đã đi qua bao nhiêu lớp rồi. Hên thì được vui, xui thì bị buồn. Cũng vì mình cho ảo tưởng là thật nên mình mới phát sinh ra những cảm xúc đó.
Có những lúc mình chủ động né hết những tác động mạnh, cố ý bịt mắt bịt tai để không thấy. Điều đó nó làm mình dễ chịu hơn trong thời điểm đó. Mình nghĩ rằng, muốn đón bão thì thành trì phải vững chắc, mình chưa thể chấp nhận được sự thật thì mình chọn né, vì mình biết nếu mình không né thì bão sẽ cuốn mình đi ngay lập tức. Và đôi khi mình phải mất một khoảng thời gian rất lâu để hồi phục lại. Như mình đã nói ở trên, cái cục đen ngòm đó khoan hãy đụng vào. Mình mở lòng một cách ngập ngừng, kiểu như hé hé ra thử, thấy ok thì mình lại hé rộng ra thêm chút và mình đã trải nghiệm được một chút niềm vui trong cuộc sống, trong những điều rất nhỏ mà khi không mở lòng mình không có được. Lại nói về mở lòng, mình rất ghét từ mở lòng, vì mình thật sự không hiểu nó, lý trí cũng không giúp mình được trong chuyện này. Tự nhiên mình thấy mở lòng là khi mình chấp nhận, trước hết là chấp nhận mình, chỉ là chấp nhận thôi, không đánh giá tốt xấu. Mình lại thấy nó liên quan đến chứng kiến, nếu không chứng kiến thì mình cũng không mở lòng, mà đúng hơn lúc này mình thấy đặc điểm của chứng kiến đó chính là sự mở lòng. Mở lòng là một trạng thái có sẵn chứ không phải là cái do mình tạo nên.
Có một điều là mình càng tìm hiểu thì mình thấy mình không hiểu gì về chứng kiến cả, ngộ ghê! càng tìm hiểu mình càng cảm thấy quá nhiều thứ mình chưa biết xoay quanh hai từ này. Hôm nay là thế nhưng ngày mai lại không còn như thế nữa. Hiện giờ mình phát sinh thêm cái nhận thức là hãy cẩn thận với những kết luận của mình. Mình bắt đầu nhìn lại những biểu hiện hoặc những ứng xử của mình. Nếu phát sinh một cảm xúc tiêu cực, làm mình khó chịu thì xem lại mình có đang chứng kiến hay không, thường thì xem lại là nó mất luôn. Cũng có những trường hợp ở trong hộp đen thì mình tạm chịu. Mình thấy rằng tâm thế mình chưa sẵn sàng đối diện thì mình chấp nhận cái thực tế đó. Mình không muốn cố đấm ăn xôi. Cuộc sống của mình cũng đã đổi thay từ những cái nhỏ nhỏ nhờ công cụ chứng kiến này. Tất cả những gì diễn ra mà mình có thể ý thức được mình đều nhìn lại.
Mình cũng thấy bên trong mình vẫn đang tồn tại một nỗi sợ, mình biết ở khu vực đó mình không muốn mở lòng, và thực tế cảm nhận của mình là mình chưa xài được chứng kiến ở khu vực này (theo lý thuyết mình biết bản chất là do mình chưa muốn nhưng mình chưa thực thấy điều này nên tạm để đây).
Điều mình muốn bây giờ là mình có thể làm chủ được cái hệ thống tâm lý của mình, có thể điều khiển được nó theo ý của mình. Mình mệt mỏi với sự hên xui may rủi của cuộc đời.