Những điều chúng ta suy ra, thường chúng ta thấy nó rất là logic, và đương nhiên đối với chúng ta, cái điều suy ra đó nó nghiễm nhiên được xem là sự thật. Mình có một câu hỏi lớn với bản thân là: khi thực sự chứng kiến thì sẽ như thế nào? có còn phát sinh ra cảm xúc tiêu cực hay đau khổ nữa không? Những cái suy ra mà mình nghĩ rằng nó vô cùng logic, hợp lý ấy có thật sự đúng như sự thật không? hay nó lại phát xuất từ một niềm tin nào đó sai lầm mà mình chưa biết? Mình chỉ thấy về mặt cảm giác nó rất thật. Có khi nào mình đã bị cảm giác đánh lừa không? Trước giờ hễ cái gì mình có cảm giác thật thì coi như nó là thật luôn rồi. Hầu như sẽ chốt luôn mọi chuyện ở đó.
Và rồi cái buổi bổ túc gần nhất mình tham gia, khi GV mô tả vấn đề gì đó, mình nghe và thốt lên kiểu: ờ ờ, bên trong mình hay có cái xu hướng đó đó. Đến khi được hỏi để rõ hơn thì mình bị tắc ngang. Mình không mô tả được. Vấn đề không còn đơn giản ở chỗ mình chưa thấy và cần thời gian làm rõ thêm. Mà ở chỗ mình không xác định được là điều mình nói là do mình chứng kiến hay từ một tiếng nói nào đó bên trong mình hay nó được lấy ra từ kho nhận thức đã được lưu trữ trước đó? Mình bắt đầu thấy tối và rối. Chung quy lại là nếu mình chứng kiến thì mình phải trả lời được những câu hỏi xoay quanh nó. Rồi tại sao mình không thấy trước khi được chỉ, được dẫn dắt? sao mình không thể tự thấy? đến khi được chỉ ra rồi thì mình lại thấy sao nó dễ ẹt vậy? Mình khác người khác ở chỗ nào? thậm chí là mình khác GV ở chỗ nào? vì sao mình không thấy được điều họ thấy?
Hôm nay mình lại làm bài tập như mọi ngày (trừ hôm nào mình mệt hay bận việc khác thì mình sẽ không làm), rồi mình cũng đi từ sự giản đơn sau một hồi làm cái khó không được. Mình nghĩ, làm để cho mình hiểu chứ làm cái khó rồi không hiểu rồi để làm gì? Và rồi ngay cái sự giản đơn này, ví dụ như mắt mình thấy hơi nước bốc ra từ cái ly, thường theo logic thì mình sẽ thấy đó là ly nước nóng, vừa xong mình lại thấy, ủa chỉ có giác quan mắt thôi thì làm sao mình dám kết luận đó là ly nước nóng được? nếu không dùng tay sờ mà chỉ nhìn thôi thì không thể kết luận được nó là nước nóng. Một cái ví dụ đơn giản vậy thôi và tưởng chừng như vô cùng logic nhưng nó cũng có thể sai sự thật. Vì trong đạo cụ làm phim, người ta tạo hơi nước giả là bình thường (và vô cùng nhiều những thứ giả tạo khác). Thông thường, với những điều không quan trọng thì mình sẽ bỏ qua, vì nó có đúng hay sai cũng chẳng ảnh hưởng đến mình. Nhưng rồi mình thấy, cái vấn đề ở chỗ là bên trong mình tự động đi đến kết luận. Nó như một thói quen. Nếu hoàn toàn sống trong chứng kiến thì mình có như thế không nhỉ? Nếu đúng thì phải 100% chứ?
Thêm một câu hỏi nữa là, cái sự chứng kiến nó hiện diện như thế nào trong mỗi tình huống? tưởng cho ví dụ đơn giản mà dễ ấy, đụng đến đâu mình thấy đạp đá tới đó. Cái cảm giác tắc tắc ứ ứ trong người nó khó chịu gì đâu. Mình che mắt mình chỗ nào vậy? Như khi mình nói: Mắt mình chứng kiến cái ly ở trên bàn, tai mình chứng kiến tiếng quạt quay vù vù, mũi mình chứng kiến mùi thuốc tẩy trong nhà vệ sinh, ý mình chứng kiến một nỗi buồn đang nổi lên trong lòng mình…. Vậy thì sự chứng kiến nó hiện diện như thế nào trong các tình huống này? À mình biết rất rõ nếu ai hỏi thông tin gì mà liên quan đến nó thì mình có thể nhìn vào và mô tả được ngay, nó rất rõ ràng, như là ngay trước mắt. Với đối tượng chứng kiến bằng ý thì khó khăn hơn một chút nhưng vẫn mô tả được.
Có ai bị cái cảm giác như mình không? khi mà cái người chỉ cho mình họ bực tức vì chỉ mãi mà mình không thấy, rồi nói mình che mắt mình, tại mình muốn như thế… bla… bla… Còn mình thì cũng vô cùng ấm ức vì mình không hiểu họ đang nói gì, một cảm giác điên tiết ở trong lòng. Họ nói họ cảm thấy không được hiểu thì mình cũng cảm thấy y chang vậy đó. Hai bên không thể giao tiếp được với nhau vì 2 bên đang hướng đến 2 đối tượng khác nhau, về hình thức thì tưởng chừng như là một cuộc giao tiếp bình thường. Một cái cảm giác vô cùng bất lực và cái hiểu trên lý lẽ nó không thể giúp cho mình sáng tỏ vấn đề. Khủng khiếp hơn, nó còn mang đến cho mình cảm giác bị tổn thương vô cùng nặng nề và sự hận thù không lối thoát. Mình cảm thấy mình là nạn nhân, càng bị chửi thì mình càng cảm thấy tức giận và đau đớn. Giờ mình ngồi nhớ lại những tình huống đó thì mới thấy ra là mình đã không có sự lắng nghe. Mình toàn suy thêm mấy lớp trên những thông tin họ nói. Có thể nói, giống như Anna là một tình huống điển hình cho hầu hết mọi tình huống ảo tưởng trong cuộc sống này. Cô ấy không quan tâm đến điều cô chứng kiến mà lại quan tâm đến cái cô tưởng tượng rồi kết luận trên cái tưởng tượng đó. Mình cũng đã không dừng lại ở ngay cái thông tin đầu tiên, đã thế những cái được mình suy ra hầu như đa phần mang tính tiêu cực tột độ. Ơ hay, vẫn còn một hướng ảo tưởng khác tích cực hơn nhưng sao mình không hướng đến nó, dù sao thì ảo tưởng tích cực cũng tốt hơn mà? Lúc mà aQ nói Châu là em không cho em một hướng khác, em bó khung em trong hướng đó mà thôi. Thì đúng là có hướng khác mà? Lý do gì mà mình hay chạy theo hướng kia? Mình không thể sai ư? sao cứ khăng khăng chạy qua hướng kia rồi kết luận luôn nhỉ? Nguyên một cái đống thắc mắc này nè, rồi mình có dùng chứng kiến để soi được không? mình cảm thấy khó khăn, mình soi chưa được. Mình thấy đây là một vấn đề. Nhìn vô mà không thấy là một vấn đề. Cái gì đang che mình lại?
Khi mình nhìn lại các tình huống trước giờ, mình nhận ra mình đã không lắng nghe thì một số tình huống tự nó hóa giải được. Lỗi do mình thì đâu có lý do gì mình trách họ được? Mình chịu lắng nghe thì có thể mọi thứ đã tốt đẹp hơn rồi. Giờ mình lại ngồi mày mò lại, xem lại xem cái đối tượng chứng kiến này nó như thế nào? làm cách nào để xài được nó thuần thục đây?