Nội dung của buổi thứ nhất trong khóa chứng kiến thứ 2 này là: Hiểu về chứng kiến, tận hưởng cuộc sống. Trong quá trình khám phá về chứng kiến trong khóa trước mình đã cảm nhận được cái việc tận hưởng này trong những điều nho nhỏ trong cuộc sống, những điều mà trước đây nói là nhỏ vậy chứ mình cũng không thể làm được. Nhưng để nói về việc tận hưởng này một cách rõ ràng thì mình vẫn chưa nói được. Nó chỉ là những cảm nhận thoáng qua, giống như thỉnh thoảng mình cảm nhận được cơn gió mát lành thổi qua làm cho lòng mình dịu nhẹ. Tận hưởng một lúc thì cảm giác đó qua đi.
Cái điều mình ấn tượng đầu tiên của buổi học này là quan điểm chứng kiến là làm hại mình. Cả lớp được chia làm 2 phe, một phe ủng hộ và một phe phản biện lại quan điểm đó. Lúc đó mình không chần chừ mà chọn ngay là sẽ về phe phản biện. Dĩ nhiên, nói một cách chân thành thì mình cũng sợ chứng kiến, mình cũng còn cái niềm tin là chứng kiến thì sẽ làm hại mình. Cảm nhận của mình lúc đó thật sự không rõ ràng, nhưng cái thôi thúc mình chọn nhóm phản biện nhiều hơn. Trước đó, cái giai đoạn khám phá về chứng kiến sau khóa 1 ấy, mình có một sự thấy ra là mình cần phải hiểu rõ và nắm bắt được đối tượng chứng kiến này, mình nhất định phải xài được nó theo ý của mình. Mình có công cụ xịn vậy mà! Mình dựa trên cái luồng đó để đi đến quyết định xem mình chọn phe nào. Đấy là cái bề nổi, còn nhìn lại thì mình thấy lúc đó có cả hình ảnh bản thân chi phối trong việc lựa chọn ấy nữa, mình chọn nhóm phản biện thì có giá trị hơn. Cái này nó ngầm mà giờ ngồi nhìn lại mới thấy. Chọn rồi thì tập trung lắng nghe và phản biện thôi! Đầu tiên là ý của Thảo, nôm na là nếu chỉ dừng lại ở chỗ chứng kiến thôi thì sẽ chỉ là ghi nhận thông tin, không có đánh giá hay nhận xét đúng sai. Không thể phạt nhân viên khi họ đi trễ, khi họ vi phạm nội quy công ty… không thể đánh giá người khác vô trách nhiệm với nghĩa vụ mà họ phải có trách nhiệm (việc chu cấp cho con)… Cái chỗ này, tưởng là mình đã rõ ràng rồi nhưng khi ở vai phản biện thì mới thấy là mình không nói được, mình ngồi đó nghe và cảm thấy cái luận điểm đó không ổn, nhưng không ổn chỗ nào thì mình không chỉ ra được. Mình không đặt câu hỏi được. Cái sự bí trong một vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản này làm cho mình hơi có cảm giác khó chịu. Trong mình nó chạy qua một cảm giác không chấp nhận mình tối hù như thế. Tưởng bữa giờ cũng sáng sủa lắm rồi, thấy cái nhu cầu muốn thể hiện nó nổi lên nhưng bí rồi sao mà hỏi đây?
Ok vậy là mình ghi nhận chỗ bí đó và tiếp tục lắng nghe những luận điểm khác để theo kịp nhịp độ lớp học. Những quan điểm mình nhớ được là: chứng kiến thì sẽ trơ như gỗ đá, sẽ cảm giác mình không có giá trị (Bảy), sợ nhìn thấy sự thật sẽ bị tan đi cái điều mình tin, chứng kiến sẽ dễ bị bắt nạt, chứng kiến thì không tôn trọng cảm xúc của mình (Duyên), chứng kiến sẽ không còn được hiểu theo ý mình, sẽ không còn được đòi hỏi người khác…. Những gì đã diễn ra bên trong mình trong quá trình mình nghe những quan điểm đó từ các bạn? Mình cảm thấy mình không thả lỏng được, thấy người mình nó hơi cứng cứng. Cái nhu cầu thể hiện của mình nó vẫn chạy xuyên suốt trong cả cái quá trình nghe đó, nhưng vẫn có một cảm giác đánh lừa mình lúc đó là mình vẫn đang nghiêm túc lắng nghe và muốn giải quyết vấn đề của mình. Giờ nhìn lại mới thấy ra cái lớp muốn thể hiện ẩn bên dưới, nó chạy ngầm bên dưới và đè cái lớp mở lòng học hỏi ở trên. Mình cảm thấy cơn khó chịu và sự cứng đờ nó nổi rõ hơn khi GV kêu ai xung phong đến đấu trước thì mình lơ đi, thoáng có cái cảm giác sợ bị gọi tên vì mình đang cứng rồi, không thấy cái gì để phản biện, ngồi dưới này còn không thấy thì lên đó áp lực tâm lý lại càng không thấy. Mình biết chắc chắn sớm muộn gì cũng được gọi tên nên mình lại ngồi cố gắng tìm ra kẽ hở của quan điểm đó, mà khổ nỗi quan điểm nào thì mình cũng không thấy được gì cả. Biết thế nãy ở lại nhóm kia nhỉ? dù sao thì những cái đó nó vẫn đang còn tồn tại trong mình nên có khi mình lại bảo vệ được. Cái việc nói mở lòng học hỏi trước đó của mình thì những ứng xử trong quá trình đó nó phản lại hết rồi. Nhìn lại thì mới thấy chứ lúc đó mình lại chỉ thấy mình đang học thôi. Mà nói vậy cũng không đúng, rõ ràng nó có cái bất ổn thoáng qua nhưng mình đã khước từ nó. Mình không nhìn lại ngay cái báo hiệu bất ổn đó mà tiếp tục tìm cách làm sao để phản pháo lại được, thực chất là tìm lý lẽ, là moi trong kho ra xem có cái nào xài được để đập tan cái luận điểm vô lý của đối phương. Luôn luôn phải là có một khoảng như thế này để nhìn lại, ngay lúc đó lại giống như con chuột chạy quanh trong lồng. Lúc đó nói hoàn toàn không nghe thấy tiếng chuông thì không đúng, giờ nhìn lại thấy có nghe rõ ràng nhưng mình đã không chọn nó. Lúc ấy cái xu hướng thể hiện nó chi phối mạnh hơn, mình gần như muốn ngả rạp về hướng đó. Và rồi từng cặp lên phản biện nhau, mình ngồi dưới cũng dõi theo từng cặp, mình thì coi như đã bí rồi và cũng không biết phải làm gì hơn với sự đông cứng lúc đó nên mình tạm để đó và dõi theo tiến trình của các bạn. Biết đâu ngồi xem phim mà nó lại sáng ra vấn đề của mình? Mình thấy cặp nào cũng dẫn nhau đi lòng vòng, không bên nào chốt hạ được bên nào trong khoản thời gian được cho phép. Tất cả hầu như đều sa đà vào việc làm rõ ý đối phương và cuối cùng là dẫn đi đâu không biết. Có vẻ như ai cũng quên mất là mình chỉ có 3 phút để “hạ gục" đối thủ. Mình không còn nhớ được chi tiết tình huống của từng cặp, mình chỉ nhớ rõ nhất tình huống của mình và Thảo. Cái luận điểm của Thảo mình chưa biết dẫn như thế nào để phá mà gặp ngay trúng Thảo rồi. Lúc chưa lên thì ngồi dưới áp lực nhưng đến lúc phải lên rồi thì mình lại đỡ áp lực hơn, một cái kiểu buông bỏ ấy, mình chưa rõ lắm cái chỗ này, nhưng đỡ áp lực hơn thì có. Tự nhiên mình chợt hỏi sao không phải là áp lực hơn mà lại đỡ áp lực hơn trong tình huống này nhỉ? Cái sự cứng đơ của mình nó có mềm hơn nhưng không hoàn toàn thả lỏng. Mình có cái ý muốn nắm bắt cho được điều Thảo nói với mình, mình có cái quyết định là tập trung nghe để chứng kiến được cái đối tượng mà Thảo muốn nói với mình ở trong mình nó như thế nào. Khi nghe Thảo trình bày xong thì bản thân mình cũng chưa thông tỏ thêm được gì, chỉ thấy nó không hợp lý nhưng không hợp lý như thế nào thì lại không rõ. Mình nhớ là mình cũng bị áp lực về thời gian. Mà cái áp lực này khi nhìn lại thì thấy áp lực này phát sinh từ việc mình muốn chốt hạ Thảo. Mục tiêu chốt hạ này là để thể hiện mình ngon chứ không phải là làm rõ vấn đề cho chính mình. Và giờ mình ngồi đây để nhìn lại cả cái quá trình diễn biến nội tâm bên trong mình lúc đó thì bức tranh nó bắt đầu rõ ràng hơn, những chi tiết bị bỏ qua được nhìn lại rõ hơn. Cái tiếng nói ấy trong suốt buổi học nó ting ting hoài đấy chứ! Nhưng lựa chọn của mình là bỏ qua nó mà thôi. Cuối cùng trong cái phần nội dung này, từ đầu đến cuối mình lại không học mà vẫn nghĩ là mình học như đúng rồi.
Cũng chỗ này mình muốn làm rõ lại một chút đó là cái nỗi sợ chứng kiến bên trong mình. Về mặt ý thức thì mình có một cái quyết định là phải làm rõ được đối tượng chứng kiến này và nắm bắt được nó, sử dụng nó theo ý muốn của mình. Nhưng khi vào thực tế thì mình mới thấy là chưa. Rồi từ cái thực tế đó mình xem lại vì sao mình còn vướng lại như thế. Mỗi lần khám phá và đụng đến nỗi sợ đó mình lại không muốn nhìn sâu vào. Mình tìm lý do để né.
Lại nhớ lại thêm cái đoạn nghe nhóm bên kia chia sẻ về các quan điểm chứng kiến là hại mình thì ở mỗi một luận điểm được đưa ra thì bên trong mình nó cũng chạy ngay ra những câu hỏi phản biện (không phải câu nào cũng ra). Khi GV nói mình thấy chứng kiến là làm hại mình vì mình có sự hiểu sai về chứng kiến thì bên trong mình nó cũng chạy ra một ý thấy hợp lý và mình chấp nhận nó, mình chưa thực sự chứng kiến thấy điều này. Khi mà Thảo nói là chứng kiến thì chỉ ghi nhận, không được đánh giá này kia thì bên trong mình lúc đó cũng chạy ra ngay cái câu phản biện đại ý nôm na là khi chứng kiến thì mình sẽ nhìn vấn đề đúng trên sự thật và mình sẽ phản ứng trên đúng sự thật đó. Vấn đề chỉ phát sinh khi mình phản ánh sai sự thật, nghĩa là không có chứng kiến đó. Vậy thì suy ra phản ảnh đúng sự thật thì làm gì có vấn đề? vậy tại sao trường hợp Thảo đưa ra lại có vấn đề? có nhầm lẫn nào chỗ này không? Mình lờ mờ nghĩ ngay đến chỗ nhận thức và ứng xử nhưng lại cũng không thấy ra thêm gì. Thật ra thì mình thấy mình đang đi trên một chuỗi suy luận chứ không phải là từ chứng kiến nên cũng không rõ ra thêm được gì. Cái thằng suy luận này nó chạy lẹ lắm, đã vậy nó làm cho mình có cái cảm giác là mình đang nói trên điều mình chứng kiến cơ! Nếu không có quá trình nhìn lại như thế này thì đúng là lừa không biết đến khi nào mới hết. Rồi cái chỗ mình nghe lại cho rõ hơn điều Thảo nói đó là nếu chỉ dừng lại ở giai đoạn chứng kiến thôi thì mình sẽ bị thiệt hại. À là nếu không có giả đoạn dự đoán hay phán xét thì không thể phạt bạn nhân viên đó. Mình vẫn đang rối một nùi chỗ này. Giờ vẫn chưa ra được một cách rõ ràng.
Mình chỉ nhớ GV có đề cập một chút về chứng kiến và tận hưởng cuộc sống rồi sau đó đi qua phần chứng kiến là làm hại mình. Mình cũng không biết là có bị bỏ sót phần nào không về nội dung này.
Mình ấn tượng phần nội dung mà GV nói về cơ chế của sự chứng kiến và cơ chế của tiếng nói khác (tiếng nói trong đầu và tiếng nói của người khác…). Mình thấy chỗ này hay quá, mình cần phải làm rõ để phân biệt được 2 cơ chế này để không bị nhầm lẫn nữa. Chỗ này nói thì dễ chứ vào thực tế thì mình cảm nhận nó không dễ như nói. Mình cảm nhận được sự phức tạp trong cái đống nhận thức của mình. Mình lại để đó để qua nôi dung khác theo tiến độ lớp học. Phần nào chưa thông thì ghim nó lại đó thôi. Không muốn làm con bò nhai lại cũng không được.
Tiếp theo là đi sang trải nghiệm nhìn con gấu trên màn hình, trải nghiệm việc chứng kiến đối tượng để trả lời và nhớ lại để trả lời. Rõ ràng khi nhìn con gấu để trả lời các đặc điểm của nó thì nó quá rõ ràng, không thể chối cái, không thể nói khác đi được. Và khi màn hình tắt đi, hình ảnh con gấu biến mất, mình được trải nghiệm nhớ lại đối tượng để trả lời. Mình đã có một hình ảnh về con gấu trước đó mình thấy sau đó mình lưu trữ dữ liệu đó trong kho, rồi mình móc ra để trả lời. Cái ví dụ này thì thấy nó quá rõ ràng nhưng giờ mà ngồi nhìn lại các tình huống trong thực tế thì vô vàn sự nhầm lẫn đã diễn ra. Quan trọng là mình cũng không biết mình đã nhầm luôn.
Rồi sang ví dụ về cây bút lông cũng vậy, khi mình tận mắt chứng kiến thì mình chấp hết mọi chất vấn về nó nhưng khi bị lấy cây bút đi thì mình phải dùng trí nhớ để nhớ lại. Từ cái ví dụ đó mình nhớ lại, trước giờ mình vẫn cho rằng một khi mình đã nhớ và có cảm giác chính xác thì đương nhiên sự thật là chính xác, không thể sai được, nhưng rõ ràng với ví dụ cây bút này thì trí nhớ của mình có thể sai, chẳng thể chứng minh được sự thật thông qua trí nhớ. Hệ thống nhận thức của mình còn một đống lỗi thì làm sao chứng minh được mình không thể nhớ sai? Vậy mà đa phần những tình huống trong thực tế mình luôn chắc mẩm là trí nhớ của mình không có vấn đề. Chốt lại là không thể chứng minh sự thật bằng công cụ trí nhớ. Trải nghiệm thấy nó rõ ràng là vậy nhưng thực lòng mình thấy để không bị nhầm các đối tượng nhận thức bên trong mình nó không dễ dàng như thế.
Đến chỗ chứng kiến cái chậu cây thì lúc đó mình bị đơ, mình chỉ hiểu mọi người nói về mặt ngôn ngữ, mình không cảm được nhiều cái khúc này. À, cái chỗ này là nói về sự tươi mới khi chứng kiến một đối tượng đây. Có vẻ như có một cái chặn ở chỗ này, mình không cảm được nhiều cái phần này. Mình có một cái thấy là mình chấp nhận cái sự hiểu trên câu từ của mình. Mình cảm thấy cái đoạn trải nghiệm chứng kiến cái chậu cây mình thật mơ hồ. Nghe đến đâu mình thấy mơ hồ đến đó. Lúc mình nghe thì mình tâm đắc lắm, ngồi gật gù liên tục, ái chà, hóa ra lại là một sự thể hiện tinh vi dưới cái lớp vỏ bọc muốn học nữa hay sao?
Phần cuối cùng là mình được trải nghiệm phần chứng kiến trong quá khứ trong các vùng không gian, đồ vật, con vật, sự kiện, người khác và bản thân. Lúc được yêu cầu cho ví dụ cá phần đầu thì thấy dễ dàng lắm, dễ đến mức mình thấy nó chẳng có gì quan trọng, mình lại xem thường sự giản đơn nữa rồi. Xong phần cho ví dụ thì cũng đến phần nhức não. Đó là vì sao bạn biết là bạn chứng kiến? Mình kiểu ơ hay, thì mình thấy rõ ràng mà, mà thấy bằng cách nào? là nhớ lại đó. Thì rõ ràng mình phải nhớ lại chứ, cái phòng mình hôm qua, lúc sáng… nó ở trong quá khứ thì mình phải nhớ lại để mô tả là đúng mà, mình thấy rõ ràng mà. Nhưng sao chứng minh không được? chỉ có thể nói là mình nhớ lại mà thôi? Lại bỏ ngỏ cái câu hỏi này. Không chứng minh được mà tức ghê á. Đến phần chứng kiến bản thân mình trong quá khứ thì cảm giác độ khó nó tăng lên. Điều gì mình chứng kiến, điều gì mình không chứng kiến? thật sự là một điểm mờ trong mình luôn.
Như chứng kiến hiện tại thì mình thấy, mình chỉ ngay được, mình chứng minh được, còn chứng kiến những gì đã xảy ra thì sao đây? chứng minh bằng cách nào đây? làm sao để không bị nhầm lẫn với những cái khác đây? Rồi làm cách nào để mình có thể tách ra được giai đoạn thật sự chứng kiến và giai đoạn chèn ảo tưởng vào? sao mà lúc đầu thì thấy chồng ngoại tình mà sau khi nhìn lại thì thấy điều mình thật sự chứng kiến là chồng chở cô gái?