Không biết bắt đầu từ đâu, chắc phải từ đầu câu chuyện, từ chuỗi drama luôn sau đó mới đến phần kết bài là lý do vì sao mình vô tình chứng kiến được cái hệ thống tự nó sửa sai chứ mình không chọt tay vô làm gì cả.
Mấy tuần trước mình có một drama mà mình giấu, không muốn kể cho ai biết (tại vì mình có cảm giác mình sai nên kể chi, đâu có ai đi khoe cái sai của mình ra để bị la thêm, hichic). Cuối cùng mình chỉ kể cho bà bạn thân nghe tại vì ức chế quá thì phải có chỗ xả, phải có người để méc dù cho mình đúng hay sai thì khoan hả bàn tới, méc trước, xả cảm xúc ra trước rồi tính sau. Bây giờ có cơ duyên phải lôi lại tình huống này lên vì nó là mấu chốt cho những đoạn cuối.
Có một câu chuyện ví dụ nôm na tương tự như vầy: Một người tên A tình cờ gặp lại người bạn cũ tên B, vui vẻ huyên thuyên cập nhật tình hình cho nhau nghe, đặc biệt là chủ đề học phát triển bản thân. Nói vui một hồi tới cái đoạn vì sao A chưa được làm việc chính thức, vì thầy của A nói rằng A cần đạt được các điều kiện xyz. Người B nghe xong đáp lại: Em qua chỗ chị học đi, học các khóa của bên này xong thì em trở về sẽ dễ đạt được các điều kiện của thầy em hơn á, chị dám bảo đảm luôn.
Lúc đó người A thấy cấn, ủa sao người B dám tự tin mạnh dạn nói như vậy ta? Ủa bạn yêu chương trình của bạn, thấy nó hay, bạn hào hứng chia sẻ thì okie, nhưng sao bạn dám khẳng định với tui là tui qua học chương trình của bạn thì sẽ đạt được yêu cầu của thầy tui vậy? Người A bắt đầu nổi lên cảm giác hơi không thoải mái, muốn giải thích lại. 2 người tiếp tục trò chuyện qua lại, người B hỏi người A đang học những gì, người A kể ra thì người B lại bảo rằng: Làm mấy cái đó cũng tương tự như làm việc X bên chương trình của chị thôi, nhưng cứ làm mấy cái đó (kiểu luyện định) hoài thì cũng không được bao nhiêu đâu, em phải học chương trình này này nè, mới giúp em hạnh phúc hơn được. Lúc này người A bắt đầu hơi tức, ủa cái gì vậy, sao dám nói tui luyện định thì không có lợi ích bao nhiêu, mà sao dám khẳng định bài tập đó là luyện định giống như bài X của bên bạn được. Thế là người A muốn đính chính lại, thầy tui nói với tui cái đó không phải luyện định, nó là tháo gỡ niềm tin giới hạn, làm vậy sẽ giúp tui đạt được mục tiêu bla bla… Người B hỏi người A muốn đạt mục tiêu gì nói nghe thử xem, người A nghĩ một chút bảo rằng: Ờ, cái đích cuối cùng là em muốn đi Niết Bàn mà. Người B lại hỏi người A đi Niết Bàn làm chi, sao không chịu sống hạnh phúc vẹn toàn ở đây nè. Người A có cảm giác dường như người B không lắng nghe mình, chỉ ừ ừ cho qua rồi tập trung ca ngợi các chương trình của bên B đang học, cứ rủ người A có điều kiện thì nhất định phải qua học cái này cái kia để hạnh phúc, hichic. Người B còn hào hứng khoe là đang học và bây giờ làm coach luôn rồi. Người A cảm thấy hơi bất mãn chứ không còn vui như lúc ban đầu nữa.
Khó chịu 1 ngày 1 đêm, người A không tháo gỡ được gút mắc này, người A cảm thấy hình như người B đang xem thường chương trình học bên đây (khi nói rằng bài tập đó là luyện định tương tự bài tập X, và những người làm bài tập X bên chỗ người B cũng không có lợi ích bao nhiêu). Người A cảm giác dường như người B đang xem thường luôn Thầy của người A nữa chứ, và người A cho rằng người B đang học một chương trình có cái gốc từ vị Thầy này mà ra, nên việc hiểu lầm hay xem thường cái gốc thì rất khó chấp nhận, đã vậy người B còn nói rằng giờ làm coach luôn nữa. Lấn cấn quá nhiều, suy nghĩ hết một đêm, người A quyết định nhắn hỏi Thầy của người B để xem thử có phải coach bên đó đang nhận định chương trình (gốc) bên này là như vậy hay không.
Kết quả là: Vị Thầy của người B đặt cho người A một số câu hỏi để làm sáng tỏ, hỏi xem đối đáp qua lại 2 bên thế nào mà người A có nghi ngờ là người B đang xem thường chương trình bên chỗ người A. Cuối cùng người A chỉ có cảm giác người B xem thường chương trình bên này thôi, chứ người A không hề chứng kiến người B nói rằng họ xem thường. Cho nên kết thúc cũng khá êm đẹp. Và vị Thầy cũng khẳng định lại người B không phải là coach chính thức mà chỉ là coach tập sự thôi, đồng thời chương trình bên chỗ người B thì không có nguồn gốc từ chương trình bên chỗ người A.
Trên đây là một câu chuyện nôm na, và ví dụ như đặt mình vào câu chuyện này thì mình sẽ viết tiếp một câu chuyện khác như vầy, hihiii.
Chết cha chưa! Chỗ này mình quê xệ luôn á! Lúc đầu mình thấy khó chịu vì học cùng một gốc ra mà dám xem thường chương trình gốc, dám kêu qua học chương trình bên kia để về đạt yêu cầu ở chương trình gốc, dám nói chương trình gốc đưa ra các bài tập như vậy cũng không có lợi ích gì bao nhiêu… nghe ức chế dã man. Thế nên mình có động cơ đi méc, giống như mình đi méc thầy của họ với ngụ ý rằng: Ủa sao học trò của chị dám chê thầy chung của chúng ta như vậy được? Chị cũng học cái đó ra mà, chị đào tạo sao mà để học viên bên chị chê cái mà chúng ta đã từng học tới như vậy? Nếu chê chương trình gốc thì sao dám ra nhận làm coach trong khi xài cùng một cái gốc để phát triển lên? Mình cứ ngỡ mình thắc mắc hợp lý lắm, ai mà có dè đâu, mình quê xệ dã man. Mình không chứng kiến người đó chê, mình cũng không chứng kiến người đó xem thường, mọi thứ chỉ là cảm giác của mình. Với lại ngay từ chỗ ‘‘cùng một chương trình gốc’’ thì mình cũng sai nữa, mình không hề biết chương trình bên đó không hề có nguồn gốc từ bên đây, trước giờ mình chỉ tưởng là cùng một gốc thôi. Như vậy có nghĩa là, thầy của mình cũng không phải thầy của họ, vậy thì việc họ có xem thường hay không, chê hay khen, cũng đâu có lỗi phải gì mà mình đi bắt ở đây. Quê ơi là quê, từ cái thế đi méc chuyển qua xin lỗi rối rít má ơi! Lúc đó mình cứ ngỡ rằng mình đã thông suốt rồi, mình sai, mình tưởng thế này thế nọ, cho nên mình nghĩ rằng mọi chuyện đã êm xuôi hết. Nhưng mình không ngờ là bên trong mình vẫn còn có những cái lấn cấn, hơi khó chịu ngầm ẩn mà chính mình cũng chưa nhận ra luôn.
Sáng nay mình mới phát hiện, chết cha, lúc đó mình có lấn cấn mà không biết, bây giờ nhìn lại mới thấy nè. Mình cấn ở 2 câu nói của vị thầy đó: Một là: Nếu em muốn tránh người ta hiểu nhầm về chương trình của em đang học thì em nên truyền thông khéo hơn nhé. Hai là: Nên nói mục tiêu trước, cách thức sau, cũng không nên nói cách thức, em ko đủ hiểu hết bằng gv để nói, chỉ nên nói lợi ích em nhận được.
Lúc đọc 2 dòng này, bên trong mình đã hơi cấn rồi, nhưng mình gạt đi, mình cho rằng mình sai họ đúng, nên mình đè nén cảm giác khó chịu này xuống. Kiểu như lúc đó mình đang đi méc mà, cuối cùng là lỗi tại mình truyền thông ko khéo nên người ta ko hiểu ư. Và mình nói về mục đích của việc làm các bài tập đó thì lại bị nói là ‘‘ko nên nói cách thức, ko đủ hiểu bằng gv’’, mình chỉ nên nói lợi ích mình nhận được, cơ mà lợi ích của mình thì cũng khó khăn lắm để mô tả nó bằng ngôn ngữ, hichic. Cho nên hồi đó mình khó chịu với vị Thầy ở chỗ này nhưng mình nhanh chóng che lấp mất, mình thấy họ nói đúng quá, ừ chỗ này mình sai nha, nên mình chịu thôi.
Bây giờ khi chứng kiến lại chuỗi phản ứng nội tâm lúc đó, mình mới thấy rằng: Trong vô thức mình khó chịu với họ vì tự nhiên họ làm thầy của mình, họ khuyên mình, họ dạy mình chi, trong khi mình chưa cho họ cái vai trò làm thầy này mà. Lúc đó bên trong mình xác định vai trò là mình với họ cùng học một thầy, vai vế đang ngang hàng nhau là học trò của thầy, họ ra mở lớp có học trò riêng và mình cảm giác học trò của họ đang xem thường chương trình chung, thầy chung, nên mình mới đi hỏi lại thôi. Tự nhiên sao họ nói với mình mấy câu gần giống như thầy của mình nói với mình luôn á, tự nhiên họ làm thầy của mình luôn vậy, chứ ban đầu mình chỉ cho họ cùng làm đồng môn với mình thôi mà, hichic. Vì chỗ này nên trong vô thức mình có lấn cấn với họ mà mình không biết, mình cũng ko dám tôn trọng điều mình chứng kiến lúc đó là có một cảm giác khó chịu, lấn cấn khi đọc những dòng tin nhắn này luôn.
Bây giờ khi nhìn kỹ lại mình mới thấy, à thì ra mình cấn chỗ này, không đồng ý chỗ này, vậy mà lúc đó mình ko thấy, đợi tới bây giờ nhìn lại mới thấy. Rồi mình tiếp tục nhìn thì thấy rõ ra lý do lấn cấn: Mình không nhận người đó làm thầy nên tự nhiên mình thấy họ sai vai trò với mình, mình thấy chỗ đó họ đang muốn làm thầy của mình, đang dạy mình/khuyên mình nên mình không thích.
Hôm qua mình có đọc một status nói về phát triển bản thân, trong đó có một nhóm lỗi ảo tưởng, trong nhóm đó có một câu đại khái là: muốn ‘‘mở mắt’’ cho người khác khi không được yêu cầu. Chỗ này mình giải mã ra là: muốn làm thầy người khác khi chưa có vai trò. Đọc cái này xong bên trong mình tự động loading, nhớ lại và thắc mắc: Ủa vậy câu chuyện drama lúc trước, họ nói với mình như vậy là có động cơ gì không, có đúng vai trò không? Tự nhiên mình phát hiện ra, vai trò lúc đó là mình thắc mắc và đi hỏi, mình cũng có báo trước là mình sẽ hỏi về đề tài đó, họ rảnh thì trả lời còn ko muốn trả lời thì thôi. Họ okie trả lời nên mình mới hỏi những thắc mắc của mình về cách mà học viên của họ nói về chương trình của bên mình. Ủa rồi sao tự nhiên đoạn sau họ lại khuyên mình nên thế này thế kia, họ còn chỉ cho mình nên nói cái gì và ko nên nói cái gì nữa. Ủa cái chỗ này mình chưa nhờ mà, cũng chưa thắc mắc, chưa hỏi thăm ý kiến của họ là sau này mình cần làm gì luôn á, bla bla… Sao tự nhiên đi khuyên mình chi??? Vậy là họ có bị sai vai trò với mình không, có vô tình làm thầy của mình không?
Chỗ này mình chứng kiến có một nhận thức nổi lên: Họ sai vai trò với mình rồi, họ làm thầy của mình rồi kìa, cái câu ‘‘em nên…’’ tức là khuyên rồi chứ còn gì nữa, hơ hơ. Mình tiếp tục chứng kiến một nhận thức khác: Người nào vẫn còn sai vai trò thì chứng tỏ họ không luôn luôn đúng.
Chỗ này đột ngột mình chứng kiến một sự vỡ òa ra: ‘‘Chết cha, xưa giờ mình thấy người đó luôn luôn đúng, nếu mình khác họ thì mình auto sai.’’ Trời ơi, cái lỗi này đã dính mấy lần rồi, lúc trước mình thấy chị Đăng luôn luôn đúng, anh Quý luôn luôn đúng, nếu mình khác họ thì mình auto sai. Cả một công trình mình đã gỡ được 2 chỗ này rồi nha, tức là bây giờ mình nhìn họ không phải luôn luôn đúng nữa, mình ko mặc định như vậy nữa, mình cần chứng kiến mới được, điều họ nói thì mình chứng kiến lại chứ không cắm đầu tin theo như lúc xưa nữa. Rồi mình phát hiện ra, ấy chà, mình gỡ được 2 người rồi, vẫn còn một người mà xưa giờ mình cắm đầu tin như vậy nhưng mình ko hay biết, đến bây giờ mình mới thấy ra nè.
Rồi mình chứng kiến rằng, mình có một sự dựa dẫm, gọi là đi bám. Lúc trước mình bám người này, thấy họ luôn luôn đúng, mình khác họ là mình sai, sau đó mình phát hiện ra họ cứ sai vai trò với mình hoài, cứ làm thầy của mình hoài, cứ hay la mình thế này thế kia… nên mình ko chấp nhận nữa, mình thấy họ không luôn luôn đúng nữa, thế là mình buông bỏ chỗ bám. Mình chứng kiến thấy lúc mình không còn bám người đó nữa, thì mình đổi qua bám người khác. Khi mình sập đổ sự bám víu với một người thì vô thức mình nhanh chóng đổi qua người khác liền. Trời ạ! Cứ ăn rồi bám như vậy, vì lúc trước mình sợ rằng mình không biết nhiều thứ về việc học phát triển bản thân, nên mình phải bám vào người nào mà mình cho rằng họ biết nhiều, biết rõ, để mình học lỏm. Bây giờ mình mới nhận ra rằng việc học phát triển bản thân là để hiểu rõ chính mình hơn, mình cần ở trong chứng kiến, cái nào biết thì chứng kiến là có biết, cái nào không biết thì chứng kiến là không biết, rồi mình khám phá nó để cho mình biết, để mình chứng kiến được nó. Chứ không cần phải đi bám víu vào ai khác nữa.
Mình dẹp luôn cái chỗ người A, người B, người C luôn luôn đúng. Mình ở trong cái chỗ: mình chứng kiến thấy gì, thấy như thế nào, cái đó có phải là điều mình chứng kiến gốc chưa, hay nó đã qua lớp xử lý rồi á, vậy thì cái gốc chưa xử lý nó là gì?
Khi mình kể cho bà bạn thân nghe những điều này, bả hỏi mình 1 câu: Khi nói ra hết những lời này, em còn thấy cấn không? Lúc đó mình chứng kiến có một sự xáo trộn ở bên trong, một sự rối rắm, mình trả lời với bả rằng: Em thấy cấn 1 cái khác, đó là: Tại sao mình cứ ko chịu nhìn góc độ người ta giúp mình chỉ lỗi, mà vô thức cứ ăn rồi bắt bẽ người ta sai vai trò với mình hoài vậy, huhuhu?
Bả khen câu hỏi này hay, nhưng mình chứng kiến rằng mình đang có cảm giác tối hù, rối rắm, giống như vừa bước vào vùng rối khi đặt ra câu hỏi này á, chứ hay ho con khỉ gì. Sau đó bả nói với mình rằng: Câu hỏi bật ra thì cứ bật, trả lời được thì được, còn ko thì thôi. Ừ ha, nghe câu này mình có cảm giác nhẹ nhàng hơn, chứ nếu ko chắc cái chương trình ‘‘đánh rối’’ tự động chạy vù vù để ép phải tìm cho ra câu trả lời quá.
Mình bỏ qua câu hỏi này, kệ nó, mình nói rằng lúc trước mình đã không bám anh Quý với chị Đăng nữa, thì bây giờ không lý do gì mình phải bám người này. Mình không thấy thì thôi, bây giờ thấy mình bám rồi thì mình buông bỏ, buông xuống hẳn, nhẹ tênh, buông cái rẹt là xong. Mình chứng kiến thấy sự buông này có nghĩa là: Lúc trước mình sẽ có thiên kiến người này luôn luôn đúng, mình nhìn theo thiên kiến này, để nó chi phối, mọi thứ người đó nói, viết hoặc làm thì luôn luôn đúng. Còn bây giờ khi mình buông xuống có nghĩa là mình sẽ chứng kiến thuần mọi thứ thôi, không có thiên kiến chi phối nữa. Mình chứng kiến câu chữ họ viết, lời họ nói, việc họ làm, mình chỉ ở trong cái chỗ chứng kiến chứ ko có mặc định mọi thứ về họ là luôn luôn đúng nữa, điều này có nghĩa là mình cũng không tìm hiểu bản thân thông qua việc học lỏm những gì họ viết như trước giờ nữa. Đối với mình thì nhận ra chỗ này khá ý nghĩa, vì trước giờ mình vô thức đi học lỏm mà mình ko hay, hơ hơ. Bây giờ mình mới chứng kiến lại ở chỗ là: những gì họ viết hay nói, đó là ngôn ngữ của họ, đối tượng được mô tả bởi ngôn ngữ đó nhiều khi khác với đối tượng của mình nữa mà. Bao nhiêu năm nay mình dính chỗ này mà mình ko biết á, mình cứ tưởng là mình gỡ rồi không hà, tưởng đâu mình từng có bất mãn tức là mình hiển nhiên hết dựa dẫm. Nhưng ko phải, bất mãn và dựa dẫm ko liên quan gì nhau, bây giờ mình mới thấy ra.
Rồi mình tiếp tục chứng kiến một nhận thức và mình đã gõ xuống dòng chat 2 câu như vầy:
-
Thật ra mình có ngầm đòi hỏi người đó mà ko được, nên mình mới có bất mãn thấy người đó sai vai trò với mình, muốn làm thầy mình.
-
Chứ nếu như mình ko có cái đòi hỏi ngầm này thì sẽ ko thấy những câu đó là sai vai trò đâu, mình chỉ chứng kiến một dòng tin nhắn vậy thôi, mình sẽ ko cấn.
Tới đây thì bà bạn lại hạ một câu nói: Nay là ngày em đại hội vạch tội chính mình. Bà nội thiệt chứ, hay ha, mà cũng đúng, ko phải chỉ mới hôm nay đâu mà từ hôm qua mình đã phát hiện ra vấn đề này kia rồi, từ cái chỗ mình chứng kiến có một cảm giác ghét người này người nọ và mình không chối bỏ điều chứng kiến nữa, không gạt nó đi nữa, thì mình thấy ‘‘đại hội vạch tội bản thân’’ đang đến gần thiệt rồi ấy chứ. Rồi bả túm ngay cái câu ở trên mình viết ‘‘Nếu ko có đòi hỏi ngầm thì sẽ ko thấy những câu nói đó là sai vai trò’’ → bả hỏi mình điều này là chứng kiến, hay mình suy ra? Chết cha chưa! Bắt hay quá bà già, câu đó mình suy ra chứ mình ko hề chứng kiến. Ù á…
Bả hỏi mình tiếp 1 câu quá chí cốt: Có phải quá trình sửa sai trong em nó đang tự vận hành ko? Việc của em là thấy và phơi ra?
Trời đúng quá đúng. Mình đang chứng kiến vậy luôn á. Mình chứng kiến thấy những sai lầm nổi lên, cảm giác ghét, cảm giác khó chịu, lấn cấn. Mình chứng kiến tự nhiên có một quá trình chứng kiến được nguyên nhân vì sao mình khó chịu, từ đâu có nhận thức này, ồ có một cái dựa dẫm trước giờ mà ko biết ư, rồi có một quyết định và hành động buông bỏ cái dựa đó. Tự nhiên mình ngồi đây và chứng kiến mọi thứ đang diễn ra như vậy, mình đúng là ngồi quan sát thôi luôn á, chứ không có chọt tay vô làm gì đâu. Mình ko hề tác động, ko điều hướng suy nghĩ hay nhận thức, ko có bất cứ cái gì luôn, mình chỉ thuần chứng kiến mọi thứ đang diễn ra như thế nào và biết vậy thôi. Hễ có một cái ý chen vô muốn điều hướng là sai rồi, là rối tung rối mù lên rồi. Đoạn chương trình đó đang chạy như vậy, giống như nó có 1 cái luồng chạy tự nhiên đang truy ngược lại lý do vì sao, thực tế hiện giờ như thế nào á… mà có một cái ý chọt vô theo kiểu: Ê sao có nhận thức/cảm xúc gì kỳ vậy, đúng lý phải như vầy nè… Là thôi luôn, cảm giác rối nùi, tối hù, bí luôn.
Mình chợt phát hiện ra ngay cái đoạn trò chuyện hồi nãy và nói với bả: ‘‘Ê má, nãy lúc em viết cái câu: Sao mình cứ ko chịu nhìn góc độ người ta giúp mình chỉ lỗi, mà vô thức cứ ăn rồi bắt bẽ người ta sai vai trò với mình hoài vậy’’ => Thì bây giờ mình chứng kiến thấy là: lúc đó có một sự ‘‘chọt tay’’ vô, một sự điều hướng, muốn hướng nhận thức theo góc độ nhìn mọi người đều là thầy, đều chỉ lỗi giúp mình, bla bla… như vậy thì mới đúng, mới tốt. Ồ hèn chi, lúc đó vừa chọt vô 1 câu hỏi mang tính chất điều hướng như vậy, mình chứng kiến thấy cảm giác khựng lại liền, cảm giác tối hù, bối rối, cảm giác sắp rối nùi không lối thoát giống như những lần trước mình ở trong vùng rối luôn á.
Tự nhiên mình chứng kiến một sự phát hiện ra: Ừ ha, chương trình đang chạy như vậy, mình để yên đi, mình chỉ thuần quan sát, chứng kiến nó thôi, đừng có chủ động chọt chọt thêm nhận xét, đánh giá, tác ý gì vào, trời ơi để yên cho dòng chảy nó tự chảy. Đúng sai, tốt xấu thì còn chưa dám nhận xét, nhưng được một cái là mình chứng kiến khi đó có cảm giác thông thoáng, rõ ràng, giống như nước đang chảy một luồng á, cái dòng nó đang đi thì để yên cho nó truy xét lại, chứng kiến lại quá khứ đã xảy ra, chứ mình đừng nhanh nhẩu chọt thêm cái gì vào là đứng nước luôn á. Mình chứng kiến quá trình xem xét lại, đúng là hầu hết những lần cái dòng chảy cảm xúc, nhận thức, nhìn nhận lại đang chảy như vầy mà mình chen ý khác vào thì cảm giác bối rối, rối tung rối mù, cảm giác tối hù hết thấy đường đi hiện lên rõ rệt luôn. Cảm giác như con chuột ở trong lồng, biết rõ mình đang chạy chạy trong 1 cái lồng bó sát mà méo thấy đường nào để đi ra, tức ghê.
À, mình vừa chứng kiến thấy một nhận thức nổi lên: Cảm giác mình đang sáng hay mình đang tối, nó dựa trên việc có rối rắm gì hay không. Thật ra lúc mình có cảm giác mình đang sáng á, là lúc đó mình có cảm giác thông suốt, thoải mái, giống như nước chảy một chiều lưu thông bình thường. Còn khi mình có cảm giác tối hù, như kiểu đang ở trong vùng tối, thì thật ra là mình đánh rối mọi thứ lên nên ko biết cái nào là đúng sai tốt xấu, ko biết cái nào là thật giả, ko biết mình muốn gì ở chỗ đó, có quá nhiều ý đâm ngang đâm dọc muốn nổ tung.
Chỗ này mình thấy ra một điều rằng: Mình cứ để yên cho mọi thứ tự chạy thì ổn, mình nhận biết nó, chỉ đơn thuần là chứng kiến, quan sát, nhận biết vậy thôi đó. Ê tự nhiên mình chứng kiến thấy một chút gì đó rằng: Khi để mọi thứ tự chạy và mình chỉ thuần chứng kiến thôi á, thì nó chạy tới đâu thấy sai, nó tự sửa tới đó, còn nó ko sửa tức là chỗ đó chương trình chưa thấy báo lỗi, vẫn còn thấy đúng, thì cứ để yên cho nó chạy tiếp chạy tiếp, đến đoạn nào bíp bíp báo lỗi thì sẽ sửa thôi. Chứ những lúc mình chọt vô theo kiểu: về lý thì như nầy, phải vầy vầy mới đúng, lúc đó chương trình bị đứng lại khi có thêm một đoạn mã khác xen vào mang tên là ‘‘về lý…’’. Nhưng cái lý này nếu dùng được thì chỉ dùng trong một giai đoạn đó thôi, giống như một chương trình khác chép đè lên chương trình đang chạy bên dưới, thành thử ra về lâu dài cũng gãy, không xài được. Đáng lý nên sửa chương trình lỗi, chứ không phải cố gắng chép đè các chương trình khác xịn hơn lên đâu.
Tóm lại là mình chứng kiến có một trải nghiệm rằng: các chương trình tự động sửa sai, hệ thống chạy tự động, cứ để yên vậy quan sát, chứng kiến thôi thì sẽ không có rối nùi gì cả. Mình thấy mình không có chọt tay vô làm gì luôn á, trời ơi, mình chỉ chứng kiến và chứng kiến liên tục như thế, còn việc điều khiển thì do tầng tầng lớp lớp ý này thúc đẩy, tác động, điều phốiý kia mà ra. Chỗ này mình đang xem kỹ lại hơn về ý điều khiển chứ không thấy mình điều khiển.