QUỐC NHẬT - Câu 1: Viết bài tường thuật quá trình buổi bổ túc 2

  1. Viết bài TƯỜNG THUẬT lại quá trình diễn ra trong khóa bổ túc?
  • 9h, ngày Chủ nhật, 25/2/2024, mình tới Koro. Thầy và các bạn, anh chị đã có mặt và đang trò chuyện trong phòng học. Thầy Quý chiếu slide đầu tiên, về Chứng Kiến. Và thầy đặt ra câu hỏi như thế nào là Chứng Kiến và như thế nào là Không chứng kiến. Mình suy nghĩ về Chứng Kiến. Lúc đó, mình vẫn không hiểu rõ Chứng kiến là gì. Và khi Thầy đưa ra một số ví dụ và câu hỏi để cả lớp giải đáp, mình cũng có giải đáp theo cái biết của mình ngay lúc đó. Và trong lúc đó, mình có suy nghĩ rằng: vậy lúc nào mình cũng có chứng kiến (và suy nghĩ đó dựa trên những cái giải thích, những gì được học và được chia xẻ để làm rõ từ khóa trước).

Và khi được hỏi và trả lời về một ví dụ về chứng kiến và không chứng kiến, thì mình trả lời được. Mình quên nội dung câu hỏi về một ví dụ Thầy đưa ra là gì rồi. Mình có nhớ là có một ví dụ được đưa ra là câu chuyện của cô gái Anna, thấy chồng chở một cô gái khác, và Anna cho rằng chồng cô ngoại tình. Câu hỏi là Anna chứng kiến hay không chứng kiến chồng cô ta ngoại tình. Và để trả lời câu hỏi đó, lúc đó mình đã phải tưởng tượng ra và đặt mình vào vị trí của Anna. Khi đó mình mới thấy rõ hơn một điều mà trước đó mình chưa rõ, là về đối tượng. Câu hỏi là Anna chứng kiến cái gì, hay đơn giản hơn là lúc đó Anna chứng kiến bằng mắt, hay là Anna thấy gì? Câu trả lời là Anna thấy chồng chở cô gái. Vậy ‘ngoại tình’ nó nằm ở đâu trong cái chứng kiến này !? Lúc đó, mình mới rõ hơn và rõ hơn nữa. (Rõ hơn lúc trước mình mình cũng có câu trả lời tương tự trong khóa trước). Và câu trả lời của mình khi Thầy hỏi về một ví dụ chứng kiến hay không chứng kiến, mình có thể dựa trên ví dụ đó, đối tượng đó trả lời rõ ràng hơn, đó là họ có chứng kiến hay là không. Lúc trả lời mình không có sự mơ hồ như lúc trước nữa.

Sang câu hỏi thứ hai, thế nào là sống trong chứng kiến và thế nào là không sống trong chứng kiến.
Mọi người bắt đầu bàn tán sôi nổi, và mình nghe được các ý kiến của các bạn. Lúc đó, mình có thấy ý kiến của mình cũng có giống với các câu trả lời của một vài bạn. Và một vài câu trả lời của các bạn khác cho mình một số cái nhận định mà mình cũng chưa nghĩ tới. Mình có ghi chú lại trên giấy để có câu trả lời và câu trả lời của mình là khi sống trong chứng kiến thì mình có nhận thức được, nhận thức được các đối tượng, và không lầm lẫn các đối tượng này qua đối tượng khác. Và khi không sống trong chứng kiến thì mình nhầm lẫn đối tượng này với đối tượng khác, mình không nhận thức được đối tượng một cách rõ ràng. Lúc đó mình có suy nghĩ, đặt ra một tình huống nào đó mà mình sống trong chứng kiến và không sống trong chứng kiến. Rồi lúc đó mình nhìn cái bình nước trước mặt mình, trong lúc đó mình vẫn nghe các âm thanh của các bạn đang trao đổi và đang trả lời Thầy. Lúc đó mình có biết mình chứng kiến.

Tiếp đến câu hỏi thứ 3 của Thầy khiến mình thấy rõ hơn nữa. Quan sát khác chứng kiến thế nào? Lúc đó mình thấy câu hỏi này khiến mình nhìn lại cái mơ hồ của mình. Mình trả lời bên trong mình (chưa được hỏi nên chưa nói ra) là: quan sát là nhìn ngắm. Mở rộng thêm cho các giác quan thì là nghe thấy, nếm, ngửi… Vậy quan sát là không có đánh giác, nhận xét, chỉ thuần túy là tiếp nhận.

Và khi các bạn chia sẻ các câu trả lời, mình viết lại các ý kiến. Ý kiến mình viết lại là : Quan sát là đơn thuần, không bao gồm kết quả của nhận thức. Thầy có gợi ý và đưa ra ví dụ (mình quên là những ví dụ nào), và các bạn trong lớp đưa ra ý kiến, mình thấy thêm được rằng mình rõ hơn về định nghĩa quan sát. Và mình cũng thử thực tập ngay lúc đó mình quan sát cái chai nước trước mặt. (Ở câu hỏi thứ 2 lúc nãy mình cũng quan sát chai nước trước mặt…) Lần này mình thấy rõ hơn một chút, là lúc mình quan sát chai nước thì mình đang nhìn nó, trong lúc đó, cả lớp vẫn trao đổi, và từng bạn đưa ra câu trả lời của bạn ấy. Mình nhớ lại là khi mình nghe câu trả lời của các bạn, có sự chú ý (bằng việc lắng tai nghe), mắt mình lúc đó nhìn chai nước, nhưng sự chú ý lại nằm ở tai đang nghe. Có một sự dịch chuyển sự chú ý, và lúc đó mình mới thấy rõ hơn, thì ra đó là cái ý. Và trong quá trình đó, mình biết được, vậy là đó là Chứng Kiến rồi.

Khi Thầy đưa ra ví dụ, và phân tích, và hỏi lại các câu trả lời của các bạn, mình có lắng nghe, và mình ghi chú lại: Vậy Chứng kiến nó bao hàm luôn quan sát, nó đâu cần phải có ý chứng kiến, ghi chú của mình để trả lời Chứng kiến khác với quan sát là: Chứng kiến bao quát và chứa luôn sự quan sát, chứng kiến là tự động, tự nhiên. Rồi về sau có nhiều sự chia sẻ của Thầy, mình ghi chú thêm là Chứng kiến là một trạng thái.

Qua câu hỏi thứ ba về khác nhau của Quan sát và Chứng kiến, mình thấy rõ hơn nữa. Vậy là cái hiểu của mình về Chứng kiến bị lầm lẫn qua lại giữa quan sát và chứng kiến. Và mình đã phân biệt rõ hơn, cái rõ hơn một cách tự nhiên và không căng thẳng theo kiểu động não, phân tích.

Sang đến câu hỏi thứ 4: Chứng kiến có phải là một hoạt động hay không, Quan sát có phải là một hoạt động hay không thì mình thấy lúc đó câu trả lời trong mình có. Quan sát cần phải chú ý thì nó là một hoạt động, Chứng kiến không cần chú ý thì nó không là một hoạt động. Chứng kiến là một cái tự nhiên, vậy nó không là một hoạt động, nó là gì? Mình có câu hỏi ngay lúc đó trong đầu. Và Thầy với các bạn chia sẻ, mình cũng có câu trả lời: vậy chứng kiến là một nhận thức.

Đến phần tiếp theo, phần 5, trên slide là các hoạt động trong cuộc sống: tưởng tượng, dự đoán, tìm kiếm, suy luận, so sánh, định hướng, lựa chọn, phân tích, tổng hợp, đánh giá, nhận xét, di chuyển, tác động…. Các hoạt động đó là có tác ý. Có tác ý thì mới có hành động. Và mình thấy mình mơ hồ về cái tác ý đó.

Tiếp nối theo là câu hỏi: có thể đưa ra nhiều Hoạt Động tại Cùng Một Thời Điểm được hay không? Thầy cho cả lớp bắt đầu thảo luận nhóm,và có nhấn mạnh Tại Cùng Một Thời Điểm. Tính tại cùng một thời điểm, là sự nhấn mạnh ngay tức thì lúc đó. (Hay có thể gọi là một sát na, theo mình được biết). Mình lấy ngay chính cái mình đang làm nãy giờ, là nhìn cái ly. Hành động nhìn, là một hoạt động quan sát. Rồi cạnh đó là lắng tai nghe câu trả lời của một bạn khác, một hành động lắng nghe. Rõ ràng không thể cùng một thời điểm mình có thể làm hai hoạt động khác được. Mình sẽ rời ý khỏi hoạt động nhìn để chuyển ý cho hoạt động nghe, rồi lại nghe xong chuyển lại hoạt động nhìn.

Tiếp đến câu hỏi số 7 là khi đang Quan sát, bạn có suy nghĩ được không? Các bạn có câu trả lời và mình cũng trả lời giống các bạn. Suy nghĩ là một hành động, vì có tác ý. Khi đang quan sát một đối tượng, thì suy nghĩ không có. Và tiếp theo câu hỏi đó là câu hỏi tương tự ngược lại (mình đánh dấu là số 8), khi đang Suy nghĩ thì có quan sát được không? Khi có suy nghĩ thì không còn quan sát đối tượng nữa. Lúc đó mình có câu trả lời trong mình là không. Mình nghe các bạn chia sẻ các câu trả lời của các bạn, có một vài bạn trả lời theo bạn ấy là có. Phần lớn các bạn còn lại có câu trả lời là không.

Mình đang viết lại quá trình này dựa trên cái ghi chú và đánh số của mình. Khi nhớ lại buổi học, các slide và các câu hỏi nối tiếp nhau, có thể không giống với số thứ tự của mình đặt ra. Các câu hỏi của Thầy là liên tục tiếp nối.
Và tiếp nối câu hỏi khi đang Suy nghĩ thì có quan sát được không, tiếp nối câu trả lời của phần lớn các bạn là Không, Thầy đưa ra câu hỏi: Khi Quan sát thì không suy nghĩ, Khi Suy nghĩ thì Không quan sát là Đúng hay Sai. Khi Thầy hỏi đến, mình trả lời là Đúng.

Và khi đến câu hỏi tiếp theo (mình đánh số là câu hỏi thứ 10): Bạn có Quan sát được khi bạn đang: tưởng tượng, dự đoán, tìm kiếm, suy luận, so sánh, định hướng, lựa chọn, phân tích, tổng hợp, khái quát vấn đề, đánh giá, nhận xét, di chuyển, tác động… được không? Lúc đó mình nhìn lên màn hình slide, mình nhìn vào cái ly nước, mình nhìn vào cây bút bi mình đang cầm trên tay, mình nhìn cái ngón tay của mình đang bấm ra bấm vô để mở ngòi và đóng ngòi bút. Mình thấy mình có câu trả lời. Mình nghe các bạn miêu tả, và các bạn trả lời khi được Thầy hỏi. Mình trả lời khi được hỏi tới là Không.

Mình không nhớ là buổi trưa nghỉ ở đoạn câu hỏi nào, mình chỉ nhớ nghỉ trưa là vào khoảng 12h30. Và lúc chia sẻ, bạn Tâm cũng có nói với Thầy về ý kiến là thảo luận luôn không cần nghỉ trưa. Mình lúc đó có cảm giác đói bụng vì sáng không ăn gì. Lúc đó mình có suy nghĩ nếu thảo luận xuyên buổi trưa thì nhịn đói cũng được. Rồi mình cũng có dự đoán rằng cũng phải nghỉ trưa thôi.
Thời gian nghỉ trưa, mình đi ăn trưa với Linh, Tâm và Chung.
Ăn trưa xong quay lại ga là vào khoảng 13h30.
Uống café và vào lại lớp.

Câu hỏi tiếp cho lớp là khi đang Suy nghĩ có chứng kiến không? Theo như kiến thức mình có về chứng kiến, định nghĩa về chứng kiến thì mình biết được rằng lúc nào mà mình chẳng chứng kiến. Vậy thì câu trả lời là khi đang suy nghĩ thì có chứng kiến thôi.
Tiếp nối với câu hỏi trên, vậy Làm sao để thực hành Chứng kiến?
Khi nghe câu hỏi này, mình có thấy được mình cũng có mong muốn, muốn biết làm thế nào để thực chứng kiến.

Thầy có nêu ra nhiều ý, và mình lắng nghe. Mình ghi chú lại cái câu ‘vị trí đặt Tâm’. Ở chỗ này mình không hiểu rõ. Mình ghi chú lại và để tìm tòi bên trong mình, để rõ hơn sau này.
Mình có note lại cái ý: vị trí đặt tâm đối với quan sát, có sự tác ý. Và mình cũng thử thực tập ngay lúc đó, mình quan sát nãy giờ mà, quan sát cái ly, vậy cái ly là đối tượng và mình đặt tâm lên cái ly. Và đó cũng là một hành động quan sát cái ly. Và cái đó cũng không gọi là chứng kiến, vì chứng kiến không phải một hành động. Mà chứng kiến theo mình là nó bao hàm luôn cả hành động quan sát cái ly rồi. Sự thảo luận của các bạn diễn ra, mình không nhớ rõ lắm nên không kể chi tiết được. Và Thầy cũng đưa ra những ví dụ giúp cả lớp rõ hơn, mình ghi chú lại lúc Thầy có nói câu nói sự khác biệt của Thầy với bạn Tâm là Thầy ‘Biết rõ những điều mình đang nói! Lời nói không mâu thuẫn.’ Mình nghe và nhớ và ghi chú lại câu nói đó của Thầy.

Và tiếp tục nữa Thầy đưa ra: Quan sát trong chứng kiến và Quan sát trong cảm nhận. Lúc đó mình có thấy rõ hơn về khái niệm hộp đen mà buổi học trước mình được nghe. Khi quan sát trong cảm nhận, mình ghi chú lại là có muốn, có sự thích thú trong đó. Mình không có ghi chú gì về Quan sát trong chứng kiến.

Sau đó, theo sự ghi chú của mình,quá trình lớp học tiếp nối là câu hỏi Kết luận có phải là kết quả của sự chứng kiến không? Mình cũng nhớ lại chính mình lúc đó suy nghĩ để hiểu câu này, lúc đó mình chưa hiểu rõ ý này.
Trong ghi chú của mình, mình gạch ghi chú sự chứng kiến: liên quan đến dữ liệu, thông tin. Mình bắt đầu nghĩ, dữ liệu và thông tin thì đơn thuần là dữ kiện, đúng như định nghĩa của nó, vậy dữ liệu và thông tin đâu có liên quan tới ý của mình. Kết luận là mình kết luận, vậy kết luận liên quan tới ý của mình. Thầy có đưa ra nhiều câu nói và nhiều ví dụ, mình ghi chú lại: Kết luận  khi định nghĩa kết luận là đối với mình, mình kết luận, và khi kết luận thì cái mang tính cho mình là Đúng!
Kết luận: sẽ mang tính chủ quan, cho mình là đúng, và mình nhớ Thầy có nói kết luận mang tính phổ quát. Vậy là kết luận thì đâu có chứng kiến.

Lớp học tiếp tục về thế nào là Quan Sát trong Chứng kiến và Quan sát trong Cảm nhận.
Mình ghi chú lại Quan sát trong Chứng kiến là luôn luôn mới, cảm giác tận hưởng ; Quan sát trong cảm nhận: có chán, có cảm xúc, có sự tò mò mới có quan sát.

Mình có nhớ có sự thảo luận về câu nói: 12 giờ trưa, thấy có đàn chuồn chuồn bay thấp, tới 14h trời mưa. Và kết luận rằng 12 giờ trưa, thấy có đàn chuồn chuồn thấp, 14h trời mưa, khác nhau thế nào và đúng hay sai về cái kết luận đó. Sự thảo luận của nhóm mình diễn ra, và mình thấy có sự học hỏi về ý kiến của các bạn và anh chị. Và mình cũng có nói lên ý kiến rằng: ‘Đúng là khi thảo luận với mọi người, mình rõ hơn nữa.’ Thảo luận nhóm mình có câu trả lời là câu nói đơn thuần 12 giờ trưa có đàn chuồn chuồn, 14h chiều trời mưa có Khác với kết luận 12 giờ trưa có đàn chuồn chuồn, 14h trời mưa.

Tiếp nối liền với ý đó là Thầy nêu là hai vấn đề : SỐNG trong chỗ KHÔNG có KẾT LUẬN VS với KHÔNG SỐNG trong chỗ có KẾT LUẬN.
Thầy có nêu ra : Không sống trong chỗ có Kết luận là Sống trong Chứng Kiến.

Thầy có hỏi mọi người có hiểu và phân biệt được 2 vấn đề này không.
Mọi người thảo luận, mình lúc đó có hiểu 2 vế này khác nhau, nhưng mình vẫn mơ hồ và không biết phương pháp nào để sống như thế.

Tiếp tục là thêm gợi ý:

  • Chứng kiến = dừng các hoạt động, Đúng hay Sai  câu trả lời là Sai.
  • Chứng kiến = quan sát : Đúng hay Sai  câu trả lời là Sai.
    Và gần cuối buổi học, câu hỏi được đặt ra là Làm Sao để sống trong Chứng Kiến, Sống trong Chứng kiến thế nào cho Đúng? Sống trong Chứng kiến là Không sống trong chỗ có Kết Luận. Phương pháp thực hành Không sống trong chỗ có kết luận là thế nào?

Cuối buổi mình mới biết rằng hôm nay là buổi bổ túc thứ hai, là buổi miễn phí. Phí mình đã đóng là ở Khoá 3. Vậy là buổi bổ túc hôm nay mình không phải trả chi phí nào.

17h30, mọi người chào nhau, tạm biệt Thầy và hẹn buổi học tới.

./.