Thấy người khác ứng xử sai vai trò với mình thì sao?

Chiều nay trên đường chạy xe, mình chợt chứng kiến thấy có một sự nhìn lại và thay đổi tâm thế bất ngờ trong việc thấy người khác ứng xử sai vai trò với mình.

Có thể nói nó là một sự cay cú, khó chịu trong suốt mấy tháng vừa qua khi mình chợt có một chút sáng lên và nhận ra: Ủa, tại sao người đó sai vai trò với mình, tại sao người này người kia cứ muốn làm thầy của mình, ủa họ có duyên gì khi hỏi mình mấy câu đó, ủa mắc mớ gì họ có thái độ muốn dạy mình, tại sao mối quan hệ giữa 2 bên lại không ngang bằng với nhau; ủa họ nhờ vả mình rồi mình ko để tâm, mình làm sai thì họ chửi mình sấn sả luôn vậy á hả; ủa mình đâu có nhận làm thầy đâu mà cứ auto chơi trò hỏi truy vấn hoài vậy… Bao nhiêu sự tức giận, ấm ức, khó chịu cứ dồn nén trong lòng mà không thể nào nói ra được. Vì mình biết nếu phản ứng lại thì mình sai, theo nguyên tắc trong việc học phát triển bản thân thì phải đi đến cái chỗ xem ai cũng là thầy của mình mới đúng. Hoặc nguyên tắc nhẹ hơn là tự thấy lỗi mình, không bắt lỗi người. Ấy vậy mà mình cứ ăn rồi suốt ngày phát hiện: Ê, chỗ này người ta sai vai trò với mình; câu đó người ta nói với mình không có duyên; lúc đó người ta làm thầy của mình mà ko có vai trò kìa… Trời ơi nó mệt á! Thà là lúc trước chưa thấy gì còn ngu ngơ auto nhận mình sai, có gì cũng nơm nớp lo sợ auto xin lỗi luôn cho lẹ, chứ đã phát hiện ra cái vụ sai vai trò thì thôi rồi, muốn không bắt lỗi người thật là khó quá khó mà. Giống như mình chứng kiến rành rành cái lỗi sai vai trò của người ta đối với mình rồi, kêu bịt mắt lại kiểu gì, bảo rằng họ đúng thế nào cơ. Mà đã sai vai trò thì nội dung nói chuyện coi như sai bét hết, đúng thế nào được? Bạn có vai trò gì mà nói những điều đó với tôi? Tại sao tôi phải nghe bạn, tiếp thu lời nói của bạn? Vai trò là cái đầu tiên mở đầu cuộc trao đổi mà, đã sai ngay từ số 1 thì tất cả những con số nội dung sau đó còn tính đến để làm gì.

Từ chỗ này mà mình sinh ra sự ấm ức, khó chịu trong lòng không biết cách nào thoát ra, không tháo gỡ được. Có vài lần mình cũng cố ý tìm cách gỡ, nhưng mình cảm giác nó giống như lừa dối bản thân thôi, mình có một cái khuôn nên muốn áp đặt chính mình vào khuôn đó. Tuy nhiên, dạo này bản thân có vẻ bớt ngu một chút nên khó mà áp đặt được như hồi trước nữa, nó cứ thấy không đúng, không ổn là nó chống đối tới cùng, đừng hòng mà dùng mọi thủ đoạn để lừa dối nó, đàn áp nó.

Có một lần mình nhận được câu hỏi đại khái là: Khi thấy người ta sai vai trò với mình thì lúc đó mình đang đặt trọng tâm chú ý vào đâu?

Đọc câu hỏi này xong thấy khó chịu ghê, cảm giác như kiểu: Bạn bè mà lên chốn công cộng đông người rồi đâm nhau vậy á hả? Trả lời thế nào được cái câu này? Nếu trả lời theo lý thuyết ứng xử, kiểu ‘‘hoa hậu thân thiện’’ thì cũng được đó, nhưng mà nói vậy thì ‘‘xạo chó’’ quá chừng. Còn bật ngược lại thì ko lẽ nói: Ừ tui thích xem xét vai trò của người ta vậy đó, thấy người ta sai vai trò thì trọng tâm của mình đang đặt lên người ta chứ đâu, việc đặt này có quái gì sai đâu mà hỏi, mình thích thì mình đặt thôi. Hơ hơ. Lúc nhận câu hỏi đó, mình cảm giác như có một sự khiêu chiến luôn á, người hỏi mình là đang đập mình 1 phát cho nên mình bực, không muốn trả lời lại, cũng ko biết nói lại thế nào giữa chốn ‘‘thanh thiên bạch nhật’’ này.

Nhưng nó vô tình dấy lên một sự mâu thuẫn ở trong mình, đẩy mâu thuẫn càng lúc càng lên đỉnh điểm. Lúc trước trong vô thức mình thấy rằng: Việc bắt lỗi người ta sai vai trò với mình là đúng, vì ko mắc mớ gì mình để yên cho người ta dạy đời mình, làm thầy mình. Trong việc học phát triển bản thân này, mình chỉ nhận 1 thầy thôi chứ, mình ko cho phép người nào khác làm thầy của mình nữa. Chỉ là cái thế của mình không thể bật lại, cãi lại hoặc nói thẳng là ‘‘bạn đang sai vai trò với tui, bạn đang nói chuyện như kiểu thầy tui á, nhưng tui ko hề chấp nhận vai vế như vậy’’. Cho nên mình cam chịu trong ứng xử, nhưng trong lòng mình thì vẫn phải bắt cho được cái lỗi sai vai trò này, không thể nào để yên. Vi vậy cái câu hỏi: khi mình cứ thấy người khác sai vai trò thì mình đặt trọng tâm chú ý vào đâu á, nó ra liền đáp án là đặt trọng tâm vào người khác rồi, vào tất cả mọi người luôn nữa, cứ canh me chực chờ xem ai sai vai trò là mình khó chịu liền. Và khi mình thấy câu trả lời này, bên trong mình chợt có cảm giác hình như hơi sai sai, việc đặt trọng tâm vào người khác là sai, ấm ức khó chịu cũng sai, hơ hơ. Đó chính là mâu thuẫn và càng lúc bên trong mình càng đẩy nó lên đến mức các chương trình tự hoạt động, tự xem xét, tự nhìn lại một cách vô thức.

Rồi chiều nay vô tình đang chạy xe, mình chợt nhìn nhìn lại. Lúc trước mình cho rằng người ta sai vai trò với mình là sai. Nhưng hôm nay… sao tự nhiên mình lại thấy: người ta sai vai trò với mình là đúng.

Lý do vì sao lại có sự đảo ngược đúng sai trong cảm nhận của mình như vậy? Bởi vì mình thấy không có một cái đúng/sai nào nằm khơi khơi giữa vũ trụ này. Nếu nói đúng/sai thì phải đặt nó trong một hệ quy chiếu thì mới xác định được.

Lúc trước hệ quy chiếu của mình là tách bản thân ra thành một người thứ 3, đứng bên ngoài nhìn vào, thấy 2 người đang nói chuyện với nhau thì người kia sai vai trò với mình rõ ràng. Không chối cãi được. Và bây giờ nếu nhìn ở góc độ này thì việc sai vai trò vẫn y nguyên như vậy, không hề đổi trắng thay đen gì đâu, trong mối quan hệ đó, cư xử đó, nói chuyện như thế là sai vai trò, chắc chắn. Khi ở hệ quy chiếu này mà nhìn, thì sai vai trò có nghĩa là sai.

Vậy nhìn ở hệ quy chiếu nào thì sai vai trò lại là đúng?

Đó là một hệ quy chiếu khác. Điều mình muốn là gì? Cái nào giúp cho mình đạt được điều mình muốn thì cái đó là đúng; ngược lại việc gì khiến mình đi xa hơn mong muốn thì đó là sai.

Chiều nay mình đã chợt nhìn thấy góc độ này nè. Nếu như thời điểm trước đó, người đó không sai vai trò với mình, và thậm chí còn thỏa mãn ý muốn ngầm của mình luôn nữa (đó là ý muốn người đó nhận sai trước mình), thì việc gì sẽ xảy ra? Mình sướng chứ, khoái chứ, đã chứ, cuối cùng thì người đó cũng nhận sai với mình rồi, họ đang sai và mình đang đúng nè, mình chỉ lỗi giúp cho người ta nè. Nếu tình huống này xảy ra thì ‘‘cái Tôi’’ của mình sẽ bay lên ngút trời mây, khó mà kéo xuống lại trong một sớm một chiều. Tự nhiên mình chợt phát hiện, việc họ ứng xử sai vai trò với mình thực chất lại là đang giúp đỡ mình, không để cho ‘‘cái Tôi’’ của mình được dịp tăng lên nữa.

Mình như chợt phát hiện: Cảm giác tức tối, bức bối, khó chịu… chỉ là một chút ‘‘cái tôi’’ đang quẫy đạp, giãy giụa vì không được thỏa mãn ý đồ; nhưng nó vẫn còn nhẹ hơn và đỡ nguy hiểm hơn so với cái bẫy ngọt ngào là ‘‘cái tôi’’ được đáp ứng trọn vẹn, vượt cả mong đợi. Lúc đó nó lên cao rồi thì lạy trời mà có cách nào kéo nó xuống, đập cho nó bớt. Hichiccc

Chiều nay mình bất chợt tự hỏi: Tại sao một người mình cho rằng trí tuệ, lại ứng xử sai vai trò với mình một cách rành rành như thế kia? Vậy mình kết luận rằng họ thiếu trí tuệ thì có đúng không? Trước giờ mình có đưa ra kết luận như vậy chứ. Bây giờ mình đã thấy, kết luận của mình không đúng nữa. Nó như kiểu một đứa con nít với tầm nhìn hạn hẹp rồi đi kết luận người không cho mình ăn nhiều kẹo là người xấu vậy đó. Mình chợt nhìn rộng ra một chút và tự hỏi: Người có trí tuệ là người như thế nào? Một người có trí tuệ thì có làm hại người khác không? Nếu như họ nhìn thấy được việc gì là gây hại cho mình, việc gì là có lợi cho mình, rồi họ làm theo điều có lợi cho mình đó (chấp nhận rằng có thể bị mình hiểu lầm và ghét luôn trong một khoảng thời gian), như vậy thì họ có trí tuệ hay không?

Một tháng trước mình thấy họ sai vai trò và cười cợt, bất mãn, cho rằng họ có ý muốn làm thầy của mình nữa chứ, họ muốn hơn thua với mình. Một tháng sau mình phát hiện: Chết cha, người ta làm vậy thì ‘‘cái tôi’’ của mình mới đỡ lại được một chút, chứ nếu làm khác đi thì không chừng bây giờ ‘‘cái tôi’’ của mình bùng phát tới mức độ kéo lại không nổi luôn rồi.

Từ chỗ này mình mới chợt thấy: Người khác sai vai trò với mình vẫn là đúng. Nó ‘‘đúng’’ ở chỗ người ta giúp cho mình bớt tăng trưởng ‘‘cái tôi’’. Khi mình thay đổi nhu cầu, đổi hệ quy chiếu thì kéo theo các góc nhìn khác xưa giờ cũng đổi cái rẹt.

MÌNH KHÔNG MUỐN NUÔI DƯỠNG ‘‘CÁI TÔI’’ NỮA. MÌNH MUỐN ĐI ĐẾN CHỖ ĐOẠN DIỆT ‘‘CÁI TÔI’’

Với ý muốn này, nhu cầu này, con đường này, thì hệ quy chiếu đúng/sai đối với mình bây giờ là: Việc gì khiến cho ‘‘cái tôi’’ tăng trưởng, việc đó sai; việc gì giúp cho ‘‘cái tôi’’ đi đến chỗ đoạn diệt, việc đó đúng.

Mình sẽ không để ý, quan tâm, chăm chú lăm le đến việc người khác có ứng xử sai vai trò với mình hay không nữa. Vì tự nhiên mình cảm thấy… đi bắt lỗi người khác cũng chẳng giúp ích được gì cho mình. Những ngày khoái chí, sung sướng vì bắt lỗi như vầy, chiến thắng như vầy, cũng không giúp cho mình sớm đoạn diệt ‘‘cái tôi’’ mà ngược lại nó còn làm cho con đường này như kéo dài ra thêm, ngày càng xa vời thêm nữa. Tự nhiên mình cảm thấy ăn rồi đi bắt lỗi người khác, cười cợt, giỡn chơi đó… vui thì cũng có vui, nhưng rồi nó cũng chán chán thế nào á, vì nhu cầu sâu kín nhất trong lòng mình không bao giờ có thể thỏa mãn được. Nhu cầu yêu và được yêu sẽ không bao giờ có được khi cứ ăn rồi chơi đùa, nuôi dưỡng ‘‘cái tôi’’.

Hồi đó mình có từng nghe cái lý thuyết rằng: Chỉ nên tập trung vào bản thân thôi, xét lỗi người khác thì có lợi gì đâu, quan tâm (theo kiểu bắt lỗi á) đến người khác làm gì… Lúc đó mình thấy lý thuyết này ko thuyết phục cho lắm, mình bắt chước theo ko được. Vì thời điểm đó mình vẫn thấy việc xét lỗi người khác cực kỳ quan trọng, nó sẽ cho thấy ai đúng ai sai, mình ko thể chấp nhận mình sai, mình ko muốn có cảm giác mình hiền lành rồi người khác bắt nạt, hoặc để cho người khác ‘‘lên đầu mình ngồi’’, dạy đời mình… thì càng ko thể chấp nhận được. Nhưng bây giờ mình mới chợt thấy cực kỳ rõ và nó giống như là ‘‘của mình’’ luôn rồi á, chứ không còn là lý thuyết bên ngoài nữa đâu. Việc người khác đúng hay sai thì có quan trọng khỉ gì đâu, việc cấp thiết và quan trọng nhất là mình như thế nào, mục tiêu của mình là gì, bao lâu thì đạt được mục tiêu, mình cần đi con đường nào để đến cái đích đó. Trời ạ! Bây giờ mình mới thấy rõ ràng mồn một cái việc: chỉ tập trung vào bản thân thôi, xem xét LỖI MÌNH mới QUAN TRỌNG, còn xét lỗi người khác… là phù du rảnh rỗi, ăn ở không quá đi giúp đỡ người ta làm chi khi người ta không nhờ, trời đất ơi!!! Sai vai trò cũng là một lỗi, khi người ta không nhờ thì mình bắt để làm gì, chỉ lỗi làm chi; đã ko chỉ lỗi được cho người đó rồi thì mắc mớ gì canh cánh trong lòng, ghim trong bụng rồi ấm ức chi chuyện của người ta, hichic. Còn lỗi sai vai trò ở bản thân mình thì cần để ý, phát hiện ra rồi tránh nó chứ.

Tóm lại tự nhiên mình nhận ra một việc rằng: thấy người khác ứng xử sai vai trò với mình cũng chẳng là cái gì cả, không có ý nghĩa gì (trừ phi xác định đang trên đài giác đấu thắng thua bằng lời). Cho nên không cần bắt cái lỗi đó, không chèn thêm bất kỳ đánh giá, phán xét gì của mình vào đối với người khác nữa. Vì cuối cùng với góc nhìn hạn hẹp của mình thì những kết luận được đưa ra cũng thành trớt quớt thôi. Một kết luận về ý của người khác thì không bao giờ biết chắc chắn nó đúng hay sai, vì đó là điều mình không bao giờ chứng kiến được.

Nhiều khi việc người khác ứng xử sai vai trò với mình lại là một bài test, xem thử level của mình đến đâu rồi, mình có động tâm hay không, có bất mãn bức xúc gì không, có bỏ qua nội dung, mục đích nói chuyện mà chạy theo bó cỏ hơn thua về lời lẽ, vai trò hay không. Cũng có khi việc người khác ứng xử sai vai trò với mình là một cách giúp đỡ mình. Họ giúp cho con đường đi đến mục tiêu đoạn diệt ‘‘cái tôi’’ đỡ khó khăn hơn một chút, họ giúp cho ‘‘cái tôi’’ không ngạo nghễ sung sướng trồi lên.

Một phát hiện mới này khiến cho mình cảm thấy cả thế giới như đảo lộn tất cả. Đúng đúng sai sai - trước giờ mình cứ hay đánh giá phán xét, rồi cuối cùng mình phát hiện ra rằng: Điều đúng là giúp hạ bớt ‘‘cái tôi’’, đoạn diệt cái tôi; còn điều sai là làm cho ‘‘cái tôi’’ tăng thêm, bùng phát mạnh mẽ.

Ôi! Có một chút cảm giác biết ơn khi nhìn lại tình huống mình từng ấm ức cho rằng người khác sai vai trò với mình. Mình biết ơn vì lúc đó họ đã sai vai trò, đã đập mình thêm mấy phát, đã khiến cho ‘‘cái tôi’’ chuẩn bị trào lên vì thấy lý lẽ mình vững chắc quá thì đột ngột bị dập tơi bời, ngóc đầu không lên. Thà rằng ấm ức khó chịu vẫn còn đỡ nguy hiểm hơn sung sướng đỉnh cao trong cảm giác chiến thắng hơn người, hichiccc.

Em chứng kiến “người khác sai vai trò” thế nào? Mô tả chị nghe nhé!

Với ý muốn này, nhu cầu này, con đường này, thì hệ quy chiếu đúng/sai đối với mình bây giờ là: Việc gì khiến cho ‘‘cái tôi’’ tăng trưởng, việc đó sai; việc gì giúp cho ‘‘cái tôi’’ đi đến chỗ đoạn diệt, việc đó đúng.
→ Làm sao để biết việc gì khiến cho “cái tôi” tăng trưởng?
→ Làm sao để biết việc gì giúp cho “cái tôi” đi đến chỗ đoạn diệt?

Khi đọc câu hỏi “em chứng kiến người khác sai vai trò thế nào”, thì em thấy điều em chứng kiến không phải là người khác sai vai trò nữa, mà nó chỉ là một ảo tưởng dựa trên các khuôn khổ mặc định trước giờ của em thôi. Thực sự thì em không chứng kiến người khác sai vai trò, hichic. Em chứng kiến suy nghĩ, nhận thức rằng người khác làm vậy là sai vai trò với mình, sau đó em có nhầm lẫn ở chỗ em chỉ chứng kiến cái nhận thức này thôi, nhưng em không biết, em cho rằng điều em chứng kiến chính là nội hàm của nhận thức luôn. Vậy nên nhìn tới nhìn lui bữa giờ, em vẫn thấy không thể mô tả được điều em chứng kiến là người khác sai vai trò như thế nào.

Làm sao để biết việc gì khiến cho “Cái tôi” tăng trưởng → Chỗ này em đang tạm dùng một số dấu hiệu, khi mình làm/sắp làm việc gì đó mà có các dấu hiệu này thì mình sẽ biết rằng việc đó khiến cho “cái tôi” tăng trưởng:

  • Có cảm giác cái tôi mình đang lên
  • Có nhận thức biết rằng cái tôi đang lên
  • Có cảm giác sung sướng, khoái chí khi hơn người khác
  • Có cảm giác buồn, khó chịu khi thấy mình thua kém người khác
  • Có cảm giác muốn dìm hàng người khác
  • Có hành động, lời nói đùa cợt, dìm hàng người khác
  • Có cảm giác hơn người
  • Có cảm giác bức bối khó chịu muốn xả ra
  • Có đòi hỏi với người khác
  • Có đòi hỏi với bất kỳ một đối tượng nào (kể cả đối tượng đó không phải là con người mà chỉ là đồ vật, sự vật, sự việc, hiện tượng…)
  • Có suy nghĩ, ý muốn đòi hỏi
  • Có trách móc giận hờn
  • Có cảm giác buồn khi không được chiều chuộng
  • Có hành động tự trách bản thân
  • Có hành động/suy nghĩ đổ thừa, bắt lỗi người khác
  • Không chấp nhận thực tế, khó chịu với thực tế
  • Cảm giác ở một trong 2 thái cực: quá hỉ hoặc quá bi, quá sướng hoặc quá khổ…
  • Thấy người khác sai, có lỗi với mình → cái thấy này là ảo tưởng chứ không phải chứng kiến

(Phần này em thấy còn nhiều dấu hiệu nữa, nhưng để em xem lại kỹ hơn rồi liệt kê thêm sau nhé chị ơi).

Làm sao để biết việc gì giúp cho “cái tôi” đi đến chỗ đoạn diệt? → Cái này em cũng dựa vào một số dấu hiệu như:

  • Không có cảm giác “cái tôi” đang lên (Điều này được hiểu là: Khi có cảm giác “cái tôi” đang lên thì chắc chắn có cái tôi rồi, còn khi không có cảm giác “cái tôi” đang lên thì chưa chắc là không có “cái tôi”, nhưng dù sao vẫn đỡ hơn là có hẳn luôn cảm giác)
  • Không thấy “cái tôi” đang lên (tương tự diễn giải ở trên)
  • Không thấy lỗi ở bất kỳ người nào khác hay đối tượng nào khác
  • Thấy lỗi sai ở mình nhưng không trách móc bản thân, chỉ đơn giản là quan sát cái nào sai thì sửa
  • Mở lòng
  • Chấp nhận thực tế (chấp nhận được hiểu là vui vẻ đón nhận, chứ không phải là chấp nhận theo kiểu cam chịu, vì không thay đổi được thực tế nên phải đành chịu)
  • Tôn trọng sự thật, tôn trọng thực tế
  • Không lấy ý mình làm chuẩn, không sống theo ý mình
  • Tôn trọng chứng kiến, sống với chứng kiến
  • Chấp nhận các cảm xúc tiêu cực hiện có, không tìm cách chối bỏ, trốn tránh, đánh giá, kỳ thị nó
  • Quan sát lại các cảm xúc tiêu cực, tìm hiểu ngọn nguồn và hóa giải nó
  • Ngừng việc đòi hỏi lại (trường hợp hệ thống chạy tự động đòi hỏi nhanh quá, thì quan sát lại nó và hóa giải nó)
  • Thả lỏng mình để trôi xuôi theo dòng chảy, không phản kháng, không chống đối
  • Ngừng việc đánh giá, phán xét người khác → vì đây chỉ toàn là ảo tưởng của bản thân, không hề đúng với thực tế

(Tạm thời em liệt kê trước một số dấu hiệu, phần này em cũng sẽ quan sát lại và bổ sung thêm sau ạ).

Theo em 2 nhận thức này: “Em chứng kiến người khác sai vai trò” và “Em chứng kiến hành động sai vai trò” giống nhau hay khác nhau? Nếu giống thì giống thế nào? Nếu khác thì khác thế nào?

À, theo em thì 2 nhận thức này là khác nhau.

“Em chứng kiến người khác sai vai trò” → tức là đối tượng em cho rằng em chứng kiến chính là người đó, và em chứng kiến họ làm sai vai trò. Lúc này những cảm giác của em sẽ xuất hiện hướng về đối tượng là con người đó.

“Em chứng kiến hành động sai vai trò” → chỗ này đối tượng em chứng kiến là hành động đó, và cái hành động như vậy trong bối cảnh như vậy là sai vai trò, chứ ko liên quan gì đến con người đang hành động. À khi chứng kiến hành động như vậy thì trong em sẽ không nổi lên những cảm xúc khó chịu với con người.