Trải nghiệm quy y ở Thiền Việt Thường Chiếu

Quy y ở thiền viện Thường Chiếu

Cũng là nhân duyên tốt, phải gọi là cơ may chứ ha.

Trước buổi sáng đó, vc mình đã định là đi xe máy, sau đấy, anh lại muốn đi xe hơi chung với N, nghĩ đến đi xe hơi ghé nơi này đón nơi kia là mình thấy ớn ớn trong người.

Mình nghĩ tới H, mình nhắn tin cho em ấy, hỏi xem em ấy có muốn đi xe hơi chung ko? hay là vẫn đi xe máy thì mình có thể ké theo ko. May sao e í lại còn gợi ý chở mình, chưa kịp mở lời nhờ vả mà đã được giúp đỡ, hihihi. Cảm ơn em nhá.

Thế là sáng đó mình đi bộ ra ngã tư hàng xanh đợi em í chở lên thiền viện. Vào đến thiền viện rồi, thì mình thấy mọi người đã tập trung ở đó, mình có thể nhớ được là Đ, QA, MH, T, AK, Vi, C T.

Chưa vội đến với mn, mình đi toilet, sau đó, đi ra thì đói bụng, may có a T với B mua chuối chiên với bánh tiêu. Mình ăn 1 cái chuối chiên, vừa ăn vừa đi đến chỗ mn. Đến nơi, thì H nhận 1 cái áo choàng của B, B đưa 1 cái cho mình. Mình ăn xong thì mặc áo. Trong khi đó, thì Đ nói với mn là giờ mình vào chỗ sư phụ, Đ làm gì thì mn làm theo.

Lúc này, mn cũng đủ rồi, có HT, thầy T, chỉ có xe N chở chồng mình, T, Thảo thì chưa tới. Mn vào khu vực đó, lần sau đó vào thì mình mới để ý dòng chữ là Phương Trượng.

Đi qua cổng là vào khu vực, có 1 dãy bàn ghế gỗ, bàn gỗ ở giữa, 2 dãy ghế gỗ ở 2 bên. Phía cuối có 1 cái bàn nhỏ, 1 cái ghế, và bức tường có bài kệ của Lục Tổ.

Mn đang đứng đợi sư phụ ra, một lát thì QA hỏi mình chị có giấy bút không cho em mượn, mình nói mình có bút, chứ ko có giấy, QA nói cũng được, chị cho em mượn bút. Mình lấy cây bút đưa cho QA, cây bút này lúc trc Đ tặng cho mình, của trường đại học bên Sing, cây bút bi nhưng khá đẹp trông giống bút mực. Mình cũng lục tìm xem có tờ giấy nào ko. Thì có 1 thầy đem giấy và bút tới cho QA. Lúc đấy, MH hỏi 1 ai đó đang đứng cạnh bên tay trái mình, chị có quy y ko? Người đó bảo là không. MH quay lại chỗ QA đang ngồi viết. QA hỏi Đ là ghi quê của bố hay quê của em. Chị T nói, ủa em và bố không cùng quê à. QA bảo dạ không, MH bảo em cũng vậy, em với bố không cùng quê. Đ bảo ghi quê của mình. Chứng kiến từ đầu như thế, lại thấy danh sách quy y, mình bảo, cho chị quy y nữa. QA bảo, dạ để em ghi tên cho chị, mình bảo, uh em ghi đi, mình đọc tên, năm sinh và quê quán.

Sau đó, sư phụ ra, mn lục tục kéo nhau lên phía trên, tự xếp thành 2 hàng 2 bên, mình để ba lô xuống 1 cái ghế, đi lên với mn. MN quỳ lạy Sư phụ. Sư phụ ngồi vào chỗ cái ghế và cái bàn nhỏ ngay bức kệ. 2 hàng người cùng ngồi xuống. Mình ngồi dãy bên tay trái, vị trí đầu tiên gần thầy nhất là chị T, tới Đ, tới QA, tới Vi, tới mình, HT, a T. Dãy bên kia, gần thầy nhất là H, M H, T, B, thầy T, A K.

Chị T nói chị là ***, sư phụ nói đây là đệ tử ***. Chị T nói Dạ. Sư phụ hỏi giờ chị ở *** phải không. Chị nói chị ở ***, chị vẫn đang tu với đạo tràng của thầy TH, đồng thời chị cũng đang tu với người chị em là TT đây. Sư phụ nói tốt, nơi đó giúp cho mình thì tốt.

Có 1 thầy mang nước cho sư phụ, đó là 1 cái tách màu trắng, trên 1 dĩa sứ cũng màu trắng. Sau đó, các thầy mang tiếp 2 mâm nước cũng giống như thế, đưa cho 2 bàn. Bàn mình thiếu 2 tách, thầy đó mang thêm 2 tách ra, mỗi người đều có 1 tách nước của mình.

Sư phụ khen 1 cư sĩ nam nào đó trẻ tuổi, tinh tấn tu, cũng có 1 đạo tràng. Sư phụ bảo, bây giờ ở thiền viện trưởng lão nhiều, không mở rộng được. Các đạo tràng nhỏ ở các khu đất, mở rộng được. Sư phụ nói tới Hoà thượng Ông không, có mở 1 thiền viện tên là Dưỡng Chân Kim Cang ở Vũng Tàu, và 1 hoà thượng khác có mở 1 thiền viện khác.

Đ nói có 1 bạn tên là QA phát tâm cúng dường trai tăng, Sư phụ nói, vậy là cúng trai tăng hôm nay hay ngày mai. Đ quay qua QA, em lựa chọn kìa. QA bảo con sao cũng được, hay là hôm nay. Sư phụ nói, mai đi, để ngày mai cho chỉn chu. QA và Đ dạ.

Chị T nói, thưa thầy, nhân dịp này con có nhận ra 1 điều nay con xin phép trình bày với thầy. Sư phụ, im lặng, chị T nói, khi con ở Việt Nam sự nghiệp, tiền tài, hạnh phúc cái gì con cũng có. Sau đó, con qua ***, thì mọi thứ mất hết, con phải làm lại từ đầu, con thấy hạnh phúc đó thay đổi, và vô thường, có rồi mất. Sau đó, con có tổ chức 1 sự kiện ở ***, đồng thời lúc đó con cũng đang tham gia 1 khoá học, con tình cờ nghe được 1 âm thanh phát ra, lúc đó con nhận ra tánh biết của con không có thay đổi. Lúc con ngủ say, tánh biết đó vẫn biết. Nhận ra như vậy, con cảm thấy rất là hạnh phúc. Nay con trình bày với sư phụ, mong sư phụ hoan hỉ chỉ bảo cho con đường tu. Từ đầu khi chị nói chị xin trình bày cho tới khi chị nói xong, Sư phụ không nhìn chị, nhìn thẳng, có khi nhắm mắt, rồi mở mắt. Sau khi chị nói xong, sư phụ bảo, theo môn quy, Sư ông đã ghi rõ trong sách, về việc này là không có xác nhận. Tánh biết là cái rỗng rang, biết ngửi, biết nếm, nó sờ sờ ra đó, từ các giác quan, biết nếm, biết ngửi, là kiểm chứng tánh biết đó. Cái tánh biết ai ai cũng có, chỉ có người biết, người không biết, người biết rồi thì có hằng sống với nó hay không. Cho nên ở đây không phải là vấn đề xác nhận, mà là làm sao hằng sống với nó, không quên.

Từ lúc nào trên tay sư phụ có tờ giấy tên người quy y. Sư phụ bảo, có *** người quy y, vậy có làm lễ xám hối không. Lúc đấy, mình hỏi là lễ xám hối và lễ quy y là khác nhau ạ? Sư phụ nói, thôi làm cả 2. Xám hối trước, rồi quy y. Sư phụ bảo mn lên Chánh điện, để các thầy chuẩn bị làm lễ xám hối và quy y. Rồi sư phụ đứng lên đi, mn đứng lên xá thầy rồi lần lượt mang cặp xách, ba lô, giày dép đi lên chánh điện.

Trên đường đi lên chánh điện, thì Đ quẹo phải dẫn mn đến 1 khu vực, trước đó có 1 cánh cửa đang khép, Đ bảo mn xá Sư ông từ bên ngoài là được rồi, vì không được vào trong. Sau đó, mn quay lại đi ra Chánh điện tiếp.

Trên đường ra chánh điện, mn nói quy y thì sẽ nhận giới, mình hơi băn khoăn, mình hỏi HT, giới tà dâm là sao. HT nói chị đừng lo, sư phụ sẽ giải thích từng giới cho mình, sau đó sư phụ sẽ hỏi mình nhận giữ giới nào thì mình nói, còn mình không giữ giới đó thì mình im lặng.

Ra đến chánh điện, mn bỏ giày dép ở dưới bậc thềm, bước vào. Có 1 thầy hướng dẫn bọn mình đứng vào vị trí, ai quy y thì đứng xích lên trên. Mình, và các bạn quy y đứng xích lên trên. Đ cũng hướng dẫn bọn mình đứng vào giữa. MN còn lại ở phía sau. Mình thấy, trời, sao hoành tráng vậy, có các sư mặc đồ nghiêm ngang, có áo choàng, có gậy,… lại còn 1 lát nữa sẽ phải lựa chọn giữ giới nào, mình thấy hồi hộp trong người.

Phía trước, rất to là tượng Phật Thích Ca màu vàng sáng choang, trên tay phải cầm 1 cây hoa sen cũng sơn vàng hết, tay trái ngài thì ngửa lên đặt trên đôi chân ngồi kiết già, cặp mắt thì mở, tóc xoăn thành các cục tròn. Trên kệ thờ thì có táo, rất nhiều trái táo xếp thành vòng tròn về chồng lên nhau. Bên cạnh chồng táo ấy là 1 cái chuông vàng lớn, có một vị hoà thượng trẻ tuổi mặc cà sa, đứng ở đó để cầm 1 cái dùi chuông cũng được bọc bằng vải màu vàng, cái dùi chuông này lớn cũng tương tự như cái chuông.

Sau lưng vị hoà thượng cầm dùi chuông, là khoảng trống, kế đến là 1 bộ bàn ghế, và có thêm 1 cái bàn nhỏ bên dưới bộ bàn ghế.

Một vị hoà thượng thắp nén hương lên bàn thờ Phật, đọc về giới hương, và một vị hoà thượng khác gõ chuông, mn lạy Phật.

(Sau đó, là đoạn xám hối mình không nhớ rõ lắm, bạn nào nhớ được gõ lại giúp mình nhé). Lúc xám hối, ngoài lúc lạy ra, mình không rời mắt khỏi tượng Phật Thích Ca.

Sư phụ xuất hiện, đi đến trước bàn thờ Phật Thích Ca, đọc tên 2 người quy y và pháp danh của từng người. Pháp danh của mình là Chơn **.

Sau đó, Sư phụ quay lại, ngồi vào bộ bàn ghế đã chuẩn bị sẵn. Có một vị khác, ngồi bệt dưới đất, sau lưng sư phụ, quạt cho sư phụ bằng 1 cây quạt màu nâu đen khá to. Khi ấy, vị hoà thượng lúc nãy hướng dẫn bọn mình đứng qua phía sư phụ, 3 đứa mình di chuyển qua phía sư phụ, quay mặt nhìn về sư phụ. Thì sư phụ mới nhắc và chỉ tay bọn mình là quy y tam bảo, hướng về tam bảo.

Nghe lời sư phụ, thân tâm mình hướng về tam bảo, mình quay mặt qua bên tượng Phật Thích Ca, lỗ tai thì nghe lời nói của sư phụ.

Đoạn này, mình nhớ tới buổi dạy của sư phụ vào chiều thứ 4 vừa rồi, và biểu hiện của sư phụ khi nghe chị T trình pháp. Tập trung vào bản thân, nhưng ko quên việc ở ngoài. Chỗ này mình cũng ko biết tả sao, mình thấy mình chỉ bắt chước sư phụ thôi. Mình thấy sư phụ làm sao, thì mình bắt chước như thế.

Nhắc tới buổi học chiều thứ 4, cũng thú vị.


Trưa đó, khi vào giảng đường, ổn định chỗ ngồi xong xuôi. Trên cùng là các dãy ngang dành cho Tăng, Ni, cách ra 1 khoảng trống, là các dãy ngang dành cho các cư sĩ không có tóc, dứoi cùng là các dãy ngang và các dãy dọc 2 bên dành cho các cư sĩ có tóc.

MN đồng thanh ngâm Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (3 lần). Sư phụ (lúc đó là Hoà thượng) nói, nghĩ tới các cháu nhỏ được ba mẹ ông bà dẫn đi chùa thật là niềm hoan hỉ. Nhớ ngày xưa, khi tôi lúc còn nhỏ cũng theo ông bà cha mẹ vào thiền viện, sau này vào thiền viện tu rồi, cũng ko biết là tu là để làm gì. Sư phụ dạy cho thanh quy, đơn giản, giờ nào việc đó, khi mình nấu cơm, thì huynh đệ khác lau kiểng… Cũng không cần biết hôm nay là thứ mấy, thứ 4 hay thứ 5, cứ tới thời lên học thì mình học, tới giờ làm việc thì mình làm việc. Tới giờ ngồi thiền thì mình ngồi thiền, sư phụ ngồi được 1 tiếng, mình ngồi được 10 phút không chịu được thì tự đi ra, không cần phải xin phép, hay la hét lên với sư phụ sao sư phụ ngồi được lâu, còn con thì không chịu được. Mình cứ đi ra. Phật pháp thì nhiều, giảng sao hết được, mình phải tự đọc kinh sách. Rồi sư phụ kể, sư phụ đi Tây Ninh, bước lên bậc thang, ở phía dưới các vị Phật tử hỏi sư phụ sau đó định làm gì, thì mình trả lời. Sau đó, đi về, phật tử chở sư phụ vào quán cơm chay Sala thì mình vào. Sư phụ nói, mình tu thì sẽ có các vị Phật thần hộ mệnh mình. Như sư phụ, hồi cuối năm 2024, khi đó tôi bước lên cái gậy chống vào mặt sàn, tôi bị té, đáng lẽ phải nặng lắm, mà không sao, cho nên mình tin là có Thần Phật hộ cho mình. Rồi sư phụ đọc 4 câu kệ trong bài giảng, rồi sư phu nói, như mình tu đâu có tiền bạc gì, nhưng chúng sinh khổ, đói, mình lại biết những Phật tử khác có điều kiện, cứ như vậy mà giúp đỡ chúng sinh…

Mình có 2 suy nghĩ khi mình tham dự buổi thứ 4 này, mình nghe hoà thượng kể, mà có khác gì những ông bà già khác, ba chồng, bà hàng xóm… kể chuyện đâu. Nhưng sao ở đây mình lại chủ động đi nghe, còn những người khác, thì mình ko có kiên nhẫn nghe??? Câu chuyện có gì khác đâu nhỉ. Thì mình thấy, à, mình có thể kiên nhẫn với mọi người mà, đâu có gì đâu.

Tuy nhiên câu chuyện của sư phụ kể thì khác với người bên ngoài kể 1 điểm. Sư phụ chỉ kể sự kiện, không kể ý riêng.

Ví dụ, như bà hàng xóm hay nuôi mèo kể, con mèo của tôi á cô, nó nằm ở đây nè, tự nhiên 1 thời gian nó chạy qua chỗ kia cô ha, nó ko có ở chỗ này nữa, mà tôi để ý trước đó mấy bữa cái ông Quân này á nha, là ổng hỏi tui có ngửi thấy mùi hôi không, cái mấy bữa sau con mèo nó ko nằm ở đó nữa cô, chắc là ổng quăng cái gì vô đó con mèo ko ở nữa, vậy đó cô ha, chắc ổng quăng thuốc trừ sâu á. Khác với cách kể của sư phụ, sư phụ kể cuối năm 2024 khi tôi đi lên … tôi chống cái gậy, cái đầu gậy tròn, sau đó tôi té, ngay chỗ này trên mặt…có một cái cốc Sư ông cho tôi, 1 năm tôi lên đó 1 lần…

Điểm khác này cũng gần với khái niệm chứng kiến mà đang học. Chứng kiến, tức là sự kiện đó phải đến từ sự thấy, nghe, thật sự từ giác quan của mình. Tôi nghe ABC, tôi đi lên sàn nhà, nếu hỏi tương lai của tôi thì dùng chứng kiến tương lai tôi trả lời, nếu hỏi quá khứ, tôi dùng chứng kiến quá khứ sự kiện đã xảy ra để trả lời,… không có ý riêng của sư phụ ở đây. Chỉ là sự tường thuật. Mình thấy đây chính là bài học mà sư phụ đang dạy. Chà, vậy là cái dạy của sư phụ là dạy bằng chính lối sống của sư phụ. Và lối sống đó thì chẳng có mục đích gì cả, thanh quy đề ra, 1h đến 2h30 thì lên giảng đường giảng dạy đồ chúng, vậy thôi. Có thể gọi là tuỳ duyên, nhưng cũng không phải là tuỳ duyên mà mất mình. Mình nghĩ, vậy pháp tu ở đây là như vậy à, có thể tóm gọn bằng chữ gì nhỉ? Thì lúc đi ra cửa, mình thấy có 1 tảng đá to dựng ở trên đường đi “Tâm bình thường là đạo”, à thì ra pháp tu ở đây là tâm bình thường. Cảnh làm sao thì mình làm vậy, trông như hoà vào cảnh, tuân thủ cảnh, nhưng có cái biết, cái quan sát, biểu hiện là sống và tường thuật ra mà không xen ý của mình vào.

Tuy nhiên, mình cũng còn thắc mắc nha, ủa, nếu cứ như thế, thì chỉ sưu tập những người thuần thành, tuân thủ… cứ vậy thì đi đến đâu? có giải thoát được ko nhỉ?

Sau đó về, thì mình cũng có để ý mình, coi mình có ý riêng, có mục đích…cũng có ráng thực hành chỉ tường thuật thôi, ko có ý riêng, ko có ý định, ko có mục đích… thấy cũng ko dễ nha. Thì ra bình thường ý riêng quá trời luôn. Vậy giờ sao ta? Thôi thì chưa biết thì mình bớt nói lại trước đi ha. Sáng thứ 6, khi Hoài chở mình, trên đường nói chuyện với H, sao hôm nay mình thấy khác ghê. Mình thấy những điều bạn nói, ủa sao những gì bạn nói nó đúng và sáng suốt dữ vậy ta. Lúc đó, mình thấy, cái nhoi nhoi trong mình, kết luận và có ý riêng tá lả hiện lên, nhưng nó ko chi phối mình, mình thấy đó là cách mà quá khứ mình sống, mình dẹp nó qua, khi này mình mới nghe được bạn, mình thấy hay lắm, lúc này mình mới thấy được cái lý của bạn. Mình mới bảo, trời ơi, may ghê, trước khi tới buổi học hôm nay được em chỉ cho những điều này, giống như được khai sáng trước khi đi học vậy đó.

Rồi khi đến gặp sư phụ, khi thấy sự xuất hiện của sư phụ, tự trong mình có cái gì đó mình cũng chẳng rõ, kiểu nó cứ muốn bắt chước ấy. Lúc sư phụ nghe chị T, là rõ nhất, tập trung vào bản thân, và ko quên việc bên ngoài, hoặc là tuỳ duyên nhưng ko để mất bản thân, hic, đại ý mình cảm vậy, chứ chỗ này mình chẳng biết nói sao. Mình thấy nói sao thì nó cũng thành công thức, khó giải thích, nó tuỳ việc ấy, nhưng lại ko quên cái lõi, cái lõi ấy phải giữ, nhưng ko phải là nhắc mình phải giữ, mà là ở chỗ lõi đó mà hành động, lõi đó là mình, là chính mình. Nhưng mà nó lại ko nhợt nhạt với bên ngoài, kiểu đóng kín chẳng còn biết gì bên ngoài nữa thì lại không đúng lắm. Nó lại phải rõ ràng bên ngoài, mà giữ gìn ở bên trong. Còn khi mà ko rõ ràng ở bên ngoài, mà bảo là giữ gìn ở bên trong là lại thành ra giữ ý niệm ở trong đầu (đoạn này mình chưa rõ), lúc này mình sẽ bị bỏ lỡ ở bên ngoài, nhưng mà phải nhớ nha, chứ ko nhớ là thấy quên.


Sư phụ đọc từng lời xám hối, mỗi lời khoảng 3 lần, đến chỗ chữ đệ tử, thì mình tự đọc tên mình vào. Xám hối những tội lỗi từ vô thuỷ mình đã gây ra, dù cho là vô tình hay cố ý.

Sư phụ nói lễ xám hối đã xong, bây giờ là lễ quy y. Sư phụ giảng Quy y tam bảo, là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Quy y Phật rồi thì không đoạ địa ngục nữa, Quy y Pháp rồi thì không đoạ ngạ quỷ nữa, Quy y Tăng rồi thì không đoạ bàng sanh nữa. Đọc 3 lần. Rồi sư phụ giảng, ngoài quy y tam bảo bên ngoài, mình phải quy y tam bảo ở bên trong, giữ gìn Phật bảo ở bên trong mình. Bây giờ, mình quy y xong rồi thì chưa phải là xong, mà mình phải thực hành theo lời Phật dạy. Lời Phật dạy dành cho cư sĩ tại gia là giữ 5 giới. Sư phụ đọc từng giới, và giảng. Về giới không sát sanh, đó là ko hại mạng người, ko xúi dục người khác hại mạng người. Không có những tà hạnh, cư sĩ phật tử thì theo quy luật cuộc sống, có gia đình, giữ gìn giới hạnh trong gia đình. Giữ giới về lời nói. Giữ giới không có trộm cắp, lấy đồ của người khác. Về ăn chay thì cư sĩ không ăn chay trường được, thì chọn lựa ăn vào 2 ngày 15 mùng 1. Giữ gìn giới không uống rượu, các chất xì ke ma tuý làm tàn hại con người của mình. Khi mình có lễ nghĩa phải tiếp rượu, thì mình tiếp, nhưng nếu để say sưa thì đó ko còn là lễ nghĩa nữa. Còn khi mình bệnh cần phải dùng thuốc có rượu, thì mình sẽ nói trước là dùng vì thuốc chữa bệnh, sau đó sẽ không dùng nữa.

Sau khi giảng, sư phụ nói, sư phụ sẽ đọc từng giới, và hỏi có nhận giữ giới này không, nếu có thì mình trả lời có, nếu không thì mình im lặng.

Sau khi nhận giới xong, đọc Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, rồi sư phụ nói bây giờ bọn mình đã là đệ tử rồi, thì thường xuyên về thiền viện, giữ gìn liên hệ. Sư phụ kêu bọn mình từng người lên nhận bằng, lúc này mình mới quay qua nhìn sư phụ. Sư phụ kêu mình lên, đọc tên pháp danh mình là Chơn **, sư phụ bảo là Minh Tâm Kiến Tánh, lúc đó sư phụ cười tươi ơi là tươi, mình cũng cười tươi dữ lắm, nhận tấm hình to quá trời, đóng khung kính, còn tờ giấy chứng nhận quy y giống như 1 tấm bằng có in tên mình, tên pháp danh, năm sinh và quê quán, và 1 quyển sách nhỏ về Quy Y Tam Bảo.

Xong rồi mn giải tán, quay lại, mình thấy chồng mình, Thảo, Tâm nhỏ, Nhật, và anh Hùng đến từ khi nào. Mình đưa hình Đức Phật cho chồng mình cầm. HT bảo ủa sao hình của mình là Đức Phật, mọi người đó giờ đều là hình Quan Âm. Mình nói ủa vậy hả? Mình cũng ko nhìn thấy hình của mn.

Sau đó, 1 nhóm đi trước với Đ thì mất tích đâu mất, thế là nhóm còn lại là tụi mình đi vào chỗ ăn cơm trưa. Có 1 cậu bé, mình nhận ra cậu bé này bữa thứ 4 có đi học, ngồi ngay trước mình. Cậu bé đó bảo chồng mình để hình Đức Phật Thích Ca lên bàn, chỗ đó có tượng Phật nhiều tay, chồng mình định để hình Phật nằm xuống như để quyển sách. Thì cậu bé ấy bảo là, dựng đứng lên, để ngay chính giữa. Để xong mình thấy sao giống để cho mn lạy vậy, hồi mình có mang được về nữa không. Mình bảo, lát chị mang về được không? Được chứ, của chị mà. Trong mình có 1 cảm giác rất là vui, vui đến nỗi mình không ăn được cơm, nhưng sợ đói nên mình đã ăn hết 1 chén, mình chan canh vào ăn cho nhanh, sau đó ăn bưởi, và uống sữa.

Khi ăn xong, Đ dẫn mn đi đâu đó, mình gởi ba lô cho chồng mình, rồi mình đi wc. đi wc, mình mang giày xong, đang xếp dép lại. có 1 vị hoà thượng đi lại nói với mình là đừng làm nữa, cô đi ăn đi, mình bảo mình ăn rồi, vị hoà thượng đó lại nói, cô lên chánh điện đi, mình bảo mình mới quy y rồi, vậy cô thành công rồi, vâng, quy y Phật thoát khỏi địa ngục, quy y Pháp thoát khỏi ngạ quỷ, quy y Tăng thoát khỏi bàng sanh, và quy y phật pháp tăng ở trong mình, uh nhưng cô phải luôn thức tỉnh, ko để quên đó, dạ.

Rồi B gọi cho mình, bảo là mn đang ở chỗ bữa thứ 4 học. Mình ra đó, trên đường đi mình cứ thắc mắc, ủa sao quy y lại là thành công nhỉ? bộ quy y là khó lắm hay sao? Nãy mình còn bảo Thảo với Tâm nhỏ là quy y chỉ cần ghi tên vào tờ giấy thôi mà.

Ra đến giảng đường, thấy mn ngồi thành vòng tròn, không gian mát mẻ, nền nhà sạch sẽ. Mình chen vào ngồi giữa chồng mình và MH, mình nghe Đ đang hỏi mn, có ai thấy khác ko? Khác gì nhỉ? Giữa những người trước khi vào đây xuất ra, và chúng ta, mục đích cuộc sống khác hay giống nhau? Mình thấy là ko khác, chỉ có ng xuất gia thì họ biết mục đích, còn chúng mình thì lại ko biết về mục đích đó. Có chị T, và MH là đang thấy khác nhau, còn lại mn thì nói là bản chất mục đích là giống nhau. Chị T có kể 2 tình huống 1 người là thị giả của sư ông, tại sao xuất gia, và 1 người khác là rất thành công và còn đang có đứa con 2 tuổi nhưng cũng đi xuất gia. Thì ngừoi đó trả lời là họ đã thấy những người đạt được thành công cao hơn rồi, nhưng họ đâu có hạnh phúc. Nên họ đi tu là để đi tìm hạnh phúc. Đ nói sửa lại phần chị T nói 1 chút, không phải là bên ngoài này mình đạt được hạnh phúc rồi lại mất, mà là bản thân mình không có tự hạnh phúc.

Đ nói tiếp các vị tăng thì tinh tấn hơn, vì họ sợ địa ngục. Còn mình thì sao? mình tin là mình không xuống địa ngục. Đó là một tà kiến, nên mới nói mn phải bổ túc về chứng kiến tương lai.

QA có kể trải nghiệm của bạn ấy, là gần đây bạn ấy xem rấtt nhiều clip về địa ngục, và các trạng thái cận tử, bạn ấy kể sau khi chết thì mình sẽ thấy 1 luồng ánh sáng trắng, nếu mình theo luồng ánh sáng ấy thì mình sẽ đến cõi Phật, nhưng lúc ấy mình lại không tin là mình đã chết, nên mình sẽ không vào, mà ở lại sau đó 5,6 ngày mình thấy mọi người không phản hồi với mình, thì mình mới tin là mình đã chết, sau đó sẽ có các cánh cổng khác mở ra, vào cõi người, địa ngục, ngạ quỷ bảng sanh…tổng cộng 7 cửa nhưng bạn không nhớ hết. Nhưng lúc ấy, mình không có ý thức như bây giờ, mà toàn bộ là vô thức quyết định. Mà em gần đây có thấy vô thức của em là muốn hành hạ bản thân, do vậy em thấy đoạn đó chắc chắn vô thức sẽ đẩy em vào cửa địa ngục để hành hạ mình. Cho nên với em thì em thấy việc mình không tin mình sẽ vào địa ngục là không đúng. Vi bổ sung, với lại mình có chắc là từ giờ đến già, mình không có làm việc gì tày trời không.

QA kể tiếp 1 câu chuyện trong kinh, em ấy bảo em ấy không nhớ, rằng Đức Phật bảo có 1 đại dương rộng lớn, trên đó có 1 khúc gỗ, trên khúc gỗ có đục 1 cái lỗ. Có con rùa, xác xuất con rùa chui đầu được vào cái lỗ đó còn lớn hơn việc được tái sanh làm người.

Đ nói, mình có chắc được là từ những kiếp khác mình không làm điều ác không? Nói về luân hồi, thì chúng ta đã luân hồi nhiều đến nỗi, những người ở đây, chưa có ai chưa từng làm mẹ của mình.

Sau đó, Đ nói như các anh đàn ông, có liên hệ giữa trí tuệ và thành đạt trong sự nghiệp ko? Rồi Đ hỏi mn có thấy Phật là người thành đạt không? mn thì bảo là có, lúc đấy mình lại ko thấy Phật là người thành đạt, mà là ngừoi giác ngộ. Đ nói ví dụ như đây là 1 business đi, có business nào sau 2500 vẫn còn tồn tại, thành công và uy tín như thế này không? Đăng chỉ vào cây cột nhà bằng gỗ, như tụi mình muốn mua được 1 cây cột này thôi, hoặc mua 1 mảnh đất rộng như thiền viện này có được ko, vậy là sư ông có cả 200 cái như thế này.

Cuối cùng, sau khi nhóm của T, A K, MH có việc về trước, thì nhóm ở lại có nói về vấn đề Động lực tự nhiên hay cần làm cho lớn dần lên.

Sau đó, cũng 2h mấy thì phải, Đ nói mn vào lễ thầy rồi về, giờ này chắc là vào được. Vậy là những người còn lại, đi vào lễ thầy. Đi ngược vào mình mới thấy chữ Phương Trượng ngay cổng.

Cũng là lần đầu tiên vào phòng thầy, trong đó có chị T, Đ, HT, B, ai nữa, thì hết chỗ, mn quỳ từ ngoài cửa trở ra. Ngay cửa là có mình và chồng mình, sau lưng là những bạn khác.

Chị T đảnh lễ thầy, rồi tới HT. Sư phụ cũng dặn dò gì đó, xong rồi mn lễ thầy rồi đi ra, một vài người ở lại xin sư phụ vật phẩm gì đó. Cuối cùng cả nhóm đi ra ngoài ngay cửa có chữ Phương Trượng, rủ nhau chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.

2 Lượt thích

Up tấm hình quy y, tờ giấy này gọi là giấy chứng điệp.

Bạn nào thấy mình nhớ sai chỗ nào, hoặc thiếu thì bổ sung giúp mình nha :smiling_face_with_tear:

1 Lượt thích

Cái đoạn mà, giới nào mình giữ, thì sau khi sư phụ đọc xong, mình sẽ nói là Mô phật, con xin giữ. Chứ không phải trả lời là Có :slight_smile:

Bạn nhận ra được điều gì sau khi viết tường thuật lại như trên?

1 Lượt thích

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho mình nhá.
Sau khi mình viết lại thì mình thấy là nếu những gì trong đời sống hàng ngày mà mình có để tâm thì mình mô tả lại rất dễ.
Nhưng mà mình lại đặt niềm tin vào ý nghĩ của mình, nên là mình chỉ để tâm phiên phiến thôi, rồi để mặc cho ý nghĩ của mình nó tổng hợp và nhớ một cách tổng quan.
Khi này, mình viết lại nó sẽ khó khăn hơn, và không chính xác.
Tóm lại mình thấy trong mình có trao quyền cho ý nghĩ tổng hợp nhận định, thành một câu, một đoạn văn về cuộc sống, nên khi mô tả ra mình sẽ khó khăn và ko đúng.

LÝ QUY Y TAM BẢO
Lý quy y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng sẵn có trong mỗi chúng sinh.

Kinh chép: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh…”. Phật tánh là gì? -Tức là trí giác sáng suốt của mỗi người. Mặc dù chúng sinh sẵn có trí giác, nhưng đã lâu bị si mê phiền não che lấp nên không hiển lộ, như mây mù che mặt nguyệt, như bụi phủ dày đặc trên mặt gương. Giờ đây quy y Phật là tự diệt phiền não, phá si mê để trí giác hiện này, như vạch mây mù cho thấy trăng sáng, lau sạch bụi để lộ mặt gương.

Muôn vật ở giữa đời này thiên hình vạn trạng, nhưng đều chung một bản thể. Như nhìn vào tiệm vàng thấy bao nhiêu món đồ trang sức bằng vàng, hình thức khác nhau, nhưng chung quy vẫn là một chất, chất vàng. Đã đồng một chất vàng thì giá trị bình đẳng như nhau, nếu đồng cân lượng. Hình thức vàng: vòng, cà rá, xuyến … luôn luôn đổi thay, nhưng chất vàng không khi nào thay đổi. Hình thể sự vật là biến thiên, bản thể của nó là chân thật. Hình thể có lớn, nhỏ, tốt, xấu khác nhau, nhưng bản thể thì bình đẳng. Bản thể ấy gọi là pháp tánh. Người lóng tâm an tịnh để khế hợp pháp tánh, gọi là quy y Pháp.

Bản tâm mỗi người vẫn hằng thanh tịnh, nhưng vì vọng thức quay cuồng nên thành ô nhiễm. Như nước, tánh vẫn là trong, vì sóng gió cuồng loạn nên trở thành ngầu đục. Giờ đây chúng ta chặn đứng vọng thức để tâm trở lại thanh tịnh, đó là quy y Tăng.

Tóm lại, Lý quy y Phật là phát huy trí giác sẵn có của mình. Lý quy y Pháp là nhận chân bản thể của các pháp. Lý quy y Tăng là dứt vọng để tâm được thanh tịnh.

Giáo lý nhà Phật lúc nào cũng giữ tính cách trung đạo và viên dung. Người quy y Tam Bảo không phải hoàn toàn ỷ lại nơi Phật, Pháp, Tăng bên ngoài, mà phải trực nhận Phật, Pháp, Tăng nơi mình sẵn có. Ngược lại, cũng không tự cao Phật, Pháp, Tăng sẵn có của mình, mà vẫn kính trọng tôn sùng Tam Bảo bên ngoài. Biết viên dung cả hai mới gọi là chân chính quy y. Tuy nhiên, Lý bao giờ cũng tuỳ sự mà hiển, nên phải đặt Sự trước, Lý sau. Như đứa học trò trước phải nhờ ông thầy chỉ dạy sau nó mới hiểu biết, đành rằng nó đã sẵn trí khôn. Do đó, Sự là vấn đề quan trọng cần hiểu đủ mọi mặt của nó.

Trích từ quyển sách Tam Qui Ngũ Giới - HT. Thích Thanh Từ.