5 Nhận thức có được từ chứng kiến
- Tai nghe thấy tiếng gió thổi, mắt nhìn thấy cành hoa đung đưa
- Thân cảm thấy đói bụng
- Nghe được tiếng vợ gọi điện nói muộn rồi sao chưa về nhà
- Có 1 suy nghĩ nổi lên rằng mình không có nhiều tiền
- Nghe được tiếng mình đang nói lớn tiếng với con
5 Nhận thức có được từ việc không chứng kiến
- Gió thổi làm cành hoa đung đưa
- Mình đang đói bụng, mình phải đi kiếm cái gì đó để ăn
- Vợ đang bực bội vì việc mình về nhà trễ
- Mình đang lo lắng về tài chính, về sự thành công của bản thân, mình phải làm gì đó để kiếm thêm tiền
- Mình đang bực bội với con, mình đang la con, mình muốn con phải làm theo ý mình, mình muốn con ngoan và nghe lời mình.
Vì sao bạn biết nhận thức này nằm ở nhóm chứng kiến (nhóm A) hay nhóm không chứng kiến (nhóm B)
Những nhận thức có được từ sự chứng kiến là những nhận thức mình trực tiếp cảm nhận được bằng các giác quan của mình, nó rất đơn giản và trực tiếp, nó không đi qua một màng lọc hay một bộ giải mã nào hết. Còn những nhận thức có được từ sự không chứng kiến là những nhận thức mình không trực tiếp cảm nhận được mà phải thông qua một trung gian như là được người khác mô tả lại hoặc là những kiến thức mình học được mà mình lại không có trải nghiệm về nó. Những nhận thức đến từ sự không chứng kiến cũng có thể đến từ những chứng kiến trực tiếp của mình, tuy nhiên nó lại đi qua một bộ lọc, một bộ giải mã đã tích luỹ trong mình để hình thành nên một kết luận khác so với cái mình trực tiếp chứng kiến. Ví dụ mắt mình thấy cành hoa đung đưa, tai nghe thấy tiếng gió thổi, đó là những chứng kiến trực tiếp của mình, nhưng khi nói “gió thổi làm cho cành hoa đung” đưa lại là một nhận thức mà mình không chứng kiến, nó có thể là một dự đoán, một suy luận của tâm thức, nó đi qua một màng lọc là những kiến thức mình đã được học trong quá khứ chứ mình không trực tiếp cảm nhận được nhận thức đó.
Thân mình cảm nhận được cơn đói, đó là một nhận thức trực tiếp do chứng kiến mà có, tuy nhiên khi nói mình đang đói bụng thì nó không còn là một nhận thức trực tiếp nữa, nó là sự không chứng kiến, mình không chứng kiến được việc mình đang đói bụng, mình chỉ chứng kiến được cảm giác đói bụng mà thôi.
Có rất rất nhiều suy nghĩ đến và đi trong tâm mình hằng giây, hằng phút, hằng giờ. Bản thân mình trực tiếp cảm nhận được nhưng suy nghĩ này, đó là sự chứng kiến. Tuy nhiên nếu mình bị những suy nghĩ này cuốn mình đi rồi nó đi qua rất nhiều lớp màng lọc, bộ giải mã, những quan niệm kiến thức mình đã có được trong quá khứ rồi tạo ra những kết luận, cảm xúc khác thì đó lại là những nhận thức từ sự không chứng kiến. Trong ví dụ trên, có một suy nghĩ nổi lên là mình không có nhiều tiền thì đó là 1 suy nghĩ và giác quan ý cảm nhận được nó, nhưng từ suy nghĩ này nó tạo nên những nhận thức khác nhưng là mình đã 30 tuổi rồi mà vẫn còn bấp bênh, mình chưa có nhà, chưa có xe trong khi bạn bè đã thành đạt, bản thân mình là một kẻ thất bại, chưa làm được gì, rồi mình tự buồn, tự dằn vặt, tự đau khổ, tự bực bội với những nhận thức đó, trong khi nó chỉ là cái mà tâm mình tự phỏng chiếu ra.
Khi đọc yêu cầu của bài tập này. Như thế nào là đọc trong chứng kiến. Như thế nào là không?
Đọc trong chứng kiến là chỉ nhìn mặt chữ mà không đọc bằng não, không hiểu nội dung, vì như vậy thì mới đọc bằng giác quan là mắt, còn nếu mắt nhìn chứ, ý đọc được nội dung và hiểu nó thì đó không còn là chứng kiến nữa.