Cảm nhận buổi học bổ túc

Sau buổi bổ túc vừa rồi, có nhiều điểm mà trước đó mình chưa rõ nhưng chưa quan tâm để làm rõ, và cũng chưa biết là mình chưa rõ. Đầu tiên là quan sát và chứng kiến. Đúng là hai cái này dễ nhầm lẫn, vì cũng đều là biết rõ cả, chứng kiến cũng biết rõ, quan sát cũng vậy, nhưng khi nghe qua thì mình thấy nó khác nhau, nhưng khác nhau như thế nào thì mình lại chưa rõ, rõ ràng là mình vẫn còn sự nhầm lẫn giữa 2 đối tượng này. Nhìn lại thì thấy mình chứng kiến được sự quan sát. Vậy rõ ràng quan sát là một hành động mà được mình chứng kiến, còn chứng kiến là một trạng thái luôn có sẵn, và chứng kiến được sự quan sát đó. Lúc đó, mình ồ thì ra là vậy, và như bừng sáng sự rõ ràng. Chứng kiến như bao hàm sự quan sát, nên chứng kiến được sự quan sát. Và đúng là quan sát lúc có, lúc không chứ không phải lúc nào cũng có, khi nào có ý muốn quan sát không thì thôi, có tác ý. Còn chứng kiến như là nền, luôn tồn tại, có sẵn, không lúc nào mất đi, không cần tác ý, theo mình như hình với bóng, giống như mở mắt, hay bật đèn lên để thấy.

Đến đoạn, GV hỏi vậy sự khác nhau của chứng kiến và quan sát là gì? không hiểu sao lúc đó trong mình có sự xúc động, lạ ghê. mình thấy giống như mình đã bỏ quên, không quan tâm đến chứng kiến. Dạng như kiểu có 1 người luôn kề cạnh không rời, nhưng mình lại không quan tâm, bỏ bê, lãng quên, không trân trọng, quan tâm 1 đối tượng nào đó khác, mình có cảm giác có lỗi sao sao. Và rồi mấy ngày nay mình thấy có cảm giác lấn cấn về những điều mà mình chứng kiến trong cuộc sống, điều mình thực sự chứng kiến là gì đây? Đơn giản khi mình tiếp nhận một thông tin qua tai từ đối tượng nào đó. Thì điều mà mình thực sự chứng kiến đó là gì? và cái nào là do mình giải mã, do mình hiểu dựa trên hệ thống nhận thức của mình? ví dụ ý nghĩa 1 câu nói đơn giản là “trưa nay con có về ăn cơm không?” thì ý nghĩa của câu nói này mà mình hiểu thì đã là kết quả của quá trình xử lý qua hệ thống nhận thức của mình rồi, chứ có phải mình thực chất chứng kiến từ đối phương không? tai là từ mình, giải mã âm thanh cũng từ hệ thống nhận thức của mình, chứ không phải ý nghĩa từ đối phương. Ví dụ: như khi đang nói chuyện với một người nào đó. mình chứng kiến bằng tai là cái gì? âm thanh của đối tượng phát ra, như tần sóng, và qua hệ thống dữ liệu mình giải mã ra ý nghĩa, khái niệm, …mình không chứng kiến ý nghĩa của câu nói đó trực tiếp từ đối tượng đó. Nhưng mình lại nhầm lẫn là chứng kiến ý nghĩa đó từ đối tượng đó, ý người đó nói là như vậy, nhưng thực chất ý hiểu được giải mã theo hệ thống nhận thức của mình. Từ hình ảnh như thế nào, đẹp xấu, cao to, thì đều là từ nhận thức của mình, chứ không chứng kiến trực tiếp từ đối tượng đó. Đối tượng đó cơ bản là giống nhau sao, bản chất như là mật mã, tín hiệu và mình hiểu nó, gỉai mã nó dựa trên hệ thống nhận thức của mình. Nhưng vì sao mình lại nhầm lẫn như vậy? một nhầm lẫn cực kỳ lớn với mình. Nhìn lại, mình thấy hình như do nằm trên nhau, nên mình không phân biệt, và nhầm lẫn là từ đối tượng đó. Giống như chứng kiến là mặt gương, và thông tin mình giải mã, giải nghĩa ra là hình ảnh được thấy trong gương. Nếu như mặt tấm gương to không giới hạn, không nhìn thấy được giới hạn của khung gương thì mình có phân biệt được là có mặt gương, và thông tin được ghi nhận trên gương không? hay nhầm lẫn là một, chắc chắn là nhầm lẫn. Giống như bây giờ mình đang nhầm lẫn,hic…Vậy cái mình chứng kiến trực tiếp đối tượng đó là gì, là cái nhỏ nhất, như là mã code để hợp thành và mình hiểu nó như vậy thôi. Vậy điều đó có nghĩa là gì? sự yêu thương, ghét bỏ, thích không thích, ganh tị, đố kỵ, xem thường, tôn trọng đó là những tính chất từ hệ thống nhận thức của mình đã được thu thập từ trước. Nó giống như là phản ánh chính hệ thống nhận thức của mình ra. Vậy sự nhầm lẫn của mình là gì. Mình đã không thực sự quan tâm đến chứng kiến, không xem trọng điều mình chứng kiến, nên không thấy rõ điều mình thực sự chứng kiến là gì? đâu là gốc, đâu là kết quả do quá trình xử lý, nên sống sai. Nhầm lẫn này đã dẫn đến hàng loạt ứng xử sai lầm khi tiếp nhận thông tin, như mình trách móc, giận hờn một đối tượng nào đó, đồng nghĩa với việc mình trách móc hệ thống nhận thức của mình nhưng không hay, vì nghĩ điều đó là do đối tượng đó ra, chứ không thấy là do hệ thống nhận thức mình đã được xây dựng như vậy, nên mới thấy người đó không hiểu mình, và có nhu cầu muốn người đó phải hiểu mình. Mà thực chất là nhờ thông tin đó giúp mình hiểu rõ về mình hơn, hiểu rõ về hệ thống nhận thức của chính mình về thông tin đó như thế nào? Có đúng với thực tế không? và tự nhiên mình có sự thân thương, yêu thương với những thông tin đó, vì nó là của mình, kết quả của mình, chứ không phải từ đối tượng nào cả. Giống như là con của mình, dù nó xấu xí hay đẹp, thì cũng là con của mình, và yêu thương nó, chứ không ghét bỏ nó. Nhớ lại có đoạn bữa aQ nói chuyện trong lớp học, mà mình thấy như mình đang nói chuyện với chính mình, nói chuyện với chính hệ thống nhận thức của mình, để mình tự rõ về điều đó, chứ không phải từ ảnh. Và rồi hôm qua đang chạy xe ngoài đường, mình có nhu cầu làm rõ nhận thức và nhận biết, và mình thấy hai cái này khác nhau, mà trước mình có sự nhập nhằng, nhầm lẫn mà không hay. Ví dụ như thấy chiếc xe chạy ngoài đường, nghĩ rằng hình ảnh chiếc xe chạy ngoài đường là do mình chứng kiến, nhưng hình ảnh đó được quy ước dựa trên hệ thống nhận thức, hiểu biết của mình. Còn chứng kiến/nhận biết là nền tảng trong suốt, như mặt gương, còn hình ảnh hiện lên trong gương là nhận thức của mình về đối tượng được chứng kiến đó, ví dụ như hình ảnh cái ghế, chiếc xe được thấy qua gương,… Tất cả những gì mình hiểu, giải mã đều là từ hệ thống nhận thức của mình, giống như 1 đứa con nít mới sinh ra, nó có biết đây là cái bàn, cái điện thọai không. Không, nhưng nó vẫn thấy đó, nhưng không có hình thành khái niệm, quy ước cho đối tượng nào. Tất cả thông tin mình ghi nhận, hiểu về thế giới này đều là do từ hệ thống nhận thức của mình ra, dù có nhận thức như thế nào đi nữa là cũng từ mình, đúng sai, xấu tốt cũng đều từ mình, vui buồn, thích không thích, yêu thương, ghét bỏ cũng đều từ hệ thống nhận thức của mình. Nên nhận thức có thể có đúng, sai, còn nhận biết thì không, như là mặt gương, không có đúng sai, chỉ là như thế thôi.

Quay lại nội dung buổi bổ túc, có điều mà mình hơi khựng là quan sát trong chứng kiến, quan sát trong cảm nhận. Mình cũng dễ nhầm lẫn giữa hai đối tượng này, nhờ những ví dụ mà mình phân biệt rõ ràng hơn. Quan sát trong chứng kiến không có kết luận, đánh giá, phán xét gì cả, mà chỉ là đơn thuần là quan sát, không có chen bất cứ ý gì vào, giống như là trả lại đúng nó là vậy, không biến nó méo mó gì theo ý của mình, mà lạ lắm, bữa thực hành với T, khi quan sát trong chứng kiến thì mình cảm nhận có sự trân trọng, tôn trọng nó là vậy, không có bất cứ sự đánh giá nó như thế nào, hay gì cả. thì mình trực sự yêu thương, trân trọng, mà sự yêu thương này nó tự nhiên lắm, như sự tinh khiết. Và cái không có kết luận, đánh giá là cái kết quả hoàn toàn tự nhiên có được khi mình chỉ thực sự quan sát và biết rõ kết quả đó nhận được từ giác quan nào, chứ không phải là cố gắng quan sát trong chỗ không có kết luận, đánh giá vì như vậy cũng là đã có kết luận, đánh giá, có kết luận là không có kết luận. Còn quan sát trong cảm nhận có khi mình cũng nhận được sự dễ chịu, nhưng dễ chịu đó coi chừng đó là theo ý mình, mình biến nó theo ý mình và phù hợp ý mình nên mình cảm nhận sự dễ chịu hoặc không đúng ý mình thì mình sẽ thấy chán, vì không thấy có điều gì thú vị theo ý mình muốn, hoặc mình đã biết nó rồi, chán. Quan sát trong cảm nhận là không quan sát trực tiếp đối tượng đó, mà thông qua cảm giác, cảm nhận của mình về đối tượng đó, có thể trích xuất từ ký ức, từ kinh nghiệm, trải nghiệm, trước đó về đối tượng. Việc của mình là tìm ra chỗ nào là chỗ sống không sống trong chỗ kết luận, làm rõ nó để sống chủ động chứ không để tuột hoặc hên xui.