Cảm nhận sau buổi học Chứng kiến - 13.11.2023 - Juli

Kết thúc ngày học đầu tiên, trong đầu mình đã có một vụ nổ big bang diễn ra, liên hoàn suốt từ khi ra về cho tới tận 2 ngày sau đó. Nói là liên hoàn vì nó nối tiếp nhau không hồi kết, vụ nổ này kéo lan qua vụ nổ khác, mình để mặc cho nó banh chành luôn. Như một đoạn phim quay chậm, quay lại 36 năm qua, mình trở về lại từng khoảnh khắc sự kiện diễn ra trong đời mình.

Ngày nọ, mình khóc hết nước mắt khi nghĩ Ba Mẹ không muốn sinh mình ra trên đời, chỉ là vì lỡ phải đi tìm một thằng đích tôn nên buộc phải sinh mình ra để thử vận may. Mình đau như vậy cho một thứ mình nào có chứng kiến.

Tháng khác, mình vật vã vì nghĩ nhân viên không tôn trọng mình. Vật vã như vậy, cho một thứ mình nào có chứng kiến.

Năm nọ, mình trách móc vì bạn bè không chia sẻ vì chưa đủ tin tưởng mình. Bao nhiêu dằn vặt cho một thứ mình nào có chứng kiến.

Cảm giác như mình đi qua một cánh cổng thời gian, từng tấm gương vỡ vụn, vì mình nhận ra tất cả chỉ là ảo ảnh. Là thứ mình muốn tin, muốn thấy chứ không phải là thứ mình tận mắt chứng kiến. Mình đã bần thần rất rất lâu. Còn bên trong lòng thì như một toà thành sụp đổ, hoang tàn, vụn vỡ. Rồi mình tự nhiên trào nước mắt, vừa chua xót, vừa buồn cười vừa hân hoan mừng rỡ.

Xoay quanh bài học chứng kiến và không chứng kiến. Mình viết lại 3 điều lưu lại trong tâm trí mình lâu nhất, như những mũi khoan, như những cơn lốc xoáy vẫn đang không ngừng cuộn trào trong tâm trí:

Thứ nhất,
Mình tận mắt chứng kiến bằng các giác quan quý báu: mắt - mũi - tai - lưỡi - thân – ý. Cái gì mình chứng kiến sẽ rất rõ ràng cụ thể. Mình có sự tự tin, sự chắc chắn, sự mạnh mẽ vững vàng để chia sẻ về nó. Ngôn từ sẽ vô biên, lại nhất quán, từ tổng quan cho tới chi tiết mình sẽ tỏ tường. Mình không có nhu cầu tranh cãi đúng sai, không có nhu cầu ai đó phải đồng thuận với mình. Mình biết nó là được.

Ngược lại, cái gì mình không chứng kiến thì mình chỉ có thể lặp lại, bị giới hạn trong những thông tin được nguồn cung cấp, bị ấp úng khi đi vào chi tiết, bị trước sau bất nhất vì phải nhớ. Khi không chứng kiến, mình hay có nhu cầu, người khác phải thấy đúng giống mình, đồng thuận với mình, hùa theo mình để mình gia tăng thêm tính xác thực của lời mình nói.

Mặc dù, thực lòng mà nói, mỗi khi như vậy, trong tôi sẽ có một tiếng chuông báo hiệu 1 hồi ngắn, rằng không phải sự thật 100% đâu. Vậy mà lắm khi ham hư danh, ham quyền lực, ham giá trị, tôi cố tỏ ra mình rất chắc chắn về nó bằng những ngôn ngữ vô cùng hùng hồn. Tôi tỏ ra mình biết tuốt, sắc sảo và thông minh.

Trong số những thứ không chứng kiến, cái bản thân mình hay dính bẫy nhất là suy đoán/ suy diễn, tưởng tượng/ảo tưởng. Cá nhân tôi, mặc dù lắm khi rất tự ti về bản thân, nhưng chả hiểu sao lại hay ảo tưởng sức mạnh rằng những suy đoán của mình là sự thật. Có A, có B, mình quan sát tốt vậy thì kết quả C là chính xác rồi. Đoán đúng lần 1, lần 2, lần 3… tôi dần u mê rằng, những gì mình đoán là sự thật.

Hôm nay tôi còn nhận ra một chuyện rất hệ trọng: thứ mình chứng kiến là thực tế có tính chất thời điểm, chứ chưa chắc đã là sự thật. Ví dụ: tôi thấy hình ảnh con gái tôi cầm 500k ra khỏi ví tiền của tôi. Chưa chắc sự thật là con gái tôi lấy trộm tiền. Trời ơi, đã tự chứng kiến mười mươi rồi mà thực tế đó còn chưa chắc là sự thật. Vậy thì những thứ mang tên suy đoán/suy diễn/ tưởng tượng/ ảo tưởng… tuổi nào mới tới lượt có thể là sự thật.

Thứ hai, Chứng kiến người khác

Sau khi dùng các giác quan làm bài tập chứng kiến người khác và chứng kiến bản thân. Tôi như không thể tin được vì quá bất ngờ với khám phá thông qua bài tập này đưa mình đến với một nhận thức đùng đùng: rằng mình không tài nào, không thể nào chứng kiến được ý của người khác. Có muốn cũng không làm được. Mình chỉ chứng kiến được ý của bản thân mình mà thôi.

Mọi suy nghĩ theo mô tuýp, A cư xử với mình vậy là A không tôn trọng mình. B nói với mình vậy là B không yêu thương mình. Tất cả đều chỉ là ý của mình nổi lên những suy đoán qua bộ vi xử lý chằng chịt quy ước định nghĩa của cá nhân mình, chứ không phải mình chứng kiến ý của người khác. Đã không chứng kiến thì chắc gì đã là thực tế, càng không chắc gì đã là sự thật. Sao mình lại cho nó là thật như thế.

Rồi trong u mê đó, mình để bản thân mình khóc cười, vui sướng, hạnh phúc khổ đau theo những suy đoán. Trời ơi, bao lâu nay mình như đang trầm luân trong một vở diễn buồn cười. Như người say, như người mù mà cứ tưởng mình thấy hết, biết hết. Hoá ra thứ đày đoạ mình là mình tự đoạ bằng ý của mình, chứ không phải ý của người. Cái làm mình đau khổ không phải sự thật mà là ảo tưởng suy đoán là sự thật, ý mình là ý người.

Thứ ba, Chứng kiến bản thân
Cũng trong bài tập chứng kiến bản thân, Tôi chứng kiến ý mình nổi lên rằng: “Mình đang chứng kiến bản thân, vậy mình và bản thân đang được chứng kiến là một hay là hai, rốt cuộc bài tập là chứng kiến bản thân, vậy ai đang chứng kiến bản thân?”

Tới đây chúng tôi đã ít nhiều bị sự tò mò thôi thúc, chạy theo suy nghĩ, đi tìm câu trả lời, là cái này hả, là cái kia hả? Cuối cùng nhờ sự hướng dẫn của Đăng, tôi được thực hành một việc đơn giản mà vô cùng ý nghĩa, đó là tập trung chứng kiến.

Đăng có đưa một ví dụ: mình nhìn thấy một chiếc xe màu đỏ chạy qua, mình cứ tiếp tục quan sát chiếc xe màu đỏ, chứ đừng chạy theo nó. Vậy là tôi à ra, và quay về với chứng kiến. Tôi tiếp tục quan sát những ý nổi lên, quan sát những ý rời đi.

Tôi nhận ra, trong chứng kiến có định. Muốn chứng kiến cần định. Mình tập trung tập trung và tập trung, quan sát quan sát và quan sát. Cứ chú tâm quan sat trước đã, nâng cao khả năng quan sát vào vùng tối đó, với hi vọng những sợi tơ sẽ dần rõ ràng hơn để biết tháo gỡ từ đâu.

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân khi tháo gỡ những vấn đề trong kinh doanh và cuộc sống hàng ngày. Tôi nhớ mình cứ quan sát làm rõ vấn đề, càng rõ thì càng dễ tháo, mình cứ bình tĩnh đào sâu đối diện rồi trong vấn đề sẽ tự sáng tỏ giải pháp. Tôi có niềm tin rằng, với hộp đen tâm trí của mình, cũng tháo gỡ tương tự.

Những phút cuối lớp học, mình đã không kìm được mà thốt lên thành lời: “Ủa sao bữa giờ mình sống sai dữ vậy trời.” Tới đây tôi nhớ lại một câu chuyện lấy đi của tôi rất nhiều nước mắt và sầu muộn, thương tổn.

Mấy năm trước, sau khi có Giun, hiểu được việc sinh con nuôi con vất vả như thế nào, tôi dần dần hình thành tình yêu thương dành cho Ba Mẹ sinh thành mình. Tại sao phải hình thành, vì tôi từ nhỏ tới lớn không ở với Ba Mẹ, không được gần gũi dạy dỗ chuyện trò yêu thương. Tôi hình thành sự hiếu thảo vì nghĩ đây là việc mình phải làm gương cho con cái.

Tôi nghĩ tới cả cuộc đời vất vả của Mạ tôi, bầu rồi đẻ, trẻ thì nuôi em, lớn thì nuôi con, gìa phải nuôi chồng bệnh. Cả một đời quẩn quanh kiếm tiền chứ không biết hưởng thụ là gì. Tôi nghĩ tới Ba tôi, đón hết đứa con gái này đến đứa con gái khác trong lời dèm pha của hàng xóm, mớm cơm chăm từng đứa một qua hết tuổi thơ ngu dại sâu răng gãy tay, chưa kịp hưởng thụ thì đã đột quỵ phải ngồi xe lăn. Bao nhiêu gian khổ trong đời, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật đều phải trải qua…. Rồi tôi nguỵ biện với bản thân, tôi tự lý giải với mình: Ba Mạ thương mình, mà thương theo kiểu thể hệ trước. Ba Mạ mình đáng thương hơn là đáng trách, Ba Mạ mình như vậy là phi thường quá rồi, nuôi cho ăn học thành người rồi, còn đòi hỏi gì thêm nữa.

Cứ vậy tự nhủ: Ba Mẹ thương mình. Mình cũng yêu thương Ba Mẹ.

Mãi tới một ngày cách đây 5 tháng, tôi đi qua 1 bước ngoặt lớn trong tâm trí. Đó là nhìn thật sâu vào lòng mình, đối diện với những tổn thương của mình, thành thật với chính mình rằng: Mình là đứa trẻ Ba Mạ lỡ đẻ nên phải nuôi mà thôi, chứ không muốn sinh ra mình. Chỉ là trong quá trình đi bòn thằng đích tôn thì mình xuất hiện trên đời. Mình đối diện rằng, Ba Mạ không xót xa trước những buồn vui sướng khổ của mình, ngay cả khi mình kiệt quệ trở về sau một cuộc chia tay ngươi chồng gắn bó mình 8 năm dài. Mình nhớ lại mình đã tổn thương như thế nào khi ăn 1 cái tát giáng trời, dù mình đã cố gắng học giỏi, chăm ngoan, mình vẫn không được yêu thương xem trọng như thằng con trai của Ba Mạ. Mình nhớ lại cảm giác đêm ngồi ôn thi ráng cho đậu đại học để rời thật xa căn nhà này. Mình nhớ lại năm 15 tuổi, mình đã buồn tới mức muốn nhảy từ trên lầu xuống vì phân biệt trọng nam khinh nữ.

Đêm đó, mình đã để cho những ẩn ức trào lên, rồi mình ôm ấp những tổn thương xưa cũ. Ôm áp trái tim yếu đuối mỏng manh của mình. Lần đầu tiên mình chịu đối diện sự thật rằng: Ba Mạ cũng không yêu thương mình gì đâu, chỉ xem mình là công cụ, chỉ xem mình là lót đường để thằng con trai ra đời thôi.

5 tháng qua, mình không nói chuyện với Ba Mạ. Mình để thời gian chữa lành trái tim mình. Mình cho phép mình không cần phải thương Ba Mạ, cần gì thì giúp, kêu gì thì làm cho tròn chữ hiếu. Không ép mình phải yêu thương họ nữa.

5 tháng mình dành tâm từ vỗ về chính mình trước, cho bản thân được thở, lặng lẽ chờ khi nào trái tim mình sẵn sàng thương Ba Mạ lại thì thương. Chứ không ép mình phải làm con ngoan người tốt nữa. Mình cứ tưởng mình đã can đảm dám nhìn vào vết thương lòng những ẩn ức mình trốn tránh chôn chặt từ lâu. Mình đã bước ra khỏi vùng ảo tưởng, nguỵ biện trước đây về hình ảnh Ba Mạ mình. Mình tưởng vậy đó!

Cho tới khi đi học về chứng kiến.
Mình nhận ra, thứ mình lý lẽ xây dựng trước đây rằng Ba Mạ thương yêu mình chứ, cũng không phải là mình chứng kiến, không phải thực tế, cũng không phải sự thật.

Cả thứ mình đang nghĩ là sự thật nhìn thẳng vào chấp nhận rằng Ba mạ không yêu thương mình, cả điều này cũng không phải là mình chứng kiến, không phải thực tế, cũng không phải sự thật luôn.

Cả cái trước lẫn cái sau đều không phải là thứ mình chứng kiến, càng không phải ý Ba Mạ, cùng lắm thì nó là ý của mình, suy đoán của mình. Mình tự suy đoán, tự khóc tự cười, tự tổn thương tự vật vã, tự chữa lành, tự đối diện, tự can đảm. Tóm lại là tự biên tự diễn trên một điều mình không chứng kiến.

Mấy hôm nay trái tim mình, đầu óc mình như quá tải một lượng thông tin từ quá khứ đến hiện tại, giống như một vụ nổ lớn trong lòng làm đảo lộn lại nhiều điều mình đã tin chắc. Và tới giờ, vụ nổ dây chuyên đó vẫn đang chưa dừng lại.

2 Lượt thích

Bạn viết: “Trong số những thứ không chứng kiến, cái bản thân mình hay dính bẫy nhất là suy đoán/ suy diễn, tưởng tượng/ảo tưởng.”

  1. Tại sao mình lại hay dính vào bẫy của suy đoán, tưởng tượng/ảo tưởng?
  2. Làm sao để mình thoát khỏi bẫy này?