Cảm nhận sau buổi học thiền chứng kiến buổi 1_11.11.23

Lần đầu thấy thông tin về khóa học “thiền chứng kiến”, suy nghĩ đầu tiên nổi lên trong mình là, mình đã học về chứng kiến rồi, không muốn học nữa, mình không muốn nhìn vào cái thực tế bản thân mình đang có nên tìm thật nhanh ra những lý do để lướt qua thông tin về khóa học thậm chí ngày học ở tháng 11 mà mình cũng nghĩ ra được là đã qua tháng 11 rồi, khóa này đã diễn ra rồi. Và thế mình không quan tâm đến nữa, cũng như không quan tâm mình có đang sống trong chứng kiến hay không.

May mắn thay, sau đó mình được một cô bạn rủ đi học, giờ mà từ chối liền thì hơi xấu hổ với sự lười của mình, hơn nữa mình cũng muốn có một sự đổi mới, dù chỉ là một chút thì cũng nên cho bản thân mình cơ hội để thay đổi. Sau ít phút suy nghĩ, cái quyết định đăng ký đi học của mình đã được diễn ra, tuy ban đầu có chút miễn cưỡng nhưng sau hơn 1 tiếng đồng hồ lân la vào Thiền Việt Nam xem các status và 1 buổi livestream, cùng với việc nhớ lại những lần nói chuyện gần đây với Thảo Koro, động lực học tập bên trong mình được tăng lên vùn vụt. Mình cảm thấy nơi đây có một sức hấp dẫn mạnh mẽ vì có cái mình đang thiếu, đang cần.

Vậy là mình háo hức chờ đợi đến ngày được đi học với hi vọng ít nhất cũng mang đến những làn gió đổi mới trong cuộc sống của mình.

Rồi mình đến lớp học với một tâm lý thật tốt, “có vẻ” sẵn sàng cho sự khai mở, là “có vẻ” thôi, và phải để trong ngoặc kép, vì thực tế trong lớp học mình nhận ra sự hiểu biết hạn chế của mình về “chứng kiến”, tất nhiên hạn chế thì mới đi học nhưng mình nhìn thấy một vấn đề lớn hơn là, mặc dù mình có sự vận công, nhắc nhở mình suy nghĩ dữ dội lắm, vì tính ra mình học ptbt cũng nhiều năm rồi, phải học hành nghiêm túc chứ, bề ngoài là vậy nhưng bên trong đôi khi mình cảm thấy bế tắc, trơ lì, mình thấy mình không muốn hiểu về chứng kiến vì hiểu rồi thì phải sống trong chứng kiến, tôn trọng những gì mình chứng kiến.

Mình nhớ đến những câu nói của Đăng và thầy Quý trong lớp học. Và trên đường chạy xe về nhà mình đã nghĩ đến vấn đề của mình, nếu sống với sự nhận biết rõ đâu là điều mình chứng kiến / không chứng kiến thì mình có lợi / hại gì? Rồi mình rà soát, nhìn lại những chuyện đã từng xảy ra với mình, những lúc mình mang tâm trạng / cảm xúc không tốt đều là do mình nhầm lẫn điều mình không chứng kiến với điều mình chứng kiến, và xảy ra nhầm lẫn không hẳn do mình không biết đâu là điều mình chứng kiến / không chứng kiến mà do mình muốn như vậy, phải như vậy thì mới thỏa mãn cái tôi của mình, điều này có thể mang đến cho mình những cảm xúc tiêu cực như: Khó chịu, tức giận, bức xúc, buồn…. Nhưng thỏa mãn cái cảm giác mình là người hiểu biết, quyền năng, tài giỏi vì mình biết cả những gì ở bên trong người khác.

Như trong chuyện tình cảm mình chỉ chứng kiến được những dấu hiệu người khác yêu / không yêu mình, mình không chứng kiến được tình cảm người khác dành cho mình. Nhưng mình không chịu điều này, phải đưa ra một kết luận người kia yêu / không yêu mình thì mình mới chịu. Ok, vậy mình có thể chứng kiến có một kết luận của mình về tình cảm người đó dành cho mình, mình có thể chứng kiến có một kết luận người đó yêu / không yêu mình ở trong mình. Nhưng mình không chịu đây là chứng kiến của mình, vì chứng kiến của mình thì có thể đúng / sai so với sự thật, mình phải đúng, không thể sai được, mình không chấp nhận việc mình sai nên mình không chịu, đây không phải là điều mình chứng kiến mà là sự thật…. Vậy nên mình đau khổ, nhưng trong đau khổ cũng có cái đã nha, đã vì cái cảm giác mình là người biểu biết, biết rõ được tình cảm của người khác, thấu rõ được bên trong người khác…. Và cũng vì nhìn thấu được người khác nên đau khổ, thực ra mình đau khổ là vì cái tôi của mình, để cái tôi chi phối thì không bao giờ tránh được khổ đau. Đây là một vòng tròn. Và khi mình có sự nhận biết rõ ràng đâu là điều mình chứng kiến / không chứng kiến, vòng tròn này tự biến mất. Thật kỳ diệu, mình không ngờ chỉ cần sáng rõ điều mình chứng kiến / không chứng kiến đã cho ra kết quả thần kỳ đến như vậy. Người mình như nhẹ đi mấy chục kg, không gian xung quanh mình trở nên thật bao la, rộng lớn, sáng rõ (dù trời thì đã tối ^^) và đầy tự do bên trong mình. Lúc này mình chứng kiến có cảm giác tự do, sướng, đã bên trong mình, không còn cái cảm giác nằng nặng mà mình hay mang nữa ^^… Mình cảm thấy nghiền và tiếp tục hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra để xem đâu là điều mình chứng kiến / không chứng kiến, từng nút thắt trong những mớ bòng bong dần được tháo gỡ, mình thấy mọi vấn đề mang đến những cảm xúc tiêu cực đều từ mình mà ra, mình tự thêu dệt và vẽ ra rồi diễn vai là nạn nhân, nhiều khi đã thấy mình sai rồi còn cố chấp, không muốn thay đổi và tiếp tục làm mình làm mẩy, ăn vạ dưới một hình thức khác. Trong đó, có 2 yếu tố hay đứng ra cản đường mình, thứ nhất là cái tôi như mình đã nhắc ở trên, thứ 2 là cảm giác mình đúng / sai, nhiều lúc mình biết mình sai nhưng mình không muốn mình sai, mình không chấp nhận mình đã sai nên mình cố tình tìm mọi cách để chối bỏ, để có cảm giác là mình đúng. Tại sao mình lại muốn mình đúng và sợ mình sai như vậy? Đúng sai là bình thường mà. Mình thấy do mình nhầm lẫn đúng/sai là mình. Ở đây mình chứng kiến mình có một việc làm, việc làm này có thể đúng/sai, việc làm này không phải là mình, nhưng mình lại nhầm tưởng việc làm này là mình, và nếu việc làm sai / đúng thì mình sai / đúng. Mình không có chứng kiến mình sai / đúng nha. Mình chỉ có thể chứng kiến những việc làm của mình, hành động của mình, lời nói của mình, cảm xúc của mình, cả những quyết định của mình, suy nghĩ của mình…. Mình có thể chứng kiến những gì bên trong mình và cả bên ngoài mình thông qua các giác quan. Mình thấy những điều mình chứng kiến còn nhiều hạn chế vì phụ thuộc vào các giác quan của mình, điều kiện, môi trường,… Và nhiều lúc thấy vậy nhưng không phải vậy. Nhưng quan trọng hơn hết là mình biết rõ mình chứng kiến/ không chứng kiến điều gì để sống trong sự tự do, rộng mở, không bị những ràng buộc, đóng khung, hiểu nhầm, mặc định.

CHỨNG KIẾN / KHÔNG CHỨNG KIẾN

Mình chứng kiến lời nói từ người khác. Mình không chứng kiến ý người khác muốn nói.

Mình chứng kiến người khác nói lớn tiếng với mình. Mình không chứng kiến người khác có ý chửi mình.

Mình chứng kiến những việc làm của người khác không tốt đối với mình. Mình không chứng kiến người khác gét mình.

Mình chứng kiến mình có nhận thức người khác yêu/ gét mình. Mình không chứng kiến người khác yêu / gét mình.

Mình chứng kiến có một đánh giá bản thân mình tệ/ giỏi bên trong mình. Mình không chứng kiến mình tệ / giỏi.

Mình chứng kiến có một nỗi buồn bên trong mình. Mình không chứng kiến mình buồn.

Mình chứng kiến mình có một việc làm sai trái. Mình không chứng kiến mình sai trái.

Mình chứng kiến nhiều người nói Beethoven, Mozart là thiên tài âm nhạc. Mình không chứng kiến Beethoven, Mozart là thiên tài âm nhạc.

Mình chứng kiến có ánh sáng mặt trời vào ban ngày và không có ánh sáng mặt trời vào ban đêm. Mình không chứng kiến trái đất quay quanh mặt trời.

1 Lượt thích

Mình chứng kiến có một nỗi buồn bên trong mình. Mình không chứng kiến mình buồn. bạn nói rõ hơn chỗ này được ko?
Có trạng thái mình buồn hay không? nó khác như thế nào với có một nỗi buồn?
chứng kiến nỗi buồn đó bên trong mình: bên trong mình là như thế nào, bên ngoài mình là như thế nào ha, sao bạn biết nó bên trong mình? nó tác động lên cái gì đó của mình nên biết là trong mình à

1 Lượt thích

Bạn viets: "Và cũng vì nhìn thấu được người khác nên đau khổ, thực ra mình đau khổ là vì cái tôi của mình, để cái tôi chi phối thì không bao giờ tránh được khổ đau Đây là một vòng tròn. Và khi mình có sự nhận biết rõ ràng đâu là điều mình chứng kiến / không chứng kiến, vòng tròn này tự biến mất. "

  1. Cái tôi chi phối ở đây là gì?
  2. Tại sao lại có hiện tượng nhận nhầm những điều mình không chứng kiến là sự thật?
    3.Tại sao khi bạn phân biệt rõ chứng kiến và không chứng kiến thì lại có sự thay đổi?
1 Lượt thích

Bạn viết: “Mình chứng kiến có một đánh giá bản thân mình tệ/ giỏi bên trong mình. Mình không chứng kiến mình tệ / giỏi.”

  1. Chứng kiến mình tệ/giỏi thì có gì khác với chứng kiến có một đánh giá bản thân mình tệ/giỏi?
  2. Làm thế nào để bạn có thể phân tách được giữa đối tượng mình và cái đánh giá mình?

“Mình chứng kiến có một nỗi buồn bên trong mình” → Khi nhìn vào nội tâm của mình mình thấy có nỗi buồn. Mình có thể thả trôi mình theo nỗi buồn này, gọi là “mình đang buồn”, hoặc mình có thể tách nỗi buồn ra, đứng một bên và quan sát nỗi buồn, lúc này mình không dính với nỗi buồn.
Có trạng thái buồn đó là khi mình đang buồn, là mình để cho cảm xúc buồn hòa cùng với mình. Có một nỗi buồn là mình thấy một nỗi buồn bên trong mình, mình có thể đứng ngoài nỗi buồn, quan sát nỗi buồn (không buồn) hoặc có thể hòa với nỗi buồn (để mình theo cảm xúc buồn).
Bên trong mình là bên trong nội tâm của mình, mình không dùng mắt để nhìn được mà phải dùng ý, cảm nhận, người bị mù cũng thấy được. Còn bên ngoài thì mình cần dùng mắt để thấy.

Khi bạn chứng kiến có một nỗi buồn bên trong và bạn thả trôi bạn theo nỗi buồn này thì khác gì so với trạng thái “mình đang buồn”?

  1. Cái tôi là hình ảnh của mình, là cái nhìn của mình về mình. Cái tôi chi phối là vì mình muốn mình có hình ảnh đẹp, ví dụ muốn mình có hình ảnh tài giỏi, hiểu biết…

  2. Theo mình, có hiện tượng nhận nhầm những điều mình không chứng kiến là sự thật vì mình muốn nhìn theo mong muốn của mình, mình không tôn trọng điều mình chứng kiến.

  3. Khi mình phân biệt rõ chứng kiến và không chứng kiến thì có sự thay đổi vì mình thấy được mình chứng kiến điều gì, không chứng kiến điều gì.

Theo mình khác ở chỗ, khi mình chứng kiến có một nỗi buồn bên trong và thả trôi theo nỗi buồn thì mình có trạng thái “mình đang buồn” nhưng mình có sự chủ động, là chủ động để cho mình buồn, chủ động để mình sống trong nỗi buồn và cũng có thể chủ động tách mình ra khỏi nỗi buồn, đứng bên ngoài nỗi buồn.

Khi mình đang buồn thì mình không tách ra được hả bạn?

  1. Mình thấy mình chỉ chứng kiến được mình có một đánh giá bản thân mình tệ / giỏi, mình không chứng kiến được mình tệ / giỏi vì thực tế mình chỉ thấy được 1 đánh giá hiện lên bên trong mình là mình tệ / giỏi, mình không thấy là mình tệ / giỏi. Mình cũng chưa thấy được cái mình luôn, chưa nói đến việc mình tệ / giỏi.

  2. Mình đã trả lời câu hỏi: Mình thấy gì ? Khi đó mình thấy có một đánh giá, còn cái “mình” thì mình chưa thấy, bởi vậy mình tách ra.

Mình cũng có thể tách ra nếu mình muốn.

Vậy thì mình chứng kiến có một nỗi buồn và mình đang buồn khác nhau chỗ nào? làm sao để không nhầm lẫn cái này là cái kia?

Mình thấy mình chứng kiến có một nỗi buồn và mình đang buồn là giống nhau, và khác nhau là khác nhau ở chỗ mình chứng kiến, mình có chứng kiến có một nỗi buồn trong mình không? Để không nhầm lẫn thì mình trả lời câu hỏi: Mình thấy gì? Mình thấy “có một nỗi buồn trong mình” hay mình thấy “mình đang buồn” ? Nếu thấy “mình đang buồn” thì nói rõ hơn về cái “mình” có được không? Cái mình thấy là “một cảm xúc buồn” nên mình cảm thấy buồn hay cái mình thấy là “mình đang buồn”?

Bạn cho ví dụ và phân tích trên ví dụ đó được không? hoặc một tình huống trong cuộc sống tương tự như vậy.