[Hoài] Bài tập & cảm nhận buổi 1

  • Làm bài tập:

  • Liệt kê 5 nhận thức mình có được từ chứng kiến (giống hộp A)

  1. Mình đang ngồi ở quán cafe
  2. Cái điện thoại của mình đang để trên bàn
  3. Mình đã mua con chuột máy tính ở đường CMT8
  4. Trên mặt mình có nhiều tàn nhang
  5. Trưa nay mình ăn cơm với trứng luộc
  • Liệt kê 5 nhận thức mình có được từ không chứng kiến (giống hộp B)
  1. Trái đất quay quanh mặt trời
  2. Nhà thơ Tố Hữu là một nhà thơ yêu nước
  3. Lớp NLSH tuần này có 4 người
  4. Trái tim con người có 4 ngăn
  5. Đức Phật là bậc toàn giác

Bổ sung:

  1. Vì sao bạn biết nhận thức này ở nhóm chứng kiến (nhóm A) hay nhóm không chứng kiến (nhóm B) → ở nhóm A là mình trực tiếp nhìn thấy đối tượng, mình chắc chắn 100% mình có thể trả lời mọi câu hỏi về nó. Còn nhóm B là mình không trực tiếp nhìn thấy đối tượng mà mình biết nó thông qua trung gian.

  2. Khi đọc yêu cầu bài tập này, như thế nào là đọc trong chứng kiến, như thế nào là không?

  • Đọc trong chứng kiến: hiểu đúng trên câu từ của câu hỏi, không suy diễn thêm.
  • Đọc trong không chứng kiến: đọc câu hỏi và thường có xu hướng phân tích, tìm hiểu động cơ người hỏi, dự đoán và trả lời theo kết luận mà mình dự đoán.

Câu hỏi quan trọng: sao bạn biết là bạn đang chứng kiến mà không phải là không chứng kiến?

Chứng kiến là cái thấy của trí tuệ, không thông qua suy nghĩ

  • Bài cảm nhận buổi 1:

“Mẹ nói mà mẹ đã chứng kiến chưa? mẹ có chứng kiến được trong lòng con như thế nào không sao mà mẹ nói? mẹ không hiểu con!”. Cái từ “chứng kiến" nó ấn tâm mình nhiều nhất có lẽ là thông qua con gái mình mỗi khi mà mình kết luận về nó trong một vấn đề nào đó. Có lúc thì mình đùa nhưng cũng có lúc mình không muốn chấp nhận là mình đang không chứng kiến khi đưa ra những kết luận mang tính quy chụp cho con mình. Cái từ “chứng kiến" cũng đã trở nên quá quen thuộc với những màn “đấu khẩu" của 2 mẹ con. Thường là mình sẽ xin lỗi con ngay sau khi con hỏi hoặc sau khi mình đã bình tâm trở lại. Vì rõ ràng mình đã suy luận vấn đề dựa trên cơ sở không có chứng kiến mà. Rồi từ hôm đi học đến giờ, từ “chứng kiến" tự dưng nó lại trở thành một tiêu chuẩn trong ứng xử, trong nhìn nhận của mình với tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Bằng một cách nào đó, nó ghim tự nhiên vào đầu mình. Mỗi một chuyện xảy ra mà mình có thể ý thức được thì tự động nó sẽ có một cái nhìn lại tiếp sau là nhận thức này, kết luận này mình đã chứng kiến chưa. Mình bỗng trở nên dè chừng hơn với những gì mình nhìn nhận, mình phân tích, kết luận. Một câu hỏi luôn hiện ngay sau đó là: mình đã chứng kiến điều đó chưa? mình có thật sự chứng kiến nó không? Kể ra nó cũng thật lợi hại, khi câu hỏi tự động hiện ra thì lập tức cái khó chịu nó cũng tan biến. Vì mình phát hiện ra là mình không chứng kiến với những kết quả tư duy này.

Đôi lúc trong mình cũng phát sinh sự chống đối lại với cái gọi là chứng kiến, việc kết luận theo ý mình nó cũng đem lại một sự thỏa mãn nào đó nên khi câu hỏi “mình có thực sự chứng kiến không?” nổi lên mình lơ đẹp nó, mình tắt nó đi. Nhưng sau cái thỏa mãn đó nó cũng làm cho mình mệt mỏi lắm. Khi nhìn bằng con mắt chứng kiến, mình xử lý được vài vấn đề nho nhỏ trong cuộc sống của mình, cái ứng xử của mình với mọi người nó cũng bớt nặng nề hơn. Chí ít là với con gái mình, cũng lâu rồi nó không có cơ hội đặt cho mình cái câu hỏi “ mẹ đã chứng kiến chưa mà nói". Mình tự thấy mình không nên “bắt nạt" con mình, không ỷ vào cái thế nó lệ thuộc tình cảm mình mà chơi trò ăn hiếp nó. Nghĩ lại, mình cảm thấy mình hèn hèn sao đó. Vậy là tự nhiên mình bỏ hẳn. Mà con mình nó cũng ngộ ghê, nó học chứng kiến xong nó áp dụng cho mình, còn mối quan hệ bên ngoài thì lại không chứ!

Chứng kiến là thấy biết như thật, là phản ánh lại đúng những gì mình thấy, không thêm thắt, không suy nghĩ. Rồi mình đặt ra câu hỏi rộng hơn cho mình. Vậy chứng kiến thật sự quan trọng như thế nào? Không chứng kiến thì có được không? mình lại nhìn ra được một cái mặc định bên trong mình, mình đã có một kết luận là sống trong chứng kiến thì cuộc đời này tẻ nhạt biết bao nhiêu. Cái mặc định này không phải mới xuất hiện mà nó xuất hiện từ rất lâu rồi. Đó cũng là nguyên nhân mình chống lại việc làm rõ thêm về chứng kiến. Mình đã có kết luận rồi. Trong cuộc sống của mình, có vô vàn thứ mình đã kết luận rồi và cứ ứng xử dựa trên cái kết luận đó. Mình đã đóng khung như thế rồi mình không có nhu cầu biết thêm sự thật là như thế nào nữa. Với mình đó đã là sự thật.

Nói chung là nguyên một ngày học xong mình cảm thấy nhức đầu, mình mệt mỏi và có chút bấn loạn. Tại sao cái chủ đề này, những khái niệm này có xa lạ gì với mình đâu. Thế nào là chứng kiến? thế nào là tưởng tượng? thế nào là ảo tưởng? mình vẫn xài nó hàng ngày, mình xài thuần thục và hợp hoàn cảnh lắm cơ mà! sao giờ hỏi nó là thế nào thì mình lại đực mặt ra vậy? vậy là mình đã thực sự rõ ràng thông suốt những khái niệm mình đang sử dụng chưa? kêu cho một cái ví dụ mình còn cảm thấy khó khăn nữa là. Một cảm giác chạy xẹt ngang qua là mình không muốn chấp nhận điều này. Mình đang tìm hiểu lại những điều cơ bản nhất, là những thứ chẳng xa lạ với mình mà hôm đó mình lại cảm thấy nó thật xa lạ, xa lạ vì mình đã trả lời không trơn tru, mình không tìm ra được ngôn từ biểu đạt điều mình muốn nói. Mình lại nghĩ, ủa mà sao mình phải đi tìm hiểu mấy khái niệm này để làm gì nhỉ? tìm thì sao mà không tìm thì sao? rõ thì sao mà không rõ thì sao? tóm lại là vì sao phải tìm? Câu hỏi nó tự chạy ra rồi để yên đó chứ mình cũng không cố gắng dùng lý trí để trả lời. Mình cảm giác làm như vậy mình sẽ mệt và cũng chẳng mang lại kết quả gì cho mình cả. Đã đến rồi thì học, thế thôi! Nói chung chủ yếu là mình vẫn còn cái niềm tin rằng chương trình này không bao giờ vô bổ với mình. Chỉ có điều mình đón nhận nó với thái độ nào mà thôi. Mình dám xác quyết là như thế.

Mình theo dõi mọi người trao đổi với nhau trên group, rồi cuối cùng chứng kiến đơn giản hay phức tạp đây? khi vô làm bài rồi mới thấy cái biết của mình nó cạn cợt như thế nào. mình đang tiếp cận khái niệm chứng kiến ở mức độ sơ khai nhất (mình nghĩ vậy) thế mà nếu không có cái ví dụ mẫu thì mình cũng chưa chắc mình làm đúng hết 100% yêu cầu. Mà sao cái đầu mình nó lại có thể phức tạp một cách quá đáng như vậy nhỉ? khi nhận câu hỏi là hệ thống nó tự chạy rồi nó rối lum la. Nhưng rõ ràng khi nhận được đáp án thì mình lại thấy nó đơn giản thế kia mà? Khả năng phức tạp hóa một vấn đề đơn giản của mình nó vô biên vậy sao? Đọc xong cái ví dụ là cảm thấy mọi việc đã trở nên đơn giản đi rất nhiều. và rồi giờ mình nghĩ, mình cần phải làm gì đây? dùng cái đầu để nghĩ thì chỉ tổ mang lại sự rắc rối thêm, vấn đề trở nên tồi tệ thêm. Mình chợt thấy là phải làm sao để sống được trong cái chỗ không nghĩ càng nhiều càng tốt, ý mình nói là cái biết ấy. Mọi sự tham gia của tâm trí đều làm cho mọi thứ phức tạp hơn thôi. Giờ mình phải làm sao để nhìn mọi thứ trong sáng nhất có thể.

Rõ ràng, trong cuộc sống của mình, bao nhiêu hiểu lầm to nhỏ đã xảy ra nhờ cái sự không chứng kiến của mình. Nó ngộ lắm, nó chạy lẹ lắm, nó ra kết luận vô cùng nhanh, khi mình thấy được thì đã là cái kết quả rồi, còn cái quá trình thì mình thấy mình chưa đủ năng lực để nhìn rõ nó. Mình chỉ xử lý được vài vấn đề nho nhỏ trong cuộc sống mình thôi. Cuộc sống của mình đang diễn ra và vẫn diễn ra ti tỉ cái kết luận do mình suy diễn. Mà thật ngộ, lúc đó mình thấy rõ ràng như vậy là đúng rồi, mình kết luận dựa trên lập luận có lý mà sao tự nhiên khi biết được sự thật thì nhiều lúc mình lại thở phào, ồ may quá, mình chưa kịp có hành động nông nổi cho cái kết luận đó của mình. Đó là xét về hành động bên ngoài thôi, còn bên trong lòng mình, cũng đã bị kết quả đó hành hạ tâm hồn mình rồi, cảm giác khó chịu đã nổi lên rồi, chỉ là chưa hành động nên chưa gây hậu quả nặng nề là ảnh hưởng mối quan hệ giữa mình và người mình tương tác với thôi. Mỗi một lần mình phát hiện ra như vậy, mình lại để ý nhiều hơn để tránh dẫn đến sai lầm nữa, chí ít là trên cùng một vấn đề.

Nhưng có những chuyện mình đã kết luận rồi và mình cũng không thể biết hoặc mình không có cơ hội để biết được sự thật thì sao? mãi mãi mình sẽ sống trong sự hiểu lầm và người bị hành hạ đầu tiên chính là mình. Sức ảnh hưởng của nó không hề nhẹ, nó thâm nhập vào mình, mình chỉ biết chịu trận, mình bấn loạn, mình không làm sao lôi nó ra khỏi đầu được. Nói vầy không biết có đúng không? khi phát hiện ra thì đám cháy đã quá lớn rồi, muốn dập nó cũng không phải chuyện dễ. Mình muốn tránh những tai họa xảy đến với mình do mình không chứng kiến. Mình biết có nhiều vấn đề trong mình mình chưa xử lý được, nếu nó xảy đến thì mình chỉ ôm đầu chịu trận. Nhưng mình mệt, mình chán mệt. Nó làm cho chất lượng cuộc sống của mình đi xuống một cách rõ rệt.

Trong trải nghiệm của mình, mình phát hiện ra mình có 2 tâm, cái việc buồn vui hay yên ổn của mình nó phụ thuộc vào việc lúc đó mình đang sống trong tâm nào. Mình chỉ mới nhìn ra được chỗ đó, rồi mình lại đặt ra câu hỏi, làm sao để luôn được sống trong cái tâm không mệt? cái tâm không mệt đó là cái tâm trong sáng. Mình biết có nó, mình có trải nghiệm nó nhưng mình đang thấy mình không nắm bắt được nó, không điều khiển, không làm chủ được nó. Vậy nên mình chỉ sống theo kiểu ăn may. Lệ thuộc vào hoàn cảnh. Lệ thuộc vào việc mình có trốn được không hay hoàn cảnh nó bớt khắc nghiệt hơn không. À, nói đến đây mình mới thấy rõ là mình ăn may.

Một sự thật hiển nhiên là mình luôn chứng kiến, vì nó là cái lớp nhận biết đầu tiên. À cái này sao giống mình suy luận và thấy hợp lý quá nhỉ? rõ là thế còn gì? cảm giác nó như thực thấy mà hóa ra không phải. Cái thực thấy cảm giác nó rõ như ban ngày vậy đó, hỏi tới đâu là đáp án hiện ra tới đó. Còn khi nó không hiện thì rõ là còn mù mờ rồi. Làm sao để luôn sống trong chứng kiến? làm sao để không nhầm lẫn nữa? có lẽ mình cần làm được từ những cái nhỏ nhất, đúng không nhỉ? tự nhiên mình lại dè dặt với những kết luận của mình. Mình đóng khung nó thì mình có ra được nữa không? mà mình không đóng khung mình thấy cũng không được. Mình cảm giác nếu không đóng khung thì lấy cái gì để neo vào? Mình muốn quản lý, mình muốn mọi thứ bên trong mình phải diễn ra theo ý mình có được không? Cái hệ thống tự động đó, nó chạy nhanh như điện chớp. Giống như anh đã từng nói, khi cảm giác bệnh đã lên tầng cơ thể thì đã bệnh nặng lắm rồi. Mình toàn nhận được kết quả và xử lý hậu quả.