[Hoài] Cảm nhận sau khóa 1 (bài số 4)

Mình có một mong muốn là khi đi vào khóa học tiếp theo mình nhận được lợi ích cao nhất, có nghĩa là mình đạt được mục tiêu của khóa học đó. Mình muốn rút kinh nghiệm những sai lầm trong tâm thế học của khóa 1. Có lớp thì mình đi chứ mình không quan tâm đến mục tiêu khóa học là gì nên về cơ bản mình hầu như đi sai hoàn toàn với mục tiêu của khóa học đó. May nhờ có mấy buổi bổ túc đã giúp mình nhìn lại và chấn chỉnh lại. Tuy nhiên nó cũng lòi ra vô vàn vấn đề, vô vàn những câu hỏi mà mình chưa trả lời được.

Cái mình nhận được ở khóa học vừa rồi là có những thay đổi nho nhỏ trong cuộc sống của mình mà mình chỉ thấy được kết quả của nó chứ mình chưa nhìn ra được cái quá trình vì sao nó lại như vậy. Trong mình có quá nhiều thứ mình còn mơ hồ. Mình phát sinh ra một cái mong muốn là làm rõ để nắm bắt được cái công cụ chứng kiến này, mình phải làm chủ nó, dùng được nó theo ý muốn của mình. Càng tìm hiểu thì mình càng thấy có vô vàn thứ mình chưa rõ. Mình lọng cọng trong việc sử dụng nó. Rồi ở những tình huống khó hơn, mình còn không phân biệt được đâu là điều mình chứng kiến. Mình nhầm lẫn điều mình tưởng tượng, dự đoán, ảo tưởng… thành điều mình chứng kiến. Mình đã thấy dấu hiệu của nó là mình không rõ ràng, hỏi tới thì mình rối mù, mình không trả lời được ngay. Đó là dấu hiệu mà mình thấy là do mình đã không chứng kiến, còn dấu hiệu nào nữa thì mình chưa rõ.

Mình có một sự ức chế cho cái sự lùng bùng này, làm sao để xài được nó, làm sao để không nhầm lẫn nữa? Dạo này tự nhiên mình thấy mình hay nhạy cảm ghê, mình có thể chảy nước mắt bất cứ lúc nào, mình cũng chưa rõ là tại sao! Mình chỉ ghi nhận lại cơn buồn đó, cơn xúc động đó. Đôi lúc mình cảm thấy rối rắm vô cùng, mình không biết làm gì với cái trạng thái cảm xúc này, mình rối bời thật sự. Không làm được gì nên mình lại kệ nó, để nó đến rồi nó đi, mình cũng chưa biết làm gì khác. Tạm vậy đã. Mình càng tham gia giải quyết thì càng làm mình mệt mỏi.

Trong mình có nhiều nỗi sợ, mình sợ nhiều thứ lắm. Cái sợ lớn nhất là sợ mình ngu, mình vừa thấy vậy. Đâu có ngu mà làm vậy! ví dụ thế. Nhiều lúc mình muốn lật lại mọi vấn đề để xem ở đâu phát sinh ra cái nhận thức đó, nhưng vừa khởi ý lên thì làm như mọi thứ nó trốn hết. Hàng rào sẵn sàng dựng lên hết. Mình chỉ biết đứng nhìn. Mình chưa thấy gì thêm. Bữa giờ mình chỉ đóng vai trò quan sát mọi thứ đang diễn ra bên trong mình, mình ghi nhận lại hết. Mình biết là đụng vào thì mình lại thấy rối ren mà mình chưa biết làm sao để hết rối. Mình chỉ biết càng cố can thiệp vào quá trình thì mọi thứ càng rối hơn thôi.

Mình lại để đó, mình bám vào cái công cụ chứng kiến này, mình lại tìm hiểu với những vấn đề đơn giản nhất. Nói đơn giản vậy chứ mình cũng thấy nó không đơn giản lắm đâu. Vô làm rồi mới thấy cũng còn lẫn lộn tùm lum. Nó không hề đơn giản như mình nghĩ. Bao nhiêu cái niềm tin, nhận thức thâm canh cố đế trong mình, mình không phân biệt được là mình chứng kiến hay không chứng kiến. Rồi cũng có nhiều thứ mình thấy là mình chứng kiến rồi mà sao nó lại dẫn đến cảm xúc tiêu cực trong mình, những tình huống kiểu na ná như tình huống của Anna ấy, mình cũng tự hỏi vì sao mình không quan tâm đến điều mình thật sự chứng kiến mà lại quan tâm đến điều mình dự đoán hay tưởng tượng rồi cho rằng mình chứng kiến điều đó? Ở đâu lại chạy ra cái nhận thức như thế? sao không dừng lại ngay cái chỗ mình thật sự chứng kiến?

Trong quá trình đi tìm hiểu, mình thấy mình đã nhận ra nhiều thứ, mà nói đúng hơn là mình có cảm giác mình sáng rõ vấn đề ra. Nhưng khi vô thực tế, khi bị đụng chạm thì nó mới lòi ra là mình không sống được với điều mình nhận ra, hay là nói mình không nhận ra cái gì cả thì đúng hơn nhỉ? Mình thấy rằng, cái đối tượng “chứng kiến" này mình chưa thực sự rõ ràng về nó. Mình chưa xài được nó một cách thuần thục. Làm cái khó không được, mình lại quay về với những cái đơn giản nhất, cái mà mình không thèm để tâm, mình cho là chương trình mẫu giáo ấy.

Rõ ràng, giờ ngồi nhìn lại, mình có thể thấy được những gì mình nói mình nhận ra, ngay cái lúc ấy mình nói hùng hồn là thế nhưng đâu đó nó vẫn mang màu sắc của cái tôi, mình chưa để được cái tôi ở ngoài lớp học. Rồi mình nói là mình thấy rằng mình luôn là học trò trong cuộc sống này, mình không thể thoát khỏi vai học trò trong cuộc sống này. Đối với mình, đây là một sự nhận ra rất vĩ đại, nó làm cho mình có cảm giác tháo gỡ được nhiều nút thắt trong mối quan hệ của mình với nhiều người, mình thấy mình mở lòng với họ hơn. Nhưng mình đã không làm rõ, không đào sâu cái nhận thức mới đó. Nó có đi đến từ sự chứng kiến của mình không hay nó được đúc kết từ những dữ liệu nào đó trong kho nhận thức của mình? Thế nên khi vo thực tế, mình lại bị đụng, ví dụ như trong lớp học mình chỉ chấp nhận một vai trò của người hướng dẫn thôi, còn lại mình không cho phép bất cứ ai có dấu hiệu leo lên đầu mình ngồi, đừng có đặt câu hỏi kiểu ông nội bà nội mình như thế? đừng lợi dụng cơ hội làm thầy mình. Và rồi dĩ nhiên mình không có học được. Mình không coi họ như tấm gương giúp mình tháo gỡ vấn đề của mình.

Đến đây mình lại thấy nhất thiết phải nắm được công cụ chứng kiến, nó như cứu cánh của mình vậy. Học chứng kiến bằng công cụ chứng kiến.