HOÀNG XUÂN THẢO - Cảm nhận sau buổi học bổ túc 25.2.2024

Cảm nhận sau buổi học bổ túc 25.2.2024

Mình đã trải qua một giai đoạn rất bất ngờ, đi từ đập bỏ cái hiểu biết cũ của mình về chứng kiến. Rằng “chứng kiến không phải là quan sát”, không phải là tập trung chú tâm, dỏng cao phóng đại 5 giác quan của mình lên và ghi nhận thế giới. Suốt mấy tháng học chứng kiến, mình đã đặt sự chú ý lên các giác quan, kết nối với thế giới và loài người bằng cách mở to các giac quan, phân luồng thư mục chứng kiến – suy đoán – tưởng tượng. Mình nghĩ như thế là đúng rồi đủ rồi vì lợi lác nó mang lại rất to lớn. Tới giờ khi được chia sẻ rằng, chứng kiến không phải là một hoạt động, mà cụ thể là không đặt ý mình lên tai, mắt, mũi, lưỡi, thân. Không phải. Không phải. Không phải.

Vậy cái gì mới phải?

Mình đã trải qua những ngày rất khó chịu sau khi kết thúc lớp học. Kiểu hoang mang! Việc mình ồ lên mỗi sáng: Trời hôm nay mát quá! Hay cảm thán khi nhìn thấy một con đường lá bay bay thật nên thơ. Một hoạt động vô cùng thường thức, cảm nhận, bộc lộ, chia sẻ… lại được thầy cảnh báo là rằng không chứng kiến, trong lòng thiếu thốn không đủ đầy thì mới phải bày tỏ phải chia sẻ. Nếu đủ thì sẽ đắm chìm trong nó tận hưởng mà chả cần phải lên tiếng. Ngay khi mở miệng là hết chứng kiến à?

Trong khi với mình, những lúc đó là niềm hạnh phúc lớn lao tới mức muốn chảy tràn ra bên ngoài. Và theo thói quen và bản tính, mình luôn có mong muốn chia sẻ niềm hạnh phúc/ cái đẹp đó/ món ngon đó với người mình yêu thương. Và vui khi nó được nhân lên khi có người đồng cảm thấu hiểu.

Vậy là sao nè?

Mình tạm gác 2 mớ tơ vò đó qua một bên, và quay lại với câu hỏi chính: chứng kiến là gì. Ngay khoảnh khắc khi đang ngồi viết cảm nhận, mình có đang chứng kiến không? Hiển nhiên câu trả lời là có. Mình thấy: chứng kiến là một thuộc tính của sự tồn tại.

Nó bao hàm cả sự quan sát, cảm nhận bằng các giác quan tai mũi lưỡi mắt thân ý.
Nó kết nối 5 giác quan đó lại bằng ý

Ban đầu khi nói tới chứng kiến, mình định nghĩa bằng trực thấy qua các giác quan. Mấy hôm nay sau buổi bổ túc, mình có lùi lại một chút. Và tự nhiên, khi nói tới chứng kiến, mình nghĩ tới hai chữ hiện diện. Nghĩa là mình biết rõ mình ở đó ngay thời gian đó, không gian đó. Sự biết đó thật mạnh mẽ, chắc chắn không gì lay chuyển được. Chả cần lý giải thuyết phục chứng minh.

Cảm giác thật y như nhận ra mình hoàn toàn chủ động, chả bao giờ bị động được. Còn sống là còn chủ động. Cũng như còn thở là còn chứng kiến vậy. Mình nhận ra: Bản chất chứng kiến đi cùng với sự sống này.

Tiếp theo mình ngẫm nghĩ lại những ví dụ của thầy trong lớp bổ túc, ngay chỗ trong lớp mình vẫn chưa tháo gỡ được. Về hình ảnh đàn chuồn chuồn lúc 12h trưa. Mình chứng kiến: hình ảnh giống đàn chuồn chuồn, chứ không phải đàn chuồn chuồn. Nhìn sơ thì cái khác nằm ở câu từ “hình ảnh”, khác nhau ở chỗ thể hiện sự chắc chắn. Nhìn kĩ hơn tí nữa thì là thói quen của não bộ, lúc nào cũng tự động lục lọi nhảy tới kết luận bằng tốc độ ánh sáng. Mà toàn là những kết luận chắc nịt, khẳng định bất di bất dịch. Chính sự auto này dẫn mình tới nhiều hiểu lầm. Cũng chính sự kết luận vội vàng này đóng cánh cửa của mình tới tiệm cận sự thật. Vùng có kết luận là đây. Nào giờ thử lùi lại, bước ra khỏi vòng tròn kết luận trên.

Tới đây, mình nhận ra có 3 điểm mình cần nhìn sâu hơn:
Một là chứng kiến mà sự hiện diện mạnh mẽ của bản thân mình. Lúc này, ở đây. Mình hiện diện.

Hai là kết luận sao cho đúng nhất. Không phải đúng, mà là đúng nhất trong khả năng năng lực mình thấy.

Ba là có kết luận rồi, nhưng không sống trong vùng có kết luận.

Mình thử xem một ví dụ quen thuộc hơn với bản thân như sau. Mình kết luận là với những biểu hiện lời nói hành động, với quyết định không lựa chọn tiến tới, người A không yêu mình hoặc tình cảm không đủ nhiều để muốn gắn kết lâu dài. Đây là một kết luận, thường kết luận đi ra từ những quan sát và luận cứ luận chứng rất thuyết phục, y như hình ảnh đàn chuồn chuồn vậy. Kiểu rõ ràng rành rành trước mắt tới vậy rồi mà.

Bước 1, là mình biết mình ở đó, chứng kiến, cảm nhận, trò chuyện, trải nghiệm người A này. Chứ không thông qua ai khác cả.

Bước 2, xem lại kết luận, mình nên kết luận sao cho chính xác đây, chính xác hơn là mình nhìn thấy biểu hiện như vậy và có suy đoán rằng người đó không yêu mình hoặc yêu không đủ nhiều để muốn gắn kết lâu dài.

Bước 3, Rồi nếu lùi ra khỏi vùng kết luận trên thì mình không cho rằng kết luận trên là đúng 100%. Suy đoán là suy đoán, chưa chắc là sự thật, có thể sai. Nghĩa là mình vẫn quan sát, tư duy, kết luận. Và thêm một bước, không sống trong kết luận đó.

Mình hình dung một cách dễ hiểu như thế này: nếu kết luận là căn phòng đóng kín cửa, thì mình vẫn thấy căn phòng đó rồi mạnh dạn bước ra khỏi cửa. Khi bước ra, nghĩa là mình biết có căn phòng ở đó, mình chấp nhận sự hiện diện của căn phòng, nhưng không bó mình trong đó. Mà giữ cho tâm trí luôn mở, để tiếp tục tìm kiếm quan sát.

Tách bạch ra vậy thì dễ, nhưng mình biết trong cuộc sống thông thường, mọi thứ ào đến trộn lẫn giữa thông tin thu nhận, cảm xúc, kết luận. Để chậm lại phân luồng đòi hỏi một sự tỉnh táo để nhìn thật chậm. Tạm thời tới đây, mình có kết luận rằng: chứng kiến không phải là tập trung quan sát, mà là sự hiện diện đầy mạnh mẽ kì diệu của bản thân mình. Mà khi nói đến hiện diện, mình nghĩ tới giây phút hiện tại.

1 Lượt thích

Tốm lại là em thấy em có thể kết luận về một điều gì đó phải ko? :melting_face:

1 Lượt thích