Phân biệt điều mình chứng kiến với điều mình không chứng kiến

Phần nhận thức này trong mình cứ mơ hồ sao đó. Lúc phân biệt các dấu hiệu mình không thấy rõ. Nên mình muốn tạo topic này để từ từ làm rõ lại từng dấu hiệu chứng kiến và không chứng kiến trong mình. Trước khi làm rõ thì mình thấy trong mình có sự không thích việc liệt kê các dấu hiệu ra. Từ hồi xưa cho tới bây giờ, mình đều không thích việc này. Nên mình thấy mình học để ăn cá chớ không đi chặt trúc như giảng viên hướng dẫn. Nói để chỗ này thì lại muốn có chủ đề nhìn lại việc học của mình, mình sẽ tạo một chủ đề khác để làm rõ. Trong chủ đề này mình sẽ tập trung liệt kê các dấu hiệu của chứng kiến và dấu hiệu của không chứng kiến. Trong mình hiện tại có chứng kiến ý muốn phân biệt hai đối tượng này.

Dấu hiệu của chứng kiến hay nhận thức đến từ sự chứng kiến:

  • MIÊU TẢ ĐƯỢC Mình có thể miêu tả được đặc điểm của đối tượng mình chứng kiến một cách rõ ràng, tổng thể hay chi tiết đều được.
  • XOAY GÓC NHÌN Mình có thể xoay góc nhìn để nhìn về đối tượng đó và mô tả rõ ràng lại được.
  • NGÔN NGỮ TỪ MÌNH Ngôn ngữ mình nói về đối tượng xuất phát từ mình ra chứ không dựa trên ngôn ngữ của người khác. Nó có thể có ngôn ngữ riêng chỉ có mình dùng.
  • KHÔNG NỔI LÊN CẢM XÚC KHÓ CHỊU Nếu có một ai đó nhận xét mô tả khác đi về đối tượng thì mình thấy họ nói sai. Hiện tại khi nghĩ đến tình huống mình cầm cái ly mà họ nói cái bình thì mình có sự đánh giá người khác nổi lên. Vì sao mình lại nổi lên sự đánh giá? Vì mình thấy mình đang nhìn đúng, họ nhìn sai. Họ nói tào lao nên mình bực. Oh, chỗ này mình đang xem điều mình chứng kiến về đối tượng là sự thật về đối tượng đó nên mình mới bực vì thấy mình đúng họ sai mà họ cãi. ==> Tới đây mình thấy khi chứng kiến thì ai đó nói điều trái ý mình về đối tượng thì mình sẽ không nổi lên cảm xúc khó chịu, bức xúc. Chỗ này mình dính nhiều ghê vì mình luôn cho nhận thức khi mình chứng kiến đối tượng là sự thật về đối tượng đó.
  • KHÔNG KẾT LUẬN Nhận thức của mình về đối tượng mình chứng kiến không phải sự thật về đối tượng đó. Nên khi chứng kiến thì mình không đưa ra kết luận về sự thật trên đối tượng mình chứng kiến.
  • KHÔNG ĐÁNH GIÁ, PHÁN XÉT Khi người khác không chứng kiến đối tượng mình đang chứng kiến nên không biết về đối tượng này thì mình không nổi lên đánh giá phán xét họ ngu này kia.

Dấu hiệu của không chứng kiến hay nhận thức đến từ việc không chứng kiến

  • Kết luận liên tục về đối tượng dựa trên kết quả tư duy.
  • Có cảm xúc khó chịu, bức xúc, đánh giá , phán xét khi thấy người khác kết luận khác ý mình về đối tượng chứng kiến.
  • Việc miêu tả về đối tượng chứng kiến mơ hồ, dựa trí nhớ/tưởng tưởng/suy đoán không dựa trên việc chứng kiến đối tượng.
  • Không xoay được góc nhìn khác về đối tượng mình không chứng kiến.

Viết ra mà vẫn cảm thấy mơ hồ. Mình sẽ viết tiếp về phân biệt chứng kiến tương lai sau. Nhưng mơ hồ thật vì nói đến đối tượng chứng kiến trong mình không có sự thấy rõ để miêu tả mà mình phải liên kết vào tình huống, ví dụ cụ thể. Nên mình thấy mình mơ hồ về đối tượng chứng kiến này.