(QUỐC NHẬT)Câu 2: Viết bài CẢM NHẬN về buổi bổ túc 2 (25/2-2024)

  1. Viết bài CẢM NHẬN (Những điều cảm thấy và những điều nhận ra) khi tham dự khóa bổ túc?

Quả thật lúc viết bài TƯỜNG THUẬT QUÁ TRÌNH học buổi bổ túc, mình có đan xen rất nhiều những cảm nhận. Trước đó, mình có nghĩ cần phải phân biệt bài viết Tường thuật quá trình khác với bài viết cảm nhận. Nên bài viết tường thuật mình có đọc lại và sửa đổi những gì mang tính cảm nhận, không mang tính tường thuật quá trình để đưa vào bài cảm nhận này.

. Buổi sáng, mình quyết tâm có mặt đúng giờ, vì buổi bổ túc 1 mình đã vắng mặt vì đi trễ. Buổi 1 mình không chịu sắp xếp thời gian cho đàng hoàn, mình đã có ý nghĩ trong đầu là có thể tham dự online trên zoom khoảng 1 tiếng rồi chạy lên lớp (ở buổi 1) nên mình đã không được may mắn tham dự. Lần này mình quyết tâm nghiêm túc hơn trong giờ giấc.

. Tầm 9h05’ mình có mặt, và cảm thấy rất vui khi được tham dự (cửa mở, không đóng như lần trước). Và khi slide đầu tiên chiếu Chứng kiến, thế nào là chứng kiến và thế nào là không chứng kiến, mình thấy rất thích. Mình cần phân biệt, mình cần hiểu rõ hơn. Quả thật mình vẫn mập mờ, mơ hồ và hiểu không rõ, nên tới bấy giờ mình cứ có cảm giác không yên tâm về cái hiểu của mình về chữ chứng kiến. Thì theo mình chứng kiến là mình biết, biết rõ ràng, có sự chắc chắn bên trong, còn không chứng kiến thì mình mơ hồ, không chắc chắn (dĩ nhiên thông qua các giác quan).
Khi thảo luận và lấy ví dụ nhiều hơn, tự nhiên mình hiểu rõ dần dần hơn. Mà những ví dụ đó trước đây cũng được nêu ra mà, như câu chuyện của Anna, câu chuyện về hai cái hộp A và B, nhưng mấy buổi trước đây mình không hề rõ.
Và mình nhớ lại, có một buổi ở quán chay Nhã Lam, Thầy Quý có kêu mình lại và nói chuyện riêng với mình, lúc đó mình mới thấy rõ ràng mình mù mịt về chữ chứng kiến. Lần này mình thấy rõ hơn lần trước, rõ một cách nhẹ nhàng, và dễ dàng trả lời khi được hỏi tới.

Câu hỏi tiếp theo của Thầy càng khiến mình rõ dần hơn nữa: Thế nào là Sống trong chứng kiến và thế nào là không sống trong chứng kiến. Mình cảm thấy mình cũng thoải mái trả lời câu hỏi này, không có nghi ngại nghi ngờ như trước đây: đó là lấy đối tượng ra làm cái soi chiếu thì sống trong chứng kiến là nhận thức được đối tượng, còn không sống trong chứng kiến là lầm lẫn đối tượng này và đối tượng khác.

Và rồi tiếp đến câu hỏi Quan sát khác với Chứng kiến thế nào? Thầy đưa ra ví dụ để cả lớp thảo luận, suy nghĩ. Mình mới thấy mình chưa có phân biệt được quan sát với chứng kiến một cách rõ ràng. Đôi lúc được hỏi tới thì có thể trả lời được, trả lời được là do vận dụng kiến thức và suy nghĩ, đưa ra ví dụ trong mình. Chứ còn ngay lập tức biết phân biệt, hay nói đúng hơn là trong lúc sống, lại không để ý, không phân biệt. Sau một hồi thảo luận, lắng nghe các ý kiến của các bạn, lúc đó mình cũng thử thực hành về cái chữ Quan sát. Mình quan sát cái ly. Nhìn và quan sát cái ly, có một cái ý, cái tác ý là muốn quan sát cái ly, sự chú ý đặt trên cái ly. Vậy đó là quan sát. Vậy Chứng kiến bao hàm cả quan sát thì phải (mình nghĩ). Cái Chứng kiến đó chả cần tác ý, nó đơn giản tự nhiên. Mình cảm thấy những câu hỏi những ví dụ của Thầy giúp mình ngảy càng rõ hơn, biết rõ hơn về quan sát thêm nữa. Mình liên tục ghi chú lại những cái dữ liệu về định nghĩa quan sát và chứng kiến. Cảm giác của mình lúc đó bớt hoang mang mờ mịt dần dần.

Lúc trước, khi hỏi về Chứng kiến mình lại cứ suy nghĩ, cứ nghĩ tới nghĩ lui rồi trả lời. Cũng may mắn Thầy có nói với mình trong buổi học trước để mình bớt cái ngờ nghệch ra, chứ nếu không mình lại cứ loay hoay theo những cái nghĩ của mình. Mình có nhớ lại Thầy có nói với mình là mình đi học với tâm thế không tôn trọng, học mót. Lúc đó mình như ù ù, mờ mờ, cũng không hiểu sao Thầy nói như vậy. Thầy phân tích cho mình thấy lý do vì sao, khoá học 1,2 là định nghĩa về chứng kiến, chứ không phải ứng dụng về chứng kiến, mình viết ra mấy cái ví dụ về chứng kiến là sai bét. Lúc đó bản thân mình thấy còn mù mờ hơn nữa. Công nhận, khi viết lại dòng cảm nhận này, mình mỉm cười nhẹ nhàng, nghĩ đến mình lúc trước, thì ra đơn giản là bây giờ mình rõ hơn so với lúc trước. Mình cảm thấy thật may mắn, nếu không bổ túc chắc còn hiểu sai be bét thêm.

Quan sát khác với Chứng kiến, bây giờ rõ hơn rồi!
Sự thú vị không dừng lại ở đó, câu hỏi tiếp theo mới đi sâu hơn dần. Chứng kiến có phải là một hoạt động không, Quan sát có phải là một hoạt động không? Quan sát thì là một hoạt động rồi, mình nghĩ mình có câu trả lời đơn giản. Định nghĩa một hoạt động là có sự tác ý. Mình có hỏi Thầy vậy tim đập… thì sao ạ? Và mình mới thấy mình rõ hơn về định nghĩa hoạt động. Đang nói đến hoạt động có tác ý, còn những cái không tác ý, ở đây không định nghĩa hoạt động. Hoạt động phải có đối tượng và chủ thể (mình nghĩ như vậy), và quan sát chắc chắn là một hoạt động. Vậy còn chứng kiến? Mình nhận ra thêm rằng, Chứng kiến có tác ý gì đâu, chứng kiến rất tự nhiên, không liên quan tới ý, vậy theo kiến thức giải thích của mình thì nó không là một hoạt động. Mình phải dùng rõ kiến thức giải thích của mình, chứ sự rõ ràng theo kiểu như hiểu rõ tường tận thì mình vẫn chưa có. Ghi chú của mình về Chứng kiến giúp mình nhận thấy rõ hơn khi viết lại: Chứng kiến mang tính nhận thức, nó tự động, không phải là một hoạt động.

Các câu hỏi tiếp theo được Thầy đưa ra, mình thấy càng giúp làm rõ thêm, rõ hơn về Chứng kiến. Mình cảm nhận có được một sự dìu dắt liên tục xuyên suốt, mỗi một câu hỏi là một bậc thang cho con đường đi, hoặc là một mắt xích trong một sợi dây. Các hoạt động trong cuộc sống…? Có một loại hoạt động trong cuộc sống, trên slide chiếu liệt kê một vài hoạt động như: tưởng tượng, dự đoán, tìm kiếm, suy luận, so sánh, quan sát, đánh giá, nhận xét, định hướng, lựa chọn, phân tích, tổng hợp, khái quát vấn đề, di chuyển, tác động…. Các hoạt động đều có tác ý, có ý mới ra hành động. Vậy câu hỏi được đặt ra là có thể đưa ra nhiều hoạt động tại cùng một thời điểm được hay không? Ban đầu trước khi học thì mình không có thận trọng, sẽ đưa ra ngay là có. Vì trong mọi chuyện hàng ngày, đang chạy xe, thì vẫn nghe nhạc, hay đang xem phim, nghe điện thoại … Nhưng sự nhấn mạnh rõ ràng nhất là ngay trong cùng một thời điểm, tức là một sát na, ấn định một điểm trong biểu đồ thời gian, thì theo kiến thức giải thích của mình (thông qua suy luận, chứ chưa phải gọi là hiểu rõ tường tận) là không. Lúc đó mình tiếp tục thực tập, nhìn cái ly. Đó là hoạt động quan sát nhìn cái ly. Và bạn bàn bên cạnh đang trả lời câu hỏi của Thầy, mình có lắng nghe. Khi chậm lại, mình mới có thấy được, nhưng có điều nó nhỏ quá, nó còn mơ hồ quá, đó là khi chuyển qua cái hoạt động nghe thì cái ý (rất nhanh) nó nằm trên hoạt động nghe, mặc dù mắt mình vẫn nhìn cái ly, nhưng ý nó lại nhảy sang tai nghe. Rồi nó lại nhảy sang mắt nhìn ly, và cũng tích tắc nó chuyển sang nghe. Mình nhận thấy phải nói là rất nhanh, có thể nó chuyển qua chuyển lại liên tục đếm không xuể.
À, trong lúc viết bài cảm nhận, ký ức mình mới nhớ lại có một ví dụ cụ thể của Thầy mà mình quên note lại, đó là nhìn trên màn hình. Thầy có nói một ví dụ là nhìn trên màn hình chiếu đi, thật ra nó là tập hợp của nhiều hình, do nó qua nhanh và nhiều nên mình nghĩ nó là liên tục, ví dụ rất sát sao về khái niệm “trong cùng một thời điểm”. Câu trả lời: Có thể đưa ra nhiều hoạt động tại cùng một thời điểm được hay không là KHÔNG! Mình càng lúc càng cảm thấy biết ơn và may mắn khi tiếp tục được tham dự, và nhờ tham dự bổ túc mới rõ hơn từng chút một.

Và tiếp đến là “Khi đang quan sát bạn có suy nghĩ được hay không?” Quan sát là một hành động, suy nghĩ cũng là một hành động. À thì ra là vậy, khi hành động quan sát thì rời khỏi hành động suy nghĩ, và khi suy nghĩ, hành động quan sát bị gián đoạn. Và việc thực tập cũng dễ thấy, quan sát cái ly, cái ý của mình đặt trên cái ly. Khi khởi suy nghĩ, ý của mình đặt trên suy nghĩ. Mình nhận thấy điều đó rõ dần, không còn mập mờ lầm lẫn nữa. Có một điều là mình chỉ thấy rõ khi xác định đối tượng đơn giản, đối tượng dễ thấy, những vật thể…

Vậy là Khi Quan sát thì KHÔNG có Suy nghĩ, và khi Suy nghĩ thì KHÔNG có Quan sát.

Và cũng từ điều này, khi được hỏi Bạn có Quan sát được khi bạn đang làm các hoạt động như là: tưởng tượng, dự đoán, tìm kiếm, định hướng, đánh gia, lựa chọn, phân tích….hay không? Câu trả lời là KHÔNG?

Mình bắt đầu cảm thấy sự liên quan sâu sắc khi câu hỏi tiếp theo được đưa ra “Khi suy nghĩ có Chứng kiến hay không?” Từ các định nghĩa trước, khi hiểu rõ dần, tới câu hỏi này mình mới rõ hơn xíu nữa, trong suy nghĩ có chứng kiến. Đơn giản là mình có chứng kiến cái suy nghĩ đó thôi.

Và tiếp theo mới là vấn đề quan trọng mình băn khoăn: Làm thế nào để thực hành chứng kiến? Trong một ngày mình lúc nào cũng có các hoạt động, còn chứng kiến thì nó mãi mãi ở đó, thậm chí nó có mặt suốt, vậy mà mình nỡ nào bỏ qua nó, chả thèm để ý tới nó. Lúc đó mình có một cảm giác thấy có cái gì đó thương thương, có một sự xúc động nào đó. Kiểu như chứng kiến nó lúc nào cũng hiện hữu, mà mình thì chạy theo các hoạt động khác trong cả ngày, quên mất nó, mà nó cũng âm thầm, nó vẫn ở đó, chứa đựng hết.

Sự thảo luận của lớp học luôn sôi nổi, nhiều bạn đặt nhiều câu hỏi và những câu hỏi đó cũng có trong mình. Thật ra mình lại chưa nghĩ tới, và một vài bạn đặt câu hỏi mình mới thấy trong mình cũng có. Trong lúc mình mập mờ thì mình không biết hỏi về cái gì. Nhờ những câu hỏi mình bắt đầu mới bớt mập mờ hơn. Mình có để ý tới khi Thầy nói về vị trí đặt tâm. Khi quan sát thì vị trí đặt tâm ở trên cái đối tượng quan sát. Cái đó mình nhận thấy rõ. Còn khi chứng kiến, mình vẫn chưa rõ. Vậy khi chứng kiến, vị trí đặt tâm của mình là ở đâu? Mình có nhớ là Thầy có nói về con mắt, con mắt bên trong mình. Mình nhớ lại, và khi đang đánh máy những dòng này, mình có nhận ra một điều, con mắt bên trong mình nó chứng kiến. (Thật lòng mà nói điều này mình vẫn còn chưa rõ) Theo mình thấy thì nó như là một cái biết, hiện tại mình không tài nào định nghĩa nó được một cách rõ ràng cụ thể.

Mình nhớ có nhớ Thầy có nói một điều ‘Anh biết rõ những điều mình đang nói, và lời nói không mâu thuẫn!’ Mình thấy đây là một yếu tố quan trọng.

Rồi khi nói đến Thế nào là Quan sát trong Chứng kiến và Quan sát trong Cảm nhận, mình bắt đầu thấy mịt mờ. Thầy cũng có nói rằng mọi người trong lớp không hiểu rõ, chúng mình quan sát trong cảm nhận và cứ ngỡ rằng đó là quan sát trong chứng kiến. Mình cũng có nhớ lại, hồi đầu buổi Thầy nói, định nghĩa bổ túc là gì? Câu hỏi đơn giản thế mà mình suy nghĩ cao siêu để rồi không trả lời một câu hỏi đơn giản. Lúc đó lấy ví dụ ra mà diễn tả thì đơn giản như trong lớp học trường lớp hồi xưa, học chính quy chưa đủ, tức là chưa hiểu, dốt quá nên phải bổ túc. Mình nhận thấy một điều, khi trả lời, hay đề cập điều gì đó, mình cần phải xác nhận đối tượng. Nếu xác nhận đúng đối tượng thì câu trả lời sẽ phù hợp và không đi lạc đề.

Bây giờ viết lại, mình thấy bắt đầu rõ hơn một chút. Quan sát là hành động, có tác ý. Cảm nhận là một trạng thái có chủ ý, liên quan tới mình. Quan sát trong cảm nhận là có một cái của mình, mình xen vào cảm giác, nhận định đánh giá chủ quan. Mình nhận ra là quan sát trong cảm nhận có sự chủ quan, chủ quan lựa chọn những gì theo ý mình… Vậy quan sát trong chứng kiến sẽ không như vậy. Vậy quan sát trong chứng kiến chỉ đơn thuần là dữ liệu, dữ kiện…
Thêm vào đó, Thầy đưa ra vậy kết luận có phải là kết quả của sự chứng kiến không?
Vậy thì mình cần phải định nghĩ kết luận là gì? Mình nhận thấy kết luận là mình kết luận, vậy nó mang tính chủ quan, cái đó là kết luận của mình. Và điều lớn hơn mà mình không ngờ tới là khi Thầy nêu ra rằng kết luận là cho mình là đúng. Lúc đó mình mới nhìn lại, cái đó trước giờ mình cứ mặc định, cho nó là hiển nhiên, kết luận của mình…, không ngờ khi đi sâu vô thì nó có cái đặc tính cho mình là đúng. Mà khi mình đã cho mình là đúng rồi thì dĩ nhiên cái ý kiến khác với kết luận của mình, mình sẽ cho nó là sai. Thì ra là vậy. Nếu không phân tích kỹ thì mình cứ mơ mơ màng màng….! Và rồi mình thấy rằng, khi không kết luận, thì mình sẽ không có trạng thái cho mình là đúng, mọi thứ sẽ khác, mình sẽ không còn tranh cãi bảo vệ cái cho mình là đúng, mà sẽ thoải mái tìm hiểu, tìm hiểu thêm. Nếu có một cái ý khác, khác với ý mình, thì sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm, và lại tiếp tục tìm hiểu thêm.
Vậy thì ‘kết luận’ là sẽ dừng lại.

À, mình có nhớ tới đoạn này Thầy có dùng hai chữ ‘Liệt tuệ’. Mình cũng có đọc xíu xiu về kinh Phật, về Thiền Tông, và mình có hiểu chữ này. Khi Thầy nêu ra và phân tích cho cả lớp thì mình chỉ có thể đồng ý hoàn toàn. Bên trong mình trước giờ cũng có nghi vấn, bây giờ thì mình không còn nghi ngờ nữa. Thầy cũng có nói về các cách hành thiền khác, Vipassana chẳng hạn, mình cảm nhận thấy lời Thầy nói chỉ có đúng. Nếu gò ép thì liệt tuệ. Đơn giản vô cùng.
Mình có nhớ tới đoạn này có một bạn chia sẻ, trong lúc bạn Tâm hỏi về hai chữ liệt tuệ. Trong mình lúc đó thấy đơn giản. Và khi bạn đó chia sẻ, thì bạn đó đưa một đối tượng khác, và bạn ấy không chia sẻ dựa trên hai chữ liệt tuệ. Bạn ấy đang chia sẻ một ý khác, mình nhận thấy nếu như chia sẻ cùng trên đối tượng là liệt tuệ, thì bạn ấy sẽ nhận được ý nghĩa của hai chữ ấy rõ hơn nữa.
Mình nhận thấy rằng nếu trò chuyện, hay chia sẻ, hoặc là giải quyết vấn đề mình dựa trên đối tượng, thì hai người, hay nhiều người chúng ta có thể sẽ hiểu đúng hơn về vấn đề đó. Đó cũng là tránh lầm lẫn đối tượng.
Và mình cũng thấy cẩn thận với kết luận.

Sang đến một khái niệm nữa mà mình thấy quan trọng vô cùng: Thế nào là “Sống trong chỗ Không có kết luận” và “Không sống trong chỗ có kết luận”.

Cả lớp và mình xôn xao, sôi nổi, mọi người cười trong một cái khái niệm giống như vòng lặp. Sống trong chỗ KHÔNG có kết luận là một kết luận. Cả lớp đều đồng ý thống nhất chuyện đó.
Vậy là Không sống trong chỗ có kết luận thì mới tìm hiểu thêm tìm hiểu được nhiều hơn.

Và trong lúc thảo luận thì mình có thấy một ý của một bạn ví dụ rõ về điều này: đó là khi nhìn ngắm bầu trời buổi sáng, bình minh đang lên, và thốt lên ‘Ôi, bầu trời đẹp quá!’ Cái đó rõ ràng để ví dụ về ‘kết luận’. Khi thốt lên câu đó, mình đã kết luận. Mình có chia sẻ một khái niệm, nhìn ngắm một bông hoa, nhìn biển, nhìn trời xanh chẳng hạn… Thật ra hồi trước mình có đọc về tác giả Krishnamurti mà bạn Linh giới thiệu với mình. Bạn Linh thì rất cuốn hút với ngài, còn mình thì đọc không hiểu gì hết. Mình có nhớ cái ý viết từ trong sách là ‘khi nhìn ngắm bông hoa, bạn chỉ nhìn ngắm, bạn thấy vẻ đẹp của bông hoa…, nhưng khi bạn thốt lên câu nói nào đó về bông hoa, vẻ đẹp đó biến mất….’ Cho tới lúc này mình thấy khái niệm đó rõ hơn một chút, có cái gì đó nó nhẹ nhàng khi đơn thuần chỉ là nhìn ngắm.

Rồi bỗng dưng Thầy kêu mình lên chia sẻ! Trong mình không biết cái gì để chia sẻ cả! Mình phải hỏi lại Thầy là mình phải chia sẻ cái gì đây? Và mình chia sẻ cái ý về cái nhìn ngắm. Và mình có nói rằng thật ra mình cũng chưa làm được liên tục, ban đầu ngắm, rồi ý lên tiếng, định nghĩa và giải thích là hết cái ngắm đó mất tiêu. Lấy ví dụ ra để rõ hơn là nhìn ra ngoài cửa mình nói với các bạn, mình thấy cây hoa, có bông, lúc đó mình thấy ánh nắng vàng nhạt chiếu qua những toa tàu đang dừng lại ở đường ray trong ga. Và nói với các bạn mình nhìn ra đó, và thấy hình ảnh đó như vậy, nhưng rồi mình phát hiện ra, khi thốt lên toa tàu đang dừng ở ga là mình là đã có lên tiếng, đã có suy nghĩ, giải nghĩa nó rồi, không còn quan sát đơn thuần nữa. Đã kết luận rồi.
Cảm nhận của mình là mình có nhận thấy chút gì đó về kết luận. Còn cái không sống trong kết luận thì rõ ràng, hiện tại đang chào thua. Mình thấy là nếu trả lời câu: Không sống trong kết luận là, thì mình sẽ lại nói rằng, nếu không sống trong kết luận vậy sống ở đâu ? Và thế là ‘sống trong không có kết luận’ à.

Mình có nghe một số bạn thốt lên ‘sao càng học càng lùng bùng vậy Thầy?’, ‘Sao cuối buổi rồi, cuối cùng hỏng hiểu gì hết?’… Mình cũng mắc cười quá trời. Thật ra, mình thấy các bạn rõ hơn và mình cũng rõ hơn. Cả lớp có những câu trả lời rõ hơn về chứng kiến, và ví dụ cũng rõ hơn.

Mình thấy cuối ngày, định nghĩa chứng kiến là gì, quan sát là gì, mình và cả lớp đã rõ hơn. Phân biệt chứng kiến với quan sát, quan sát với chứng kiến, quan sát trong cảm nhận và quan sát trong chứng kiến cũng rõ hơn. Và khi có ‘kết luận’ thì không có CHỨNG KIẾN. Vậy câu hỏi được đặt ra cho mọi người là sau khi đã rõ dần thì sống TRONG CHỨNG KIẾN là thế nào, thực hành Chứng kiến thế nào cho đúng! Thực hành Chứng kiến là KHÔNG sống trong chỗ có KẾT LUẬN! Vậy làm thế nào để làm điều đó.

Sự nhận ra dần dần của mình qua buổi bổ túc này rất lớn, và mình cảm thấy may mắn. Nếu không tham dự buổi bổ túc thì những ý nghĩa, những lớp về quan sát, suy nghĩ, nhận thức bên trong mình nó sẽ cứ trộn một cách hỗn loạn.

Mình cảm thấy cần tiếp tục để được rõ hơn, rõ hơn nữa sau này!

./.

1 Lượt thích

Mình thấy bên dưới bạn có đặt câu hỏi này:

Bên trên bạn viết 2 ý này mình thấy có liên quan đến câu hỏi trên:
“Đó là hoạt động quan sát nhìn cái ly. Và bạn bàn bên cạnh đang trả lời câu hỏi của Thầy, mình có lắng nghe. Khi chậm lại, mình mới có thấy được, nhưng có điều nó nhỏ quá, nó còn mơ hồ quá, đó là khi chuyển qua cái hoạt động nghe thì cái ý (rất nhanh) nó nằm trên hoạt động nghe, mặc dù mắt mình vẫn nhìn cái ly, nhưng ý nó lại nhảy sang tai nghe. Rồi nó lại nhảy sang mắt nhìn ly, và cũng tích tắc nó chuyển sang nghe. Mình nhận thấy phải nói là rất nhanh, có thể nó chuyển qua chuyển lại liên tục đếm không xuể.”

“Thầy có nói một ví dụ là nhìn trên màn hình chiếu đi, thật ra nó là tập hợp của nhiều hình, do nó qua nhanh và nhiều nên mình nghĩ nó là liên tục, ví dụ rất sát sao về khái niệm “trong cùng một thời điểm”.”

=> Bạn thấy 2 ý bên dưới này có gì liên quan hay có thể trả lời phần nào cho câu hỏi phía trên không? hihi

Mình có thấy một điều là, nếu trong chứng kiến, vị trí đặt tâm của mình là ở con mắt bên trong mình, theo mình hiện tại là như vậy.
Có thể cái ý thứ 2 về ví dụ màn hình, về khái niệm cùng một thời điểm, nó cho mình thấy rõ hơn về cái vị trí đặt tâm trong lúc chứng kiến á bạn.

khi mình chứng kiến bằng mắt thì vị trí đặt tâm của mình là ở con mắt bên ngoài hay bên trong mình?

Với cho mình hỏi "vị trí đặt tâm"có phải là “chỗ mà ý tập trung vào” không?

À, mình có cảm nhận thấy vị trí đặt tâm của việc chứng kiến là con mắt bên trong mình. Cái đó không dùng ý, cũng chẳng khởi gì cả, nó có vẻ có sẵn á. Dùng ý thì là vị trí đặt tâm nằm trên ý mất tiêu rồi, đúng không. Cái con mắt bên trong tâm hồi trước mình cũng có cảm thấy mù tịt, so với bây giờ mình rõ hơn một tí xíu, đó là việc dùng ý. Nếu dùng ý thì mình sẽ khởi cái ý đó, cho dù mình để cái ý đó ở đâu đi nữa, hoặc có thể mình ráng cố gắng đưa cái ý đó vô cái con mắt bên trong, nó vẫn là cái ý. Tức là lúc đó mình cố gắng tạo ra con mắt bên trong của mình.

Mình có thể ví dụ cái này bằng nhiều cách, cách rõ hơn đối với mình là mình kể lại những gì vừa xảy ra, xảy ra trong quá khứ, hoặc nếu ai siêng năng có thể viết nhật ký, cái đó có thể mình sẽ thấy rõ hơn. Những dữ liệu từ đâu mà tuôn ra cho mình viết lại chuyện cũ? Cái ý nó sẽ không theo kịp, ký ức, sự gợi nhớ cũng chỉ là hệ quả của cái tuôn ra, và khi tuôn ra các dòng viết ra kể lại chuyện cũ, thì rõ ràng mình đã có chứng kiến, mới tuôn ra một cách trôi chảy dễ dàng.